Xuất khẩu than: Thuế tăng, sản lượng giảm
Theo Vinacomin, sau 1 tháng thuế xuất khẩu than tăng từ 10% lên 13%, sản lượng than xuất khẩu của tập đoàn đã sụt giảm chỉ còn 1/10 so với tháng trước. Khó khăn lại đến với thợ mỏ.
Trong điều kiện kinh tế suy giảm, giá than thế giới chưa phục hồi, mặc dù ngành than đã cắt giảm mạnh giá thành tạm thời cả về đất bóc, khấu hao, tiền lương và các chi phí khác, nhưng sản lượng than tiêu thụ vẫn giảm mạnh.
Để không bị lỗ khi mức thuế XK tăng, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) buộc phải điều chỉnh giá than XK tăng tương ứng, vì thế nhiều khách hàng truyền thống đã chuyển hướng nhập khẩu than sang các thị trường khác.
Tháng 7, Vinacomin chỉ bán được 2 triệu tấn than cả trong nước và XK, chưa bằng 60% so với các tháng trước (6 tháng tiêu thụ 21,5 triệu tấn, bình quân đạt 3,58 triệu tấn/tháng, trong đó XK 1,2 triệu tấn/ tháng). Sản lượng than XK từ ngày 7/7 - 4/8 chỉ đạt 100 ngàn tấn, dự kiến cả tháng chỉ bằng 1/10 so với bình quân 6 tháng.
Điều này đã ảnh hưởng xấu tới việc làm, thu nhập và an sinh xã hội của hàng vạn gia đình thợ mỏ, trong khi điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, có nơi đã xuống âm 300m so với mặt nước biển. Đây là những thách thức không nhỏ mà Vinacomin đang phải nỗ lực vượt qua.
Về mặt nhà nước, khi sản lượng giảm (dự kiến trước đây nếu điều chỉnh thuế về 10% từ giữa tháng 7 thì giảm khoảng 4 triệu tấn than, nhưng nay dự kiến sẽ giảm nhiều hơn) thì các loại thuế tài nguyên, phí môi trường, thuế giá trị gia tăng (GTGT) cũng sẽ giảm mạnh (trên 1 ngàn tỷ đồng), phần nào ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân.
Mặc dù tiêu thụ giảm nhưng để đảm bảo an toàn thì hầu hết các mỏ hầm lò vẫn phải sản xuất, thông gió, thoát nước mỏ, đảm bảo việc làm tối thiểu cho công nhân mỏ. Hệ lụy là tồn kho sẽ tăng, ảnh hưởng đến môi trường, tăng chi phí quản lý, lãi vay, bảo vệ,… Đặc biệt, nếu than tồn kho quá lâu, chất lượng sẽ giảm. Đương nhiên, doanh thu than sẽ giảm ở con số hàng nghìn tỷ đồng.
Thực tế hiện nay, các loại thuế, phí thu từ ngành than đều ở mức cao của thế giới (đối với than XK trên 30% gồm: Thuế tài nguyên 5-7%, thuế XK 13%, thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ 10%, phí môi trường nộp ngân sách khoảng 1%, chi phí môi trường tại doanh nghiệp 2%,...). Điều đó sẽ không khuyến khích khai thác nơi có điều kiện khó khăn, cân đối tài chính ngành than càng khó, sản lượng than của Vinacomin đang giảm mạnh, việc làm bị ảnh hưởng và thu hẹp.
Hiện nay, nền kinh tế chưa được phục hồi, giá than thế giới còn thấp, giá một số chủng loại than đang tiếp tục giảm, vì vậy, Vinacomin đã có văn bản đề nghị giữ mức thuế XK than 10% như 6 tháng đầu năm để bán được than theo thị trường thế giới. Tạo điều kiện để ngành than ổn định sản xuất, giải quyết việc làm, an sinh xã hội vùng mỏ và cũng tạo điều kiện có sản lượng để tính các loại thuế tài nguyên, phí môi trường, thuế GTGT và thuế XK, nếu không sẽ giảm đáng kể thu ngân sách từ ngành than năm 2013.
Khi đó, mục tiêu đảm bảo việc làm cho công nhân, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn và nguồn thu cho ngân sách không đạt được. Tuy nhiên, vấn đề này các cơ quan nhà nước cũng vẫn đang xem xét.
Mức thuế suất thuế XK 10% là mức cao nhất hiện nay. Ở Trung Quốc, sản xuất 3,5-3,7 tỷ tấn than, vừa XK, vừa nhập khẩu thuế suất cũng 10%, riêng than cocking 0%. Còn các nước khác như Úc, Indonesia đều XK 250- 300 triệu tấn than/năm vẫn được hưởng thuế XK 0%, Nga 5%, Mông Cổ 5 - 7%... Nếu than Việt Nam chịu thuế XK trên 10% thì không thể bán để ổn định sản xuất được.
Theo P.V