MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành điện vẫn phải chủ động

03-06-2013 - 11:52 AM |

Đến nay, rất nhiều UBND các tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra các vi phạm, tập huấn công tác quản lý hệ thống lưới điện cho các huyện, thành phố nhưng hiệu quả còn rất hạn chế.

Sự cố mất điện hy hữu chiều ngày 22/5 đã ảnh hưởng trực tiếp tới khoảng 8 triệu hộ tiêu dùng điện. Đây cũng là vấn đề nóng tại Quốc hội khi nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về an toàn lưới điện và an ninh năng lượng quốc gia.

Ngành điện chủ động các giải pháp tuyên truyền

Điều khiến nhiều người quan tâm nhất hiện nay không phải là con số thiệt hại sau sự cố xe cẩu gây mất điện mà là tình trạng dễ tổn thương của lưới điện cao áp (LĐCA) sẽ dẫn đến nguy cơ mất an ninh năng lượng nếu gặp những sự cố tương tự. Nhất là khi nhu cầu phụ tải ở khu vực phía Nam đang tăng rất mạnh, trong khi các dự án nguồn chưa vào kịp, trọng trách cung cấp điện cho miền Nam phụ thuộc vào 2 đường dây 500 kV Bắc - Nam khiến các đường dây này luôn vận hành trong tình trạng đầy tải hoặc quá tải. Vì vậy, khi xảy ra sự cố, việc xử lý rất khó khăn.

Ông Vũ Ngọc Minh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia  - cho biết, mặc dù ngành điện đã thực hiện rất nhiều giải pháp tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân đối với tầm quan trọng của lưới truyền tải điện, cũng như hậu quả xảy ra đối với các sự cố nhưng hiệu quả vẫn hạn chế. Vì vậy, rất cần chế tài xử lý nghiêm minh và sự đồng thuận của toàn xã hội.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định, Nghị định 106/2005/NĐ-CP sửa đổi và Nghị định 81/2009/NĐ-CP đã nêu rõ: Cấm thả diều, vật bay hoặc bất cứ vật gì gần đường dây và có khả năng ảnh hưởng đến công trình LĐCA. Điều 12 Nghị định 106 cũng quy định Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm về bảo vệ an toàn LĐCA.

Tuy nhiên, giải quyết vi phạm hành lang LĐCA là vấn đề nóng và rất nhạy cảm, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của địa phương, các cơ quan chức năng và ý thức tự giác của người dân. Đến nay, rất nhiều UBND các tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra các vi phạm, tập huấn công tác quản lý hệ thống lưới điện cho các huyện, thành phố nhưng hiệu quả còn rất hạn chế.

Vẫn cần chế tài đủ mạnh

Nhớ lại mấy năm trước, phong trào “thả đèn trời” để cầu may ở Hà Nội và một số tỉnh thành đã làm cháy cả nhà cao tầng, kho xăng và đường dây truyền tải điện, gây thiệt hại nghiêm trọng. Tới năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định nghiêm cấm thì tình trạng này đã  được khắc phục hoàn toàn. Điều đó cho thấy, chỉ khi có chế tài đủ mạnh, mới giảm được những nguy cơ sự cố trên hệ thống lưới truyền tải điện.

Theo các chuyên gia, biện pháp căn cơ nhất vẫn là sớm đầu tư các nhà máy điện để chủ động cân đối nguồn tại chỗ cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, giảm bớt sự phụ thuộc nguồn điện truyền tải qua hệ thống đường dây 500 kV Bắc - Nam. Ðẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình lưới điện truyền tải trọng điểm 220 - 500 kV, xây dựng thêm đường dây 500 kV mạch 3 để san tải, tăng tính ổn định cho hệ thống.

GS.TS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam:

Về phương diện thiết bị, kỹ thuật, thiết kế đường dây thì không có lỗi gì cả. Sự cố mất điện ngày 22/5 là trường hợp bất khả kháng. Việc cần làm bây giờ là nghiêm túc rút kinh nghiệm, đánh giá đâu là nguyên nhân chủ quan, khách quan để từ đó có những giải pháp giảm thiểu nguy cơ, tăng hiệu quả hoạt động mạng lưới điện quốc gia.

 

Theo Ngọc Loan

khanhnt

Báo công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên