MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá cà phê và khí gas tăng khủng – hồi kết mối tương quan giữa hàng hóa và tài chính

23-02-2014 - 20:56 PM |

Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở cả hai bán cầu, giá khí gas và cà phê kỳ hạn đã tăng trên 50% trong năm nay, sau nhiều năm không mang lại lợi nhuận đáng kể cho các nhà đầu tư.

Mối tương quan giữa hai thị trường hàng hóa và tài chính có vẻ như đang bị phá vỡ.

Chỉ trong một phiên 19/2/2014, giá cả hai mặt hàng này tăng trên 10%, làm kinh ngạc các nhà kinh doanh, thậm chí gây lo ngại rằng các thương gia và các quỹ hàng hóa có thể bị cuốn vào cơn lốc tăng giá này.

Năm vừa qua đã xuất hiện hiện tượng nhiều hàng hóa tách ra khỏi thị trường chứng khoán và tỷ giá hối đoái để thiết lập những hướng đi độc lập, kết thúc giai đoạn 5 năm quan hệ khăng khít chưa từng có giữa thị trường hàng hóa và thị trường tài chính kể từ khi xảy ra khủng hoảng tài chính.

Giá hàng hóa ngày càng được xác định bởi các nguyên tắc cung – cầu cơ bản hơn là những lo ngại về kinh tế vĩ mô hay các giao dịch chéo thị trường, và trong tương lai có thể sẽ tiếp tục củng cố xu hướng này khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm dần chương trình mua trái phiếu, kéo theo sự giảm cung tiền – vốn đã hỗ trợ giá những tài sản rủi ro tăng giá mạnh trong suốt mấy năm qua.

“Với khí gas và cà phê, chúng ta có thể nhìn thấy những bằng chứng rõ ràng nhất về việc thị trường hàng hóa đang ngày càng trở nên độc lập”, Ernest Scalamandre, nhà sáng lập AC Investment Management có trụ sở ở New York – hiện quản lý 500 triệu USD đầu tư vào các quỹ hàng hóa – cho biết.

Khô hạn kéo dài ở Brazil đã gây lo sợ nguồn cung arabica thế giới năm nay sụt giảm mạnh, trong khi mùa đông khắc nghiệt nhất trong nhiều thập niên ở Hoa Kỳ đẩy tăng vọt nhu cầu khí tự nhiên để sưởi ấm.

Phiên 19/2 vừa qua, giá cà phê arabica tăng vọt lên mức cao kỷ lục 16 tháng, sau khi tăng 20% chỉ trong vòng 2 phiên, bởi các quỹ tiếp tục rót tiền vào mặt hàng này do lo ngại thời tiết xấu ở Brazil. Khí gas Mỹ cũng vọt lên mức cao nhất 5 năm trong cùng phiên, tăng tới 22% chỉ trong vòng 1 tuần (kết thúc vào ngày 21/2/2014) mặc dù mùa đông sắp kết thúc.

Điều này khác hẳn với xu hướng kéo dài kể từ 2008, khi những hàng hóa chủ chốt như dầu thô, vàng, đồng và bông, và kể cả một số thị trường khác như bạch kim và đường, luôn di chuyển song song với giá cổ phiếu bởi dự báo Fed sẽ tiếp tục kích thích nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh nền kinh tế này hồi phục chậm chạp, còn kinh tế khu vực đồng euro thì suy yếu và bất ổn.

Nay các nhà đầu tư thường xuyên “lái” thị trường theo hướng hoàn toàn riêng biệt. Giá dầu trở nên biến động do những thông tin về sự gián đoạn đường ống dẫn dầu, và những yếu tố khác về nguồn cung chứ không phải bởi kết quả thu nhập của công ty – nhân tố đẩy giá chứng khoán Mỹ lên cao kỷ lục.

Hệ số tương quan giữa chỉ số giá 19 hàng hóa nguyên liệu Thomson Reuters/Core Commodity Index và chỉ số thị trường chứng khoán S&P 500 ở mức trung bình 0,5 trong gần suốt 5 năm qua, nhưng năm nay giảm xuống chỉ còn dưới 0,15. Chỉ số này thể hiện mối tương quan hoàn hảo khi bằng 1.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta cuối cùng cũng trở về lại với những thập 89 và 90, khi chỉ có một mối tương đồng duy nhất là giữa giá của một loại cổ phiếu hay một loại hàng hóa dựa trên GDP”, ông Scalamandre cho biết.

Các nhà đầu tư đã rót hơn 400 tỷ USD vào nguyên liệu trong vòng một thập niên tính tới 2012. Năm vừa qua, họ bắt đầu rút dần tiền ra khỏi địa chỉ này, đặc biệt do giá vàng giảm.

Đồng thời cũng đang kết thúc sự độc quyền giao dịch của các ngân hàng phố Wall, và một số quỹ đầu tư lớn thua lỗ do thị trường đang trở nên rất nhạy cảm. Tiền không dồn lâu vào một địa chỉ nào và các chuyên gia cảnh báo các nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng với bất cứ chiến thuật nào.


Vân Chi

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên