Quy hoạch cảng hàng không sân bay - cơ hội “hút” đầu tư theo hình thức PPP
Bộ GTVT vừa tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với số lượng cảng hàng không lên tới 33 cảng, sẽ mở ra cơ hội mới thu hút nguồn vốn xã hội hóa, phát triển hệ thống mạng cảng tiên tiến, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- 15-07-2023Việt Nam vẫn là 1 trong 5 điểm đến đầu tư hàng đầu của doanh nghiệp châu Âu
- 15-07-2023Logistics yếu kém đang ghìm xuất khẩu nông sản
- 15-07-2023Cây cầu xoay duy nhất ở Việt Nam
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) lập từ tháng 4/2020; được triển khai nghiên cứu bởi các đơn vị tư vấn hàng đầu trong lĩnh vực GTVT là Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (TDSI) và đặc biệt có sự tham gia của một trong những công ty tư vấn nước ngoài hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực hàng không là Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và kỹ thuật sân bay của Pháp (ADPi) thuộc Tập đoàn Aéroports de Paris (ADP). Đây là Công ty đã tư vấn quản lý, thiết kế nhiều công trình Cảng hàng không quốc tế lớn trên thế giới. Hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối vận tải chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, mục tiêu phát triển cảng hàng không trước hết phải đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc: “Các cảng Hàng không là kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia. Mục tiêu chính là phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đi lại của người dân cũng như vấn đề an ninh quốc phòng. Hiệu quả hàng không phải đáp ứng lợi ích tổng thể, của quốc, người dân và DN. Vấn đề là chúng ta tổ chức phát triển mạng cảng hàng không làm sao có khả năng sinh lời và có hiệu quả, không tiếp cận mạng cảng một cách riêng lẻ. Đó là quan điểm tiếp cận và xây dựng quy hoạch cảng hàng không từ trước tới nay”.
Theo quy hoạch, thời kỳ 2021-2030 hình thành 30 cảng hàng không bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 16 cảng hàng không quốc nội. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hình thành 33 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế và 19 cảng hàng không quốc nội. Trong đó, vùng Thủ đô Hà Nội dự kiến sẽ bổ sung thêm Cảng hàng không thứ 2 để hỗ trợ cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khi đạt quy mô khoảng 100 triệu hành khách/năm, đáp ứng mục tiêu hình thành 2 trung tâm vận tải hàng không đầu mối trung chuyển quốc tế mang tầm cỡ khu vực tại vùng Thủ đô Hà Nội và vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang tìm hiểu để tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng và dịch vụ hàng không cho biết, việc phát triển hạ tầng hàng không là lĩnh vực khó. Tuy vậy, khi phát triển, hỗ trợ rất tốt cho phát triển kinh tế khu vực cảng và địa phương, tạo nền tảng cho ngành hàng không phát triển về lâu dài. Trong thực tế, nhà đầu tư tư nhân tại Sân bay Vân Đồn là minh chứng cho sự tham gia thành công của nhà đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng hàng không.
“Đầu tư vào hạ tầng hàng không là lĩnh vực khó. Chúng tôi biết là hiện Bộ GTVT cũng đang xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng hàng không. Với tư cách là nhà đầu tư, chúng tôi cũng mong muốn tới đây có hệ thống cảng mới và nâng cấp hệ thống, để phát triển hạ tầng, các hãng bay và cùng phát triển. Triển khai lĩnh vực mới chúng tôi cũng gặp một số khó khăn, đầu tư BOT hạ tầng, chúng ta chưa có hệ thống rõ ràng. Hiện Bộ GTVT đang xây ựng đề án xã hội hóa, hy vọng là có cơ chế mở, có tiếng nói giữa nhà đầu tư và nhà nước đề cùng đầu tư xây dựng, mang lại lợi ích không chỉ cho nhà đầu tư, còn phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, ông Phạm Ngọc Sáu, đến từ Tập đoàn Sovico nêu vấn đề.
Với số lượng cảng hàng không được quy hoạch sẽ đảm bảo đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km, cao hơn mức trung bình của thế giới hiện nay (75%) và tương đương với các nước trong khu vực.
“Để hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mạng cảng, cần có sự phội hợp của các cơn quan, đơn vị, bộ ngành cùng tham gia. Tôi mong lãnh đạo các tỉnh, các sở GTVT các địa phương sớm làm việc cụ thể với Cục Hàng không, các đơn vị của Bộ GTVT để triển khai cụ thể quy hoạch mạng cảng hàng không trong thời gian tiếp theo”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết.
Việt Nam có tiềm năng phát triển vận tải hàng không rất lớn, do đó, Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay là tiền đề cho việc đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không. Để triển khai Quy hoạch có hiệu quả, cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành và đặc biệt là các địa phương trong việc huy động nguồn lực đầu tư, quản lý quỹ đất, tĩnh không, phát triển nguồn nhân lực... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền đất nước.
VOV