MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xăng Việt Nam đắt hơn Mỹ: Chủ tịch Petrolimex không thấy bất thường

03-07-2014 - 07:30 AM |

Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex khẳng định, việc giá xăng tăng trong thời gian qua, giữ mức giá đắt hơn Mỹ là không bất thường.

"Không có gì bất thường"

20h ngày 23/6 vừa qua, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex đã thông báo, giá xăng tăng 330 đồng, tương đương 25.230 đồng một lít RON 92 và 25.730 đồng một lít RON 95 (ở vùng một). Với các địa bàn xa trung tâm, cảng biển (vùng hai), xăng RON 92 và 95 lần lượt là 25.730 và 26.240 đồng một lít.

Đây là lần thứ 4 giá bán lẻ xăng dầu tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Giá xăng lên mức cao nhất vượt cả đỉnh điểm của ngày 28/3/2013 khi đó giá xăng Ron 92 là 24.550đ. Nếu so sánh với mức giá xăng dầu tại Mỹ - nước có mức thu nhập cao hơn Việt Nam (2011) lên tới 31,7 lần thì giá xăng dầu của Việt Nam còn đắt hơn cả Mỹ đến 4.400đ/lít.

Ngày 2/7, trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, việc giá xăng Việt Nam tăng trong thời gian vừa qua, giữ mức giá đắt hơn Mỹ là "không có gì bất thường".

"Đây là việc cơ quan quản lý nhà nước làm, không phải do doanh nghiệp quyết định và tính toán cũng có công thức được quy định tại Nghị định 84 về Kinh doanh xăng dầu", ông Bùi Ngọc Bảo nói.

Ông Bùi Ngọc Bảo cũng chia sẻ thêm rằng, bản thân ông cũng không biết giá xăng dầu của Mỹ là bao nhiêu.

Theo thống kê, tập đoàn xăng dầu (Petrolimex) đang chiếm hơn 50% thị phần cùng với PV Oil, Saigon Petro, ba đơn vị này chiếm trên 80% thị phần trong cả nước.

Hiện, dự thảo Nghị định mới nhất nhằm thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định của Dự thảo, các doanh nghiệp xăng dầu sẽ được quyền tăng giá trong phạm vi 3%, khi các yếu tố đầu vào cấu thành giá cơ sở (gồm giá thế giới cộng thuế, phí, quỹ bình ổn...) tăng 3% so với giá bán lẻ hiện hành (dự thảo trước đó là 2%).

Nếu giá cơ sở tăng từ trên 3% - 7%, doanh nghiệp phải gửi văn bản kê khai giá đến liên bộ Tài chính - Công Thương 2 ngày trước khi tăng giá.

Nếu không nhận được trả lời của liên bộ, doanh nghiệp được quyền quyết định việc tăng giá đến 3%. Còn sau 5 ngày, kể từ khi doanh nghiệp tăng giá, cơ quan nhà nước không điều chỉnh giá, doanh nghiệp được phép tăng nốt phần còn lại.

Trong trường hợp giá cơ sở tăng trên 7%, hoặc giá tăng làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân, Thủ tướng sẽ quyết định biện pháp bình ổn giá.

Doanh nghiệp cười, người tiêu dùng mếu

Bình luận về quyết định tăng giá vừa qua, GS TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội cũng cho biết, với một thị trường mang tính độc quyền cao như vậy, động thái tăng giá xăng dầu là không có gì bất thường, có lẽ là luôn được các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tính toán trước, trong đó có cả Petrolimex không phải là ngoại lệ.

"Đối với người tiêu dùng mới là "bất thường", "bị sốc" là vì ngành xăng dầu và cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu luôn cho rằng "điều hành giá phải theo cơ chế thị trường, bám sát hơn diễn biến thị trường xăng dầu thế giới, hoạt động kinh doanh xăng dầu cạnh tranh hơn, tránh tính độc quyền…" nhưng thực tế giá xăng dầu cứ liên tục tăng, đi ngược lại hoàn toàn quy luật của nền kinh tế thị trường là cạnh tranh thì bao giờ cũng làm cho giá thị trường xăng dầu giảm xuống", GS TS Đặng Đình Đào nói.

Cũng theo GS TS Đặng Đình Đào, thị trường xăng dầu trong tương lai chưa thể sáng sủa, vẫn là một thị trường chưa có sự cạnh tranh thực sự, ngay cả trong tình hình như hiện nay.

"Bộ chủ quản của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn còn kiến nghị với Thủ tướng chính phủ cần mạnh dạn hơn trong việc để doanh nghiệp xăng dầu tự quyết định giá xăng dầu thì viễn cảnh thị trường xăng dầu còn sẽ chứng kiến nhiều bất ngờ hơn đối với người tiêu dùng", GS TS Đặng Đình Đào nêu quan điểm.

GS TS Đặng Đình Đào cũng bày tỏ lo lắng về việc không có "cương" nào kìm được sự tăng giá của doanh nghiệp xăng dầu và "doanh nghiệp xăng dầu cười - người tiêu dùng mếu"… là chuyện có thể xảy ra.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cũng cho biết, đây là câu chuyện muôn thuở của ngành xăng dầu, bởi lẽ nếu còn duy trì tình trạng độc quyền như hiện nay thì việc giá xăng trong nước sẽ còn tiếp tục tăng cao là điều được dự báo trước.

"Khi một doanh nghiệp xăng dầu còn duy trì tình trạng độc quyền thì Nhà nước lại quyết định trao cho họ một cơ chế định giá độc quyền. Đó chính là nguyên nhân dẫn tới câu chuyện lỗ Nhà nước bù (tiền thuế của dân - PV), lời thì doanh nghiệp bỏ túi", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

Xăng Việt Nam cao hơn Mỹ: Độc quyền thì tăng giá tùy hứng!


Theo Tâm An

khanhnt

Báo đất Việt

Trở lên trên