Tuần qua, thị trường dầu đã có nhiều biến động trước những mốc sự kiện hết sức quan trọng đối với triển vọng phát triển kinh tế tại các khu vực kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu.
Khởi động tuần, giá dầu giảm nhẹ khi Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 2 trên thế giới, đạt 50,6 điểm, giảm so với 50,9 điểm của tháng 3. Thị trường sau đó tăng cùng với xu hướng tăng của các chỉ số chứng khoán S&P 500, DJI trước cam kết mua trái phiếu 85 tỷ USD/tháng của Fed.
Giá dầu tiếp tục giảm khá mạnh trong 2 ngày giữa tuần. Chênh lệch giữa dầu Brent và WTI liên tiếp bị thu hẹp xuống dưới 9 USD, thấp nhất từ 12/2011. Nguyên nhân chủ yếu là giá dầu Brent giảm, xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng vào ngày 2/5 tại 99,95 USD/thùng. Lượng cầu liên tiếp suy giảm, biểu hiện cho sự đình trệ trong sản xuất và tiêu dùng. Trong khi tồn kho dầu của Mỹ tăng ở mức cao nhất trong 82 năm kể từ năm 1931 là 395,3 triệu thùng và sản lượng tháng 4 của OPEC tăng 30,9 triệu thùng/ngày, cao nhất trong vòng 5 tháng đã đẩy giá dầu lao dốc. Cụ thể, giá dầu WTI giao tháng 6 giảm 2,43 USD, tương đương 2,6% xuống 91,03 USD/thùng, giảm nhiều nhất kể từ 15/04.
Sang ngày 3/5, kỳ vọng vào cam kết tiếp tục chính sách nới lỏng định lượng của chính phủ Mỹ cũng như thông tin chính thức về việc Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 0,5% để khuyến khích đầu tư sản xuất, kích thích phát triển kinh tế, giá dầu mới bắt đầu tăng trở lại. Giá dầu Brent quay trở lại vượt ngưỡng 100 USD/thùng và WTI dao động cận 100 USD/thùng.
Bên cạnh đó, chuỗi thông tin đáng mừng về tình hình tăng việc làm, giảm kê khai trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ được coi là những tín hiệu rõ nét nhất về sự hồi phục của nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, đã góp phần không nhỏ đẩy giá dầu và khối lượng giao dịch tăng mạnh trong những ngày này.
Ngày hôm nay (4/5), thị trường tiếp tục đón nhận những thông tin tích cực từ tăng trưởng kinh tế, kỳ vọng tăng cầu đối với thị trường năng lượng.
Bộ lao động Mỹ đã chính thức công bố số liệu việc làm của tháng 4. Số lượng việc làm đã tăng 165.000. Tỷ lệ thất nghiệp giảm vượt ngoài dự đoán xuống thấp nhất trong vòng 4 năm là 7,5%.
Jeff Grossman, chủ tịch BRG Brokerage tại New York nhận định “Thị trường dầu đã có sự bứt phá, các số liệu về việc làm chính là chất xúc tác lớn nhất đối với thị trường”.
Trên sàn giao dịch New York, giá dầu WTI giao tháng 6 tăng 1,6 USD, tương đương 1,7% lên 95,61 USD/thùng, cao nhất kể từ 2/4. Khối lượng giao dịch cao hơn 32% trung bình 100 ngày.
Trên sàn giao dịch ICE London, giá dầu Brent giao tháng 6 tăng 1,34 USD, tương đương 1,3% lên 104,19 USD/thùng. Khối lượng giao dịch cao hơn 36% trung bình 100 ngày.
Ngày 1/5, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cho biết tổng cầu về dầu tại Mỹ đã giảm 3,6% vào tuần trước xuống 17,9 triệu thùng/ngày. Trong khi tồn kho dầu thô tăng 6,7 triệu thùng lên 395,3 triệu thùng, cao nhất trong 82 năm trở lại đây.
Phil Flynn, chuyên gia phân tích thị trường tại Price Futures Group, Chicago nhận định “Tồn kho dầu tại Mỹ rất cao trong khi cầu lại rất thấp. Hy vọng những diễn biến khả quan trên thị trường việc làm sẽ thúc đẩy lượng cầu tăng”.
Khảo sát của Bloomberg cho thấy có thể WTI tuần tới sẽ giảm. 47% cho rằng thị trường tương lai sẽ tiếp tục giảm qua ngày 10/5. 35% dự đoán tăng và 6% nói sẽ không có nhiều biến động./.
Theo Thu Phương