Nắng nóng gay gắt, tiêu thụ điện tăng chóng mặt
Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương cho biết, nắng nóng gay gắt kéo dài những ngày qua ở khu vực miền Bắc khiến lượng điện tiêu thụ tăng chóng mặt. Các số liệu tiêu thụ điện thực tế cho thấy, tổng lượng điện tăng chóng mặt với cả công suất và sản lượng cao nhất từ trước đến nay, đạt 465,9 triệu kWh, công suất đỉnh lớn nhất đạt 23.094 MW.
- 15-07-2023Kinh nghiệm Maldives thích ứng thành công phát triển du lịch sau Covid-19: Việt Nam có thể học hỏi
- 15-07-2023Quy hoạch cảng hàng không sân bay - cơ hội “hút” đầu tư theo hình thức PPP
- 15-07-2023Việt Nam, Mỹ thúc đẩy hợp tác đổi mới sáng tạo, xúc tiến đầu tư và công nghệ cao
Theo Cục Điều tiết điện lực, so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tiêu thụ trung bình ngày của miền Bắc những ngày qua tăng 104%, công suất đỉnh lớn nhất là 103%. Nắng nóng kéo dài cũng khiến điện sử dụng trên toàn quốc lên tới 920,7 triệu kWh, tăng 39,9 triệu kWh/ngày so với tuần trước đó.
“Công suất cực đại của hệ thống điện trong tuần đạt 45.474 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay. Các kỷ lục trong năm về sản lượng và công suất cực đại liên tục bị xô đổ và thiết lập các kỷ lục mới”, Cục Điều tiết điện lực cho hay.
Theo Cục Điều tiết điện lực, dù phụ tải tăng cao kỷ lục nhưng do công tác chuẩn bị kỹ lượng, sự cố và hiện tượng suy giảm công suất ở các nhà máy nhiệt điện đã được khắc phục kịp thời và tình hình thủy văn các hồ miền Bắc được cải thiện nên tình hình cung cấp điện trong tuần qua vẫn được đảm bảo tốt.
Để đảm bảo cho việc cấp điện, cơ quan quản ký đã huy động tối đa các nguồn khả dụng, bao gồm cả điện nhập khẩu với mức tăng 3,59%, trung bình ngày đạt 875,6 triệu kWh.
Sản lượng điện phát của thuỷ điện trong tuần qua đạt hơn 1,68 tỷ kWh chiếm 27,5% tổng sản lượng nguồn phát và tăng 24% so với tuần trước. Số liệu cho thấy, sản lượng phát của thuỷ điện tiếp tục tăng mạnh từ đầu tháng 7 đến nay. Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng, sản lượng điện phát của thuỷ điện đã tăng 55,9% do nước về các hồ đã được cải thiện. Cùng với thuỷ điện, nhiệt điện than cũng được huy động tối đa, chiếm 48,8% tổng công suất nguồn phát với hơn 2,99 tỷ kWh. Về năng lượng tái tạo, tổng sản lượng điện gió đạt 84,4 triệu kWh chiếm 1,4% tổng sản lượng, điện mặt trời mặt đất đạt 339,8 triệu kWh chiếm 5,5%, điện mặt trời mái nhà đạt 284,2 triệu kWh chiếm 4,6% và giảm 11,03% so với tuần trước.
“Lưu lượng nước về tại các hồ chứa thuỷ điện lớn trong tuần qua đã được cải thiện rõ rệt, đều cao hơn trung bình nhiều năm. Các hồ ở miền Bắc đã vào thời kỳ lũ chính vụ nên lưu lượng nước về hồ tăng mạnh so với tuần trước. Các hồ thuỷ điện ở miền Trung và miền Nam, lưu lượng nước về hồ đều cao hơn trung bình nhiều năm và tăng mạnh so với tuần trước”, Cục Điều tiết điện lực cho hay.
Theo Bộ Công Thương, việc cấp than đến nay đã có nhiều cải thiện. Phần lớn các nhà máy nhiệt điện than đều có lượng tồn kho đáp ứng, số lượng các nhà máy có lượng tồn kho thấp đã giảm so với tuần trước.
Dự kiến từ nay đến ngày 21/7, theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to, nền nhiệt ở các tỉnh khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ được dự báo thấp hơn so với tuần giám sát, do đó nhu cầu sử dụng điện sẽ bớt căng thẳng hơn. Cùng đó, các nhà máy thuỷ điện sẽ được khai thác theo tình hình thuỷ văn thực tế và định hướng tối ưu trong kế hoạch vận hành tháng 7/2023, đáp ứng nhu cầu hệ thống, mực nước và yêu cầu cấp nước hạ du theo quy trình liên hồ.
Các nhà máy nhiệt điện than, dự kiến huy động theo nhu cầu hệ thống và sản lượng điện cam kết, đồng thời đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện và chất lượng điện áp.
Tiền Phong