MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội lại đứng trước nguy cơ thiếu điện

12-06-2014 - 13:42 PM |

Bộ Công Thương yêu cầu tất cả các đơn vị liên quan phải chủ động phối hợp bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu điện trong các tháng cao điểm mùa khô 2014.

Tuy nhiên,Hà Nội đang đứng trước khó khăn khi dự án đường dây 220 kV Vân Trì- Chèm liên tục bị dời mốc tiến độ.

Liên tục lỗi hẹn vì không có mặt bằng

Ông Trần Kim Vũ - Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền Bắc (AMB) - cho biết: Dự án ĐZ 220 kV Vân Trì - Chèm phía bờ bắc dài 11,9 km với 42 vị trí cột, đi qua địa bàn 2 huyện Mê Linh và Đông Anh (TP. Hà Nội). Đến nay, toàn bộ cột của công trình đã được dựng xong nhưng vẫn còn khoảng 3 km không thể kéo dây. 

Đó là: vị trí cột 4-7; 7-8 trên địa bàn xã Nam Hồng (huyện Đông Anh còn vướng 18 hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng); vị trí cột 32-33 thuộc xã Đại Mạch (Đông Anh) vướng 8 hộ dân; vị trí 34-35; 35-37 thuộc xã Võng La (Đông Anh) vướng 15 hộ dân. 

Ngoài ra còn một số doanh nghiệp cũng đang gây khó khăn trong việc  kéo dây. Ông Hà Văn Khanh - Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh - cho hay, 41 hộ dân của 3 xã và một số doanh nghiệp chưa chịu bàn giao mặt bằng vì họ cho rằng giá đền bù mà UBND TP. Hà Nội đưa ra không sát với thực tế.

Ông Nguyễn Văn Để - Trưởng thôn Đoài (xã Nam Hồng) - chia sẻ, 18 hộ dân ở đây cương quyết đòi được thu hồi đất để di dời tái định cư. Tuy nhiên, theo quy định về an toàn hành lang lưới điện thì các hộ này chưa thuộc diện phải thu hồi mà chỉ thuộc diện hỗ trợ đền bù. Hơn nữa, đất chỉ được phê duyệt hỗ trợ 1,2-1,5 triệu đồng/m2, trong khi giá thị trường ở đây khoảng 8-10 triệu đồng/m2 nên người dân không thuận. 

 Tuy nhiên, việc đưa dự án về đích trong tháng 6 này có vẻ không khả thi vì theo ông Hà Văn Khanh - Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh, trong quá trình triển khai dự án từ năm 2013 đến đầu năm 2014, việc xác định giá đất theo giá thị trường của UBND huyện Đông Anh chưa thực hiện xong. 

Đến ngày 25/4 mới họp được tổ thẩm định giá và trình UBND TP. Hà Nội vào ngày 6/5. Sau khi được UBND TP. Hà Nội phê duyệt phương án đền bù mới, huyện sẽ tổ chức họp dân công khai giá và vận động bà con (theo trình tự các công đoạn này mất khoảng hơn 1 tháng), nghĩa là phải sang tháng 7. Nếu người dân vẫn cố tình không đồng ý thì lúc đó huyện sẽ tổ chức cưỡng chế để thi công.

Dự án ĐZ 220 kV Vân Trì-Chèm do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư với tổng số vốn trên 574,6 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm quốc gia với mục đích chống quá tải và cung cấp điện cho TP. Hà Nội trong mùa hè 2014 và những năm sau. Theo kế hoạch ban đầu, dự án phải hoàn thành từ tháng 12/2013 nhưng sau đó phải dời mốc lại đến tháng 5/2014. Thế nhưng, nay đã giữa tháng 6, dự án vẫn tiếp tục lỗi hẹn.

Cần sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền

Được biết, để bảo đảm việc cấp điện ổn định cho TP.Hà Nội thời gian qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã yêu cầu sử dụng tối đa công suất các trạm biến áp  (TBA) 220 kV đang vận hành. 

Thậm chí, Hà Nội là địa phương duy nhất có TBA 220 kV phải sử dụng cùng lúc 3 máy biến áp (MBA) để cấp điện. Chỉ cần xảy ra sự cố ở 1 MBA là TP. Hà Nội sẽ bị mất điện trên diện rộng. 

Theo thiết kế, ĐZ 220 kV Vân Trì - Chèm sẽ chịu trách nhiệm tải 25% công suất điện của Hà Nội trong thời gian tới, nếu ĐZ không vận hành đúng tiến độ, việc cấp điện cho Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ thi công ĐZ này liên tục bị lùi mốc, kéo theo nguy cơ thiếu điện trầm trọng cho Hà Nội những ngày nắng nóng. 

Việc triển khai cải tạo xây dựng các công trình 110 kV theo quy hoạch cũng rất khó khăn do các công trình liên quan đến việc xây dựng các xuất tuyến ĐZ 110 kV phụ thuộc vào các TBA 220 kV…

Ông Vũ cho biết, hiện Ban AMB đang phối hợp với địa phương tuyên truyền vận động người dân về tầm quan trọng của dự án cũng như các quy định pháp luật về công tác đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhà thầu đã chuẩn bị sẵn nhân lực, máy móc, bất cứ lúc nào có mặt bằng là có thể thi công ngay.

Thực tế cho thấy, những khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng nói chung và các dự án lưới điện nói riêng không thể hoàn thành nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị huyện Đông Anh, sự ủng hộ của chính quyền địa phương các xã, các tổ chức doanh nghiệp và người dân. 

Việc đưa các công trình điện đúng tiến độ không chỉ giúp ngành điện hoàn thành nhiệm vụ cung ứng điện, giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho ngân sách quốc gia mà còn góp phần cấp điện ổn định cho Hà Nội và vùng phụ cận.

Sự cố gây mất điện 8 tỉnh phía Bắc, nguyên nhân từ đâu?

Theo Ngọc Loan

khanhnt

Báo công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên