Tăng giá xăng dầu: Cách lý giải vẫn khó hiểu
Giá xăng trong nước thường tăng nhanh theo thế giới, nhưng giảm chậm hơn, còn lý giải vẫn... khó hiểu.
- 17-07-2013Giá xăng bất ngờ tăng 460 đồng/lít
Tối qua (17/7), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phát đi thông tin cho biết, từ 20h00, giá xăng tăng thêm 460 đồng/lít, trong khi giá dầu tăng từ 420 đến 480 đồng/lít. Cùng với biểu giá này, lãnh đạo Petrolimex cho biết: Việc tăng giá xăng, dầu lần này xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá dầu thành phẩm trên thị trường thế giới, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định 84 và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định này của Liên bộ Tài chính - Công Thương.
Còn đến sáng 18/7, liên Bộ Tài chính - Công Thương có giải thích rằng, giá xăng dầu trên thị trường thế giới bình quân 30 ngày gần đây (từ ngày 17/6/2013 đến ngày 16/7/2013) biến động chủ yếu theo xu hướng tăng và luôn dao động ở mức cao; giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu (trừ dầu ma dút) đang cao hơn so với giá bán hiện hành từ 726 đến 988 đồng/lít. Trong khi đó, thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn thấp hơn barem quy định, số dư Quỹ Bình ổn giá còn ít (ước đến 10/7/2013 khoảng 61 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp đang bị âm quỹ).
Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới còn có thể biến động theo xu hướng tăng và ở mức cao... Liên bộ cho rằng, “việc điều chỉnh giá xăng dầu được thực hiện trên cơ sở chia sẻ hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng, và cân đối ngân sách nhà nước”.
Đây là lần tăng giá xăng dầu thứ tư kể từ đầu năm và là lần tăng thứ ba liên tiếp trong hơn một tháng nay. Với biểu giá mới của lần tăng này, dư luận lại một lần nữa thấy cảnh cũ diễn lại bằng lời thoại rất cũ rằng “xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định 84...”.
Giải thích nghe có vẻ rất “hài hòa lợi ích”, song dư luận vẫn cứ thắc mắc về thời điểm tăng giá gần đây liên tục được quy định là từ 20h00, còn quyết định tăng giá cũng thường được phát đi cuối giờ chiều, để báo giới nhớn nhác hỏi nhau, thậm chí phải tự mò nguồn để mà loan tin trong đêm tối, còn người tiêu dùng đa số chỉ khi mua xăng mới biết.
Hơn nữa, cứ khi xuất hiện thông tin rào đón than lỗ, than thiệt của các doanh nghiệp được lan truyền đây đó là y như rằng không lâu sau sẽ có quyết định chính thức tăng giá xăng dầu được phát đi. Thời điểm tăng giá tối 17/7 chỉ hành động đổ thêm màu cho cảnh diễn giá xăng “gây bất ngờ nhưng không thú vị” với người tiêu dùng. Bởi lẽ, liên bộ mấy ngày qua đều nhắc doanh nghiệp kiềm chế giá cả.
Cũng giống như nhiều lần trước, những ngày “xăng dầu nhăm nhe tăng giá”, cơ quan chức năng quản lý nhà nước về giá xăng dầu, nếu được hỏi, vẫn khẳng định chưa có thông tin về chuyện đó, và giá xăng dầu “công khai, minh bạch, vào theo diễn biến thị trường...” như để trấn an dư luận. Để rồi, những đoán định kiểu “tin vịt” về tăng giá xăng lại không hề... sai. Còn cách công khai giá xăng dầu như hiện nay thì vẫn tiếp tục khiến người ta khó hiểu. Nhất là khi thông tin công bố về việc tăng giá xăng thường được công bố trong khoảng 1 giờ đồng hồ trước, thậm chí có cả công bố sau giờ xăng đã chính thức tăng giá. Đơn cử, lần tăng giá ngày 17/7 này, Bộ Tài chính gửi thông cáo gần nửa tiếng sau khi các công ty đã bán giá mới, khác hẳn các lần điều chỉnh trước đó.
Dù sao, nếu đánh giá về việc điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian gần đây, có một ưu điểm nổi bật, đó là việc các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cho phép tăng giá xăng dầu thường bám rất sát, kịp thời với diễn biến động thái tăng giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Còn cách lý giải cho sự tăng giá từ phía người có trách nhiệm, dễ thấy, nhiều lần vẫn như... lần đầu. Thế nên, muốn biết giá xăng dầu trong nước chuẩn bị tăng hay không, người tiêu dùng nào chịu mày mò, chỉ cần lập biểu theo dõi nhịp tăng của giá thế giới rồi... đoán.
Ở động thái khác, về việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu, mọi người tiêu dùng đều dễ nhận thấy một thái độ rất “đủng đỉnh”, thận trọng của người ra quyết định, nên thường lộ rõ phản ứng bám sát giá thế giới rất chậm so với khi tăng giá. Đơn cử, đợt giảm giá xăng dầu ngày 9/5 vừa qua, khi giá dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tiếp tục giảm sâu, trong đó thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn nhất của Việt Nam là Singapore cũng liên tục giảm từ cuối tháng 4.
Lúc đó, dư luận, nhiều chuyên giá đặt câu hỏi “vì sao giá xăng, dầu ở Việt Nam giảm chậm, giảm ít - trong khi lại tăng nhiều hơn về số lần cũng như số tiền?” Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội trước phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đương nhiệm lúc đó khẳng định: “Tín hiệu giảm giá xăng dầu đã rõ. Có thể giảm vài trăm đồng mỗi lít. Song, vẫn còn phải theo dõi diễn biến thêm vài ngày nữa trước khi quyết định...”.
Theo PGS. TS Ngô Trí Long (nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính), thị trường xăng dầu hiện nay chưa phải là thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Nó thể hiện ở chỗ có vài doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối chiếm thị phần rất lớn. Khi đã xác định thị trường xăng dầu là độc quyền thì phải có cơ chế quản lý giá phù hợp.
Trong khi cơ chế quản lý giá hiện nay chưa được đồng thuận của dư luận, chưa ai dám khẳng định nó đã thực sự hợp lý, xem ra những màn độc diễn trong điều hành giá xăng sẽ còn tiếp tục. Hơn nữa, khi màn kịch giá xăng còn được tái diễn tăng nhanh, giảm chậm như một vũ điệu do một số nhà độc quyền thao diễn, ắt hẳn người tiêu dùng còn chịu thiệt, và chuyện “công khai, minh bạch, đúng diễn biến thị trường” vẫn chỉ là khẩu hiệu.
Những lý giải của cơ quan quản lý nhà nước về giá xăng dầu khiến người ta thấy nó chỉ mang tính chất minh họa cho tính đúng đắn của việc tăng giá. Bởi, điệp khúc than vãn về mức lỗ của doanh nghiệp, rồi thuế còn thấp... liên tục là căn cứ chính cho tăng giá, trong khi con số lãi của doanh nghiệp trong những lúc chậm giảm so với giá thế giới chưa từng được công bố. Vậy nên, việc hài hòa lợi ích vẫn còn là một dấu hỏi lớn./.
Theo Xuân Thân