Tăng quyền định giá xăng dầu cho doanh nghiệp: Giá xăng dầu hết bị bóp méo (!?)
“Nhà nước sẽ chỉ định giá mặt hàng xăng dầu khi Thủ tướng có quyết định bình ổn giá, còn lại sẽ trao quyền cho doanh nghiệp (DN) được tự định giá mặt hàng này theo biên độ cho phép”.
Đây là điểm sửa đổi mới nhất của dự thảo nghị định thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương thẩm định. Về vấn đề trên, phóng viên NTNN đã phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong- một trong những người được đề nghị phản biện cho dự thảo nghị định này.
Ông Phong nói: Nếu dự thảo cho phép DN được tăng - giảm giá xăng dầu theo thị trường, phù hợp với thị trường chứ không chậm như chúng ta vẫn chứng kiến việc giá xăng dầu tăng-giảm thời gian qua thì tôi cho là điều phù hợp và có thể để cho DN tự quyết và chịu trách nhiệm về giá xăng dầu của mình. Về biên độ định giá, tôi được biết, dự thảo lần này đưa ra 2 mức, một là DN tự quyết và hai là Chính phủ chỉ đạo. Tự quyết giá của DN cũng ở mức “vừa phải”...
Dự thảo quy định, chỉ khi cần bình ổn giá mặt hàng này thì Nhà nước mới dùng biện pháp hành chính để điều hành giá xăng dầu. Ông nghĩ sao về điều này?
- Một điều quan trọng là dự thảo lần này có yêu cầu DN phải giải trình khớp việc tăng - giảm giá xăng dầu của mình, có nghĩa là việc tăng-giảm đó có phù hợp với sự lên xuống của giá xăng dầu thế giới hay không, chi phí của kinh doanh xăng dầu hay không. Tôi cho đây đã thể hiện sự quản lý của Nhà nước với mặt hàng này khi trao quyền định giá rộng hơn cho DN, nghĩa là có chế tài để DN phải tuân thủ.
Điểm nữa là các công cụ điều tiết như thuế, phí xăng dầu theo dự thảo mới là phải chủ động, có thể “automatic” (tự động hóa). Tôi cho đây là điểm tốt để giúp cho việc điều hành giá mặt hàng này tốt hơn, đặc biệt là nó thể hiện được rõ cơ chế thị trường với mặt hàng này, không bóp méo giá và Nhà nước có thể kiểm soát được khi xăng dầu chưa thực sự cạnh tranh tự do.
Phù hợp với kinh tế thị trường nghĩa là Nhà nước chỉ làm tốt vai trò quản lý, giám sát trong kinh doanh xăng dầu. Nếu để DN tự định giá rộng như vậy, Nhà nước có giám sát nổi không?
- Tôi cho rằng, Nhà nước cần phải có kiểm toán, xác định lại chi phí thực của các DN xăng dầu hiện nay xem đã hợp lý chưa, có thể làm một lần cơ bản để rõ điều này ra. Như vậy, chỉ còn giá thế giới là biến động, du di lên xuống và chỉ còn phụ thuộc theo giá thế giới thôi, Nhà nước cũng không cần phải quá can thiệp nhiều.
Còn hiện nay, nếu bảo không cho DN định giá để dễ quản lý hoặc cho DN định giá hoàn toàn thì chỉ đúng một nửa thôi. Chúng ta không thể bắt giá xăng dầu không được tăng - giảm theo giá thị trường để rồi Nhà nước can thiệp, cũng không thể để DN thích tăng -giảm thế nào thì làm, do vậy, kiểm toán và công khai minh bạch chi phí kinh doanh xăng dầu là điều cần làm trên hết nếu muốn giám sát nó.
Chúng ta vừa muốn giá xăng dầu theo thị trường, DN được tự quyết nhưng lại vẫn để ngành này độc quyền nhóm. Theo ông điều này sẽ cản trở như thế nào tới quyền lợi của người tiêu dùng nếu để DN tự định giá rộng như vậy?
- Các DN sẽ chỉ được quyết giá xăng dầu theo đúng động thái của giá thế giới. Quyền lợi của người tiêu dùng sẽ không bị ảnh hưởng nếu kiểm toán các DN xăng dầu cho thấy các chi phí của DN là hợp lý. Tất cả các chi phí, lỗ lãi của DN phải được giải trình hợp lý, lúc đó giá xăng dầu chỉ còn lên xuống theo giá thế giới mà thôi.
Các nước đều minh bạch được giá xăng dầu, chi phí kinh doanh xăng dầu và giá xăng dầu lên xuống là điều bình thường. Chúng ta không thể để giá xăng dầu tiếp tục mù mờ, tăng giảm cũng thiếu minh bạch. Quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng khi giá không lên xuống theo thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu quy định: Khi giá cơ sở tăng 7% so với giá bán lẻ thì DN được quyền chủ động tăng giá bán lẻ tương ứng. Trường hợp giá cơ sở tăng trên 7-12% so với giá bán lẻ, DN gửi phương án giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới cơ quan quản lý trước thời gian điều chỉnh 2 ngày. |
Cần có chế tài để hạn chế sự lạm quyền “Với việc mở rộng quyền định giá cho DN xăng dầu tới đây, sẽ khó có cách nào hạn chế lạm quyền tăng giá của DN”- chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ. Theo bà Lan, nếu nghị định mới về xăng dầu ra đời và trao quyền nhiều cho DN thì cần phải có chế tài để hạn chế sự “lạm quyền”, “phóng tay” điều chỉnh giá của DN xăng dầu, gây tác động xấu đến giá cả thị trường cũng như tâm lý người dân. Nhà nước nên kiểm soát tốt việc công khai, minh bạch giá xăng dầu, đặc biệt là kiểm soát chặt phần khung phần trăm giá DN được phép định đoạt để theo đó, DN không được phép điều chỉnh giá vượt quá khung giá cơ sở cho phép và “che mắt” cơ quan nhà nước để điều chỉnh giá theo quyền hạn. |
Theo Mai Hương