MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khai thác khoáng sản trái phép, máu tài nguyên đang chảy

18-09-2013 - 13:04 PM |

47/63 tỉnh, thành phố đang diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Khi công khai, rầm rộ, khi âm thầm lén lút, bằng nhiều cách khác nhau, tài nguyên khoáng sản quốc gia đang bị chảy máu dữ dội.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên - Môi trường, từ năm 2012 trở lại đây, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn ra tại nhiều địa phương. Đã có tới 47/63 tỉnh, thành phố trên cả nước có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (miền Nam: 10, miền Trung: 10, miền Bắc: 27).

Vàng bị khai thác trái phép nhiều nhất, diễn ra phổ biến ở các địa phương: Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Kon Tum, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lào Cai…Cát sỏi lòng sông cũng bị khai thác trái phép ở 31/63 tỉnh, thành phố.

Nghiêm trọng hơn, ở nhiều nơi, chính quyền địa phương còn bao che, tiếp tay cho các hoạt động vi phạm. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng phải chua chát thừa nhận: “Rừng vàng biển bạc ở ta bị đào bới cả rồi”. Bức tranh toàn cảnh về thực trạng khai thác khoáng sản trái phép như thế nào? Hệ lụy, nguyên nhân của vấn nạn này ra sao? Chính quyền và các cơ quan chức năng cần làm gì để ngăn chặn tình trạng chảy máu tài nguyên đất nước, Báo CAND có chuyên đề “Khai thác khoáng sản trái phép: Máu tài nguyên đang chảy” để làm rõ hơn về vấn đề này…

Bức tranh tối màu

Từ các loại khoáng sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao như vàng, bauxite, titan, thiếc… tới những loại khoáng sản thông thường như cát sỏi, than đá… đều đang hằng ngày bị “móc ruột” bởi các đối tượng khai thác trái phép. Sự buông lỏng, bất lực trong quản lý, thậm chí bao che, tiếp tay của chính quyền và một số cơ quan chức năng địa phương đang khiến cho bức tranh toàn cảnh về khai thác khoáng sản trái phép ngày càng trở nên… tối màu và nhem nhuốc...

Tan nát những “mỏ vàng”

Từ trung tâm TP Tam Kỳ (Quảng Nam), chúng tôi ngược lên xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh - vùng đất được mệnh danh là “xứ sở vàng”. Vì vàng, nơi đây năm nào cũng có nhiều người bỏ mạng, tình hình an ninh trật tự cũng rất phức tạp. Trước thực trạng này, Bộ Công an đã có quyết định thành lập Đồn Công an Tam Lãnh, nhưng việc khai thác vàng trái phép vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Dạo quanh một vòng khắp các thôn xóm, chúng tôi phát hiện, gần như mỗi gia đình đều cất giấu vài chục bao quặng phía sau nhà, hay những “thòn” ngâm quặng tuyển vàng. Mỗi “thòn” như vậy có hai hồ (hồ lớn, hồ nhỏ), được dựng bằng ván và lót bạt chống thấm xung quanh. 

Để tuyển vàng, quặng được đổ vào hồ lớn, ngâm cyanua (một loại chất cực độc để tuyển vàng) từ 2 - 3 ngày. Từ hồ lớn có một ống nước nhỏ để vàng được lọc chảy trực tiếp về hồ con. Sau khi ngâm tuyển lấy vàng từ hồ con xong, nước hóa chất ở hồ mẹ họ thải ra môi trường, sông, suối… Trung bình, mỗi “thòn” ngâm tuyển quặng như vậy cũng kiếm được 2 đến 3 chỉ vàng.

Công an huyện Phú Ninh (Quảng Nam) truy quét các đối tượng

 khai thác vàng trái phép tại Tam Lãnh

Theo ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, từ năm 2009 đến nay, xã đã xử lý được gần 10 vụ buôn bán, vận chuyển chất độc cyanua với số lượng lớn để dùng vào việc tuyển rửa vàng. 

Còn theo báo cáo của huyện Phú Ninh, từ đầu năm đến nay, huyện đã chỉ đạo truy quét 6 đợt tại khu vực Thác Trắng, đồi AD1, AD2, AM, Ngách Chụm, Suối Tre, nhà máy đỏ…, lập biên bản xử lý 4 trường hợp khai thác, chế biến trái phép quặng vàng, tiêu hủy 113 lán trại, thu giữ khoảng 12.400m dây điện, dây nước các loại; đẩy đuổi gần 500 người ra khỏi khu vực khai thác vàng trái phép; đẩy đuổi hơn 70 người lén lút vào các khu vực mà Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu đang khai thác để trộm cắp quặng vàng.

Không dễ để lên được mỏ vàng Pá Phay (Linh Hồ - Vị Xuyên -  Hà Giang). Đường lên mỏ đều là vách đá dựng đứng, có nhiều hang hiểm trở, nếu quen địa hình thì leo núi mất khoảng 5 tiếng mới lên được điểm khai thác. Do đây là mỏ vàng gốc, tỉ lệ vàng nằm trong đá lớn nên tháng 6/2011, UBND tỉnh Hà Giang đã cấp phép khai thác cho Công ty CP Xây dựng và khai thác khoáng sản Hà Giang.

Được cấp phép tuy nhiên công ty không triển khai hoạt động khai thác, không thực hiện các thủ tục sau cấp phép, để “vàng tặc” lộng hành. Cao điểm, mỗi ngày có hàng trăm người kéo nhau lên núi dựng lán để đào đá, tìm vàng. Công an tỉnh Hà Giang đã thành lập tổ công tác gồm Phòng CSĐT tội phạm về môi trường (PC49) và Công an huyện Vị Xuyên tiến hành các biện pháp ngăn chặn tình trạng đào bới, sử dụng phương tiện, máy móc, vật liệu nổ để khai thác vàng.

Kết quả, tổ công tác đã tịch thu, tiêu hủy 28 lán trại bằng ván gỗ, mái lợp bằng bạt dứa; 9 máy nổ; 8 đầu nghiền đất đá; 1 máy ép hơi; 1 máy khoan cầm tay; 152 cuộn dây điện dùng để kích nổ mìn. “Chính quyền địa phương đã nhiều lần mời lãnh đạo công ty tới họp để xử lý vấn đề an ninh trật tự, thủ tục sau cấp phép nhưng phía công ty không cử người đến. Chúng tôi sẽ kiểm tra, xác định rõ hiện trạng, kiến nghị UBND tỉnh Hà Giang thu hồi giấy phép” - Thượng tá Thẩm Quang Biển, Trưởng Công an huyện Vị Xuyên cho biết.

Dựng lán khai thác vàng ở huyện Đak Glei (Kon Tum).

Ngay sau khi rộ lên tin đồn nhiều người trúng vàng ở khu vực Quế Phong (Nghệ An), hàng trăm đối tượng từ nhiều tỉnh, thành phía Bắc đã đưa phương tiện, máy móc và thuê cả ngàn người dân địa phương đến khai thác vàng trái phép. 

Hàng trăm lán trại được dựng lên, và dân đào vàng đã biến khu vực rừng núi hiền hoà nơi đây trở thành điểm nóng về an ninh trật tự. Sự việc chỉ được hạn chế khi ngày 4/4/2013 vừa qua, Công an huyện Quế Phong vào cuộc truy quét "vàng tặc". Chỉ trong 2 ngày đã truy quét, vận động gần 1.000 người ra khỏi khu vực khai thác vàng trái phép, lấp gần 200 hố vàng, tháo dỡ 60 lán trại, vô hiệu hóa gần 30 máy nổ các loại.

47/63 tỉnh, thành phố có khai thác khoáng sản trái phép

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên - Môi trường, từ năm 2012 trở lại đây, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn ra tại nhiều địa phương. Đã có tới 47/63 tỉnh, thành phố trên cả nước có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (miền Nam: 10, miền Trung: 10, miền Bắc: 27). Vàng bị khai thác trái phép nhiều nhất, diễn ra phổ biến ở các địa phương: Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Kon Tum, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lào Cai…Cát sỏi lòng sông cũng bị khai thác trái phép ở 31/63 tỉnh, thành phố.

Nhiều loại khoáng sản có giá trị khác cũng bị khai thác trái phép như mangan (Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái), quặng sắt (Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai), quặng titan (Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định), quặng thiếc (Lâm Đồng, Nghệ An)… Tính chất mức độ vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp và diễn ra khá công khai, kể cả ngày lẫn đêm, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau: đào ao, trồng rừng, làm đường, xây dựng công trình hạ tầng…

Qua công tác thanh tra của các địa phương đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính với 467 đơn vị, tổng số tiền phạt hơn 13,4 tỷ đồng, vi phạm nhiều nhưng xử lý rất hạn chế. Hiện mới chỉ có 5 địa phương đã thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản gồm Quảng Nam (13), Kiên Giang (10), Thanh Hóa (02), Điện Biên (01), Sơn La (01). Riêng đối với thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 1.215 vụ vi phạm.

Đồng bằng sông Cửu Long: Khai thác cát “rút ruột” sông Tiền, sông Hậu

Tình trạng khai thác cát trái phép tại các tỉnh ĐBSCL diễn ra rất phức tạp. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân không có giấy phép (hoặc giấy phép đã hết hạn) vẫn ngang nhiên hoạt động, ngày đêm “rút ruột” đáy sông Tiền, sông Hậu… Hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có trên 100 phương tiện khai thác cát với quy mô nhỏ lẻ tại các tuyến sông Cổ Chiên, sông Tiền và sông Hậu. 

Chỉ trong  4 ngày, từ ngày 27 đến 30/8 vừa qua, Công an tỉnh Vĩnh Long đã phát hiện, bắt quả tang 11 phương tiện khai thác cát trái phép trên nhánh sông Trà Ôn. Các chủ phương tiện không xuất trình được giấy phép khai thác cát và thừa nhận đã sử dụng ghe có tải trọng từ 18 đến 40 tấn và phương tiện tự chế để hút cát sông trái phép gần 2 năm nay. Tại Cần Thơ, từ đầu tháng 5/2013 đến nay, Phòng CSGT đường thủy đã phát hiện, bắt quả tang 10 phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Hậu.

Phá nát “Thung lũng Tình yêu” (Đà Lạt) tìm thiếc

Khu du lịch Thung lũng Tình yêu (TP Đà Lạt) đang bị “thiếc tặc” phá nát. Để che mắt cơ quan chức năng, các đường hầm đào thiếc được thiết lập khá tinh vi bên trong khu du lịch Thung lũng Tình yêu, xen kẽ các miệng đường hầm được hình thành trong khu vực vườn trồng rau của người dân. 

Bên ngoài, các đối tượng bố trí máy nổ, ngụy trang là bơm nước tưới rau nhưng thực chất là mở đường ống dẫn thẳng vào miệng hầm khai thác thiếc. Hệ thống đường dây điện cũng được chôn dưới đất để kéo điện vào trong đường hầm khai thác hết sức tinh vi. Khai thác xong, thường lúc khoảng 4 - 5h sáng, các đối tượng chở quặng thiếc bằng xe máy đến điểm tập kết và bán cho các đầu nậu.

Theo Nhóm PV KT-XH

khanhnt

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên