Doanh nghiệp sản xuất phân bón: Gặp khó trong tiêu thụ
Diễn biến thời tiết không thuận lợi, cạnh tranh gay gắt với hàng urê giá rẻ từ Trung Quốc, nạn phân bón giả vẫn tràn lan... đã khiến các doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Khó khăn chồng chất
Trong quý I/2014, diễn biến thời tiết rất phức tạp với cả ba miền: Miền Bắc trời rét đậm kéo dài làm cho thời vụ cấy chậm hơn so với những năm trước, vùng Đồng bằng sông Cửu Long vụ gieo cấy lúa đông xuân cũng chậm khoảng 1 tháng so với năm trước; miền Trung và Tây Nguyên nắng hạn kéo dài. Đây là nguyên nhân chính gây khó khăn cho tiêu thụ phân bón trong quý I. Bên cạnh đó, giá lúa và giá nông sản thấp, giá cao su xuất khẩu chỉ bằng 70-75% so với năm 2013 đã ảnh hưởng mạnh đến sức tiêu thụ phân bón.
Không những thế, 3 tháng đầu năm, giá urê nhập khẩu từ Trung Quốc giảm mạnh xuống dưới mức 300 USD/tấn đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình tiêu thụ urê trong nước.
Trong quý I/2014, xuất khẩu phân bón giảm so với cùng kỳ, đạt 14,8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 37,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tập đoàn. So với cùng kỳ, giảm 13,9 % về giá trị và 2,1% về tỷ trọng. Trong đó, Công ty CP phân bón Bình Điền xuất khẩu đạt 6,5 triệu USD, giảm 4,5%; Công ty CP phân bón miền Nam xuất khẩu đạt 2,98 triệu USD, giảm 20%; Công ty CP phân bón và Hóa chất Cần Thơ xuất khẩu đạt 4,7 triệu USD, giảm 14% so với năm 2013. |
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, đến giữa tháng 4, đề án chống sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng do Cục Quản lý thị trường chủ trì và Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 202/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón do Cục Hóa chất chủ trì vẫn chưa được ban hành. Hoạt động thanh tra, kiểm soát thị trường chưa hiệu quả nên tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến uy tín thương hiệu và tiêu thụ phân bón của tập đoàn. Đơn cử gần đây nhất là vụ làm giả phân bón Đầu Trâu diễn ra ở Phú Yên; DAP Trung Quốc chất lượng 60-62% đóng thành bao có chất lượng 64%; phân bón NPK sản xuất với chất lượng thấp hơn tiêu chuẩn được DN công bố diễn ra hầu khắp các tỉnh, thành cả nước…
Tồn kho urê lớn
Tuy bối cảnh không thuận lợi nhưng các DN sản xuất phân bón nỗ lực triển khai nhiều giải pháp linh hoạt tiêu thụ sản phẩm nên kết quả tiêu thụ vẫn đạt bằng và tăng so với cùng kỳ, chỉ riêng tiêu thụ urê giảm.
Hiện gặp khó nhất vẫn là phân urê do phải cạnh tranh với hàng giá rẻ của Trung Quốc với lượng tiêu thụ đạt 137 nghìn tấn, giảm 3,1%; tồn kho 96 nghìn tấn, tăng 6 lần. Ngoài ra, một số mặt hàng khác có thể nói vẫn giữ ổn định: phân lân chế biến tiêu thụ đạt 377 nghìn tấn, tăng 7,5%; tồn kho 254 nghìn tấn, giảm 10,4% so với cùng kỳ. Phân DAP tiêu thụ 72 nghìn tấn, tăng 1,7%; tồn kho trên 40 nghìn tấn, giảm 18,7%. Phân NPK đạt 583 nghìn tấn, tăng 0,2%; tồn kho 243 nghìn tấn, tăng 4%.
Sản lượng sản xuất cũng tăng ở một số mặt hàng, phân lân chế biến đạt 394 nghìn tấn, tăng 4,6%; phân đạm urê đạt 160 nghìn tấn, tăng 55,3%; phân DAP đạt 60 nghìn tấn, giảm 12,8%; phân NPK đạt 352 nghìn tấn, giảm 7,4%.
Mặc dù hầu hết các sản phẩm phân bón có sản lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ tăng so với cùng kỳ, nhưng do giá bán bình quân quý I năm 2014 giảm mạnh so với quý I năm 2013. Cụ thể, giá đạm urê giảm 10%, DAP giảm 23%, phân lân giảm 4%, NPK các loại giảm từ 9% đến 11%.
Theo Nguyễn Duyên