MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải pháp nào thay thế các cây xăng bị đóng cửa?

03-09-2013 - 10:36 AM |

Việc di dời giải toả các cây xăng không đủ điều kiện đương nhiên là cần, nhưng xung quanh đó có nhiều câu hỏi mà dư luận quan tâm.

TP Hà Nội vừa yêu cầu các chủ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không đủ điều kiện phải di dời giải toả trước ngày 15/9. Được biết, toàn thành phố có gần 500 cây xăng, thì theo kiểm tra có hơn 300 cây xăng cần phải khắc phục một số điều kiện để tiếp tục được kinh doanh và khoảng 45 cây xăng cần phải dỡ bỏ. 

Việc di dời giải toả các cây xăng không đủ điều kiện đương nhiên là cần, nhưng xung quanh đó có nhiều câu hỏi mà dư luận quan tâm. Để có thêm thông tin về vấn đề, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội.

PV: Thưa ông Đỗ Văn Đồng, ngày 15/9 tới quyết định đóng cửa các cây xăng không an toàn của TP Hà Nội sẽ được thực thi. Vậy xin ông hãy cho biết, hiện tại đối với những cây xăng chưa đạt chuẩn đã nhận được quyết định đóng cửa hay chưa?

Ông Đỗ Văn Đồng: Thực hiện chủ trương của UBND TP Hà Hội, Sở Công thương phối hợp với các ban , ngành đã thành lập 5 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra đồng loạt toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn thành phố.

Trong tổng số 441/448 cửa hàng xăng dầu đã kiểm tra, chúng tôi phát hiện có khoảng 45 cửa hàng đang nằm trong diện không đảm bảo các điều kiện về phòng chống cháy nổ. Đối chiếu với các tiêu chuẩn hiện nay, chắc chắn những cửa hàng này sẽ phải dừng hoạt động.

Ngày 5/9 Sở Công thương sẽ tiến hành họp với các chủ doanh nghiệp của 45 cây xăng đó để làm rõ nguyên nhân, cũng như những yêu cầu về việc phải đóng cửa những cây xăng này.

Tất nhiên, sau khi cuộc họp được tiến hành, theo sự chỉ đạo chung của thành phố Sở Công thương sẽ phối hợp với các ngành kiểm tra, rà soát lại một lần nữa 45 điểm kinh doanh xăng dầu này để xác định cây xăng nào chắc chắn phải đóng cửa, cây xăng nào sẽ được nâng cấp cải tạo tiếp tục kinh doanh.

PV: Ngày 5/9 Sở Công thương sẽ họp và thông báo những cây xăng không đủ điều kiện hoạt động và đến ngày 15/9 quyết định di dời sẽ có hiệu lực, vậy điều này có quá gấp không, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Đồng: Tất nhiên với thời gian như thế này là rất gấp và sẽ khó khăn cho doanh nghiệp khi phải dừng hoạt động. Vì vậy, ngày 5/9 tới, các khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được các Sở, ban ngành cùng bàn bạc và tháo gỡ, nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động, cũng như hàng hoá tồn kho của các doanh nghiệp. 

PV: Nếu trong một thời gian gấp như vậy các cây xăng không đủ điều kiện phải đóng cửa, việc làm của người lao động tại các cây xăng đó sẽ được giải quyết như thế nào?

Ông Đỗ Văn Đồng: Điều này sẽ phụ thuộc vào tình hình cụ thể của từng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể sẽ điều chuyển người lao động đi làm những công việc khác phù hợp. Còn trong trường hợp doanh nghiệp chỉ có một cơ sở kinh doanh và cơ sở đó phải đóng cửa, chắc chắn người lao động phải nghỉ làm. Điều này sẽ là một điều khó khăn không chỉ riêng cho doanh nghiệp, mà cũng là khó khăn chung của thành phố.

PV: Có một vấn đề được nhiều người quan tâm rằng, các cây xăng được cấp phép hoạt động thì đều phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn đã qui định, vậy đối với những cây xăng được cho là không đủ tiêu chuẩn vẫn được cấp phép hoạt động và được tồn tại đến tận bây giờ mới có quyết định chấm dứt, tại sao lại xảy ra tình trạng này thưa ông? 

Ông Đỗ Văn Đồng: Hầu hết các cây xăng trong nội thành Hà Nội đều được xây dựng cách đây rất lâu và trong quá trình kinh doanh xây dựng lúc đó chưa có những công trình mới mọc lên, cũng như chưa có điều kiện mở rộng các đường giao thông đi qua các cửa hàng xăng dầu này. Nhưng đến nay do quá trình qui hoach và phát triển đô thị, đã có nhiều công trình mọc liền kề với các điểm kinh doanh xăng dầu, hoặc do mở rộng về giao thông nên các điểm kinh doanh xăng dầu bị thu hẹp về diện tích… điều này đã dẫn đến tình trạng không đạt chuẩn về khoảng cách giữa cửa hàng kinh doanh xăng dầu với các công trình công cộng. 

PV: Khi mà đóng cửa một lúc 45 điểm kinh doanh xăng dầu như vậy, các ban ngành chức năng  có kế hoạch gì đáp ứng nhu cầu của người dân không thưa ông? 

Ông Đỗ Văn Đồng: Đây là vấn đề không chỉ Sở Công thương mà cả UBND TP Hà Nội cũng đã tính đến, vì vậy chúng tôi nghĩ rằng ngoài việc giải toả phải tăng lượng cung ứng xăng dầu của các điểm kinh doanh xăng dầu được phép tồn tại.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có những đề xuất, kiến nghị với UBND TP Hà Nội sẽ ưu tiên cho những cửa hàng phải ngừng hoạt động trong dịp này, thực hiện đầu tư vào các điểm qui hoạch mới có đủ điều kiện.

Mặt khác, chúng tôi cũng kiến nghị với UBND TP Hà Nội và sẽ phối hợp với các Sở, ngành UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố rà soát mạng lưới kinh doanh xăng dầu hiện nay cũng như là các quỹ đất hiện có để có thể đề xuất UBND thành phố cho bổ sung thêm những điểm kinh doanh xăng dầu mới nếu có đủ các điều kiện, để đảm bảo mạng lưới không bị trống và cung cầu trên địa bàn.

 Xin cảm ơn ông!

Theo PV

khanhnt

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên