MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lại bàn chuyện quản giá xăng

15-05-2014 - 08:33 AM |

Việc trả quyền điều hành giá bán lẻ xăng dầu cho Bộ Công Thương liệu có thỏa mãn được mong muốn về một cơ chế quản lý, giám sát giá để minh bạch, lành mạnh hóa thị trường?

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý giao Bộ Công Thương quyền chủ trì điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo đề xuất của Bộ Tài chính.

Ai giám sát?

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong nhìn nhận việc trao quyền điều hành giá cho Bộ Công Thương là hợp lý bởi đây là mặt hàng thiết yếu, nhạy cảm và chưa cạnh tranh thì đưa về một đầu mối sẽ tốt hơn. “Bộ Công Thương đã quản lý cung cầu thị trường, xuất nhập khẩu nay quản lý thêm giá sẽ nắm được cơ sở để có phương án hợp lý” - ông Phong nói. 

TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng trao quyền điều hành giá cho Bộ Công Thương, công luận sẽ có một “địa chỉ” duy nhất để quan tâm. Điều này sẽ thuận tiện trong việc chủ động kiểm soát giá nếu như có một cơ quan giám sát độc lập.

Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh chỉ ra rằng cơ quan duy nhất hiện nay có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh, cạnh tranh giá của doanh nghiệp (DN) là Cục Quản lý cạnh tranh thì lại nằm trong Bộ Công Thương. “Ai sẽ giám sát Bộ Công Thương trong điều hành giá hay bộ này lại vừa điều hành giá vừa tự giám sát mình. Như vậy khó tránh khỏi vừa đá bóng vừa thổi còi” - TS Lê Đăng Doanh băn khoăn và đề xuất cần phải xem xét đến một cơ chế giám sát điều hành giá độc lập để việc điều hành giá xăng được minh bạch.

Nhìn từ thực tế quản lý mặt hàng xăng dầu hiện nay, TS Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng việc khoán trắng cho một bộ “ôm” mọi việc dễ làm tăng độc quyền. “Mặt hàng này hiện nay 2 bộ quản lý vẫn còn độc quyền thì giao cho 1 bộ càng đáng lo. Vẫn nên duy trì một cơ chế liên ngành để vừa quản lý vừa giám sát lẫn nhau” - ông Phong nói.

Tài chính “gật”, Công Thương “quyết”!

Một thành viên ban soạn thảo nghị định xăng dầu cho biết việc quản lý giá xăng dầu vẫn tiếp tục theo cơ chế một bộ chủ trì nhưng có sự phối hợp với cơ quan còn lại. Thành viên ban soạn thảo nghị định cũng cho biết thực chất Bộ Tài chính vẫn quản lý giá cơ sở, Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) và thuế. Khi nhận điều hành giá bán lẻ xăng dầu, Bộ Công Thương chỉ chủ động về thời điểm quyết định điều chỉnh giá cũng như thời điểm sử dụng các biện pháp điều hành khác như thuế, quỹ BOG. Còn về phương án điều hành giá thì phải “xin ý kiến” Bộ Tài chính.

“Như vậy, Bộ Công Thương không hề nắm giá, nắm quỹ trong tay. Phương án điều hành phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý giá cơ sở là Bộ Tài chính. Việc chuyển quyền chủ trì điều hành giá xăng dầu sang Bộ Công Thương thực chất chỉ là hữu danh vô thực!” - vị này nói.

Trước đó, theo một cán bộ Bộ Công Thương, về đề xuất của Bộ Tài chính giao điều hành giá xăng cho Bộ Công Thương, bộ đã có ý kiến từ chối. Quan điểm của bộ này là nếu Bộ Tài chính tính toán giá cơ sở thì nên điều hành giá bán lẻ như từ trước đến nay là hợp lý. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định thời gian qua, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính luôn phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành giá xăng dầu. Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, 2 bộ vẫn đang phối hợp, gấp rút rà soát và hoàn thiện dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 16-5. 

Sợ ưu ái con cưng?

Hiện nay, cơ quan quản lý chỉ tham chiếu số liệu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) để tính toán mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ. Trong khi đó, số lượng và giá nhập khẩu của mỗi DN khác nhau, DN nhỏ không thể có nhiều ưu đãi như DN lớn. 

Đại diện một DN đầu mối xăng dầu cho rằng nếu nghị định mới chưa giải quyết được điểm thiếu công bằng này, lại đưa việc quản lý về một cơ quan mà không xây dựng cơ chế giám sát thì chắc chắn giá xăng dầu sẽ vẫn tù mù và chưa thể tiệm cận với thị trường.

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, cho rằng về bản chất việc điều hành giá xăng vẫn do nhà nước quyết định, DN chỉ báo cáo và xin ý kiến, có khác là chuyển từ bộ này sang bộ kia. 

“Công thức giá vẫn thế, cơ chế vận hành vẫn thế thì không khác gì. Còn chuyện “đá bóng thổi còi” hay ưu ái thì không phải dễ dàng vì công thức giá do Chính phủ ban hành, mọi thứ đều rõ ràng” - ông Năm khẳng định.

Theo Phương Nhung

khanhnt

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên