MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nâng tỷ trọng công nghệ chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030

Nâng tỷ trọng công nghệ chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030

Tại Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến 2030, Bộ Công Thương đã đặt mục tiêu trong giai đoạn này tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030...

Nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết 29/NQ-TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến 2030 vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ đã đặt mục tiêu trong giai đoạn này tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030; Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%... và gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến chế tạo lên khoảng 90%.

"Theo đánh giá của Bộ Công Thương, quá trình công nghiệp hóa của nước ta trong thời gian vừa qua còn một số hạn chế có thể kể đến, như: Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH, không ổn định, thiếu bền vững; giá trị gia tăng thấp; chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Nội lực của công nghiệp và nền kinh tế còn yếu; năng lực độc lập, tự chủ thấp, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, năng lực của doanh nghiệp công nghiệp - đặc biệt là trình độ khoa học và công nghệ - còn nhiều hạn chế. Các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên phát triển chưa đạt mục tiêu đề ra…"

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã thẳng thắn nhìn nhận về thực trạng của nền Công nghiệp Việt Nam thời gian qua, và những hạn chế này là một trong những nguyên nhân căn bản làm chậm tiến trình công nghiệp hoá, chưa thực hiện được mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Nâng tỷ trọng công nghệ chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, cần phải giải quyết cho được những tồn tại, yếu kém hiện hữu, như: nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; chất lượng nguồn nhân lực cũng như trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp còn hạn chế, giá trị gia tăng thấp…

"Nhất là đối với doanh nghiệp trong nước, đấy là một sân chơi trên sân chúng ta nhưng rõ ràng là chúng ta đang rất nhiều hạn chế so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thậm chí chúng ta phụ thuộc rất nhiều về xuất khẩu... thì những con số tôi có thể tôi dẫn ra đây - ví dụ hiện nay - theo một báo cáo gần đây, phần lớn doanh nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so mức trung bình của thế giới một vài thế hệ, đặc biệt những doanh nghiệp nhỏ và vừa…", chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu nói thêm.

Dẫn chứng thực tế, nhờ có được một số cơ chế, chính sách cụ thể mà thời gian qua ngành cơ khí Việt Nam đã làm chủ được những thiết bị khó cho nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện, song PGS.TS Nguyễn Chí Sáng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cũng cho rằng, ngành công nghiệp Việt Nam đã để lỡ nhiều cơ hội cho khối ngoại, phụ thuộc nhập khẩu, trong khi nhiều ngành nghề hoàn toàn có thể tự chế tạo, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa…

"Mặc dù xuất nhập khẩu năm nay chúng ta đang rất tốt, đạt trên 700 tỷ USD, thế nhưng mà xuất khẩu thì 75% thuộc FDI, nghĩa là phụ thuộc nước ngoài. Thế thì rõ ràng chỗ này là chúng ta còn kém, kém ở đây là cái gì? là những sản phẩm cơ khí hoàn chỉnh, những sản phẩm cơ khí lớn như điện gió, đường sắt cao tốc, như là đường sắt giao thông thành phố, như là thiết bị y tế, như nhà máy bô xít… Chúng ta đến bây giờ tôi thấy là nó có một cái thiếu hụt, đó chúng ta không có một chiến lược, một lộ trình để chúng ta làm chủ những thiết bị ấy…", PGS.TS Nguyễn Chí Sáng cho biết.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, nêu trên, nhằm đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, tại Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến 2030, Bộ Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm và tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030, trong đó nhấn mạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng tiêu chí để cơ cấu lại danh mục các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên cho giai đoạn tới năm 2030 và 2045 để đảm bảo tính thống nhất; tập trung nguồn lực để phát triển có trọng tâm trọng điểm…

Nâng tỷ trọng công nghệ chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030 - Ảnh 2.

Tại Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến 2030, Bộ Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm và tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030.

Đánh giá cao các giải pháp ngành Công Thương đề ra, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm phục vụ các ngành công nghiệp xuất khẩu lớn như điện tử, ô tô, dệt may, da giày, cơ khí, công nghệ cao... song, Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cần phát huy các lợi thế của Việt Nam để phát triển công nghiệp bền vững. Cụ thể, công nghiệp hoá ở Việt Nam nên kết hợp giữa nông nghiệp và công nghiệp, xây dựng những lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam...

"Tôi thấy cần phải đầu tư vào các lĩnh vực để hiện đại hóa nông nghiệp, những vấn đề như là máy kéo, máy bơm… phải kết hợp với công nghệ mới như là các thiết bị bay trong phát triển nông nghiệp (mà ĐBSCL đã ứng dụng)… Vấn đề thứ hai rất quan trọng, tức là bây giờ công nghiệp hóa thì phải giải quyết thị trường là thị trường nào, bởi vì thị trường Việt Nam bây giờ không còn là thị trường của doanh nghiệp Việt Nam nữa mà là thị trường của toàn thế giới rồi nên phải chọn nhưng các lĩnh vực nào mà ta có lợi thế…", chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Thuỷ Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh đến vai trò của nội địa hoá trong các ngành công nghiệp và vai trò của việc kết nối doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp FDI trong chuỗi cung ứng: "Như vậy thì bằng cách nào đó thì mình cũng cần phải ràng buộc các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam cần phải thực hiện chuyển giao công nghệ cũng như tăng tỷ lệ nội địa hoá, chứ nếu chỉ là lắp ráp đơn thuần và khi không có lợi nhuận nữa thì lại chuyển đi thì sẽ không đạt được mục tiêu chúng ta về CNH, HĐH…

Trên thực tế, Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến 2030 của Bộ Công Thương cũng đã nêu cụ thể việc tập trung phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp; Chú trọng nội địa hoá chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và cũng đã đưa mục tiêu “xanh hóa các ngành công nghiệp” vào Đề án…

Tại một hội thảo gần đây về “Phát triển công nghiệp ở Việt Nam”, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh tới hai Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, đó là Nghị quyết số 23-NQ/TW (ngày 22/3/2018) về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và gần đây là Nghị quyết số 29-NQ/TW (ngày 17/11/2022) Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu bao phủ những vấn đề lớn chính là cơ sở, căn cứ chính trị hết sức quan trọng trong việc định hướng, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần được hiện thực hoá trong thực tiễn.

Trong trước mắt, sản xuất công nghiệp năm 2023 đang phải đối mặt với những vấn đề gì, và cần những giải pháp nào để đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 8-9% so với năm 2022? Chúng tôi tiếp tục đề cập trong bài "Sản xuất công nghiệp 2023: Chủ động nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trước các rủi ro".

Theo Nguyên Long

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên