MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Não bộ chúng ta lười đi sau tuổi 25, muốn bứt phá trong cuộc sống phải biết cách "chống lười" cho nó

22-11-2017 - 10:27 AM | Sống

Nghiên cứu cho thấy tính cách cùng lối tư duy của não bộ không thay đổi sau tuổi 25, nó khiến cho việc thay đổi ở người trưởng thành như hành động không thể. Tuy nhiên, mọi việc đều có cách giải quyết.

"Đa phần chúng ta, khi tới 30, tính cách mỗi người sẽ rắn lại như đá và chẳng bao giờ mềm mại lại nữa".

Đó là những gì mà chuyên gia tâm lý học William James của Đại học Harvard viết vào năm 1890 trong cuốn sách của mình. Cuốn "Những nguyên tắc của tâm lý học" và nó được đánh giá là lần đầu tiên con người có ý tưởng về việc tính cách cố định theo lứa tuổi.

Rất nhiều năm sau, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng sau tuổi 25, não bộ chúng ta bắt đầu lười biếng đi, tính cách thì dần cứng lại và rất khó để thay đổi do lối tư duy đã được hình thành. Đó là lý do vì sao những người càng trẻ tuổi thì học tập, làm mọi việc càng nhanh trong khi về già rồi thì hoạt động của não bộ không còn tốt như trước nữa.

Vậy, làm thế nào để thay đổi lối tư duy, thay đổi cuộc sống?

Những thói quen là cách thức hợp lý nhất để thực hiện được điều này, nó giúp cho con người tiếp tục học tập, tích lũy kiến thức để rồi từ đó cải thiện cuộc sống của chính bản thân cũng như tính cách, lối tư duy cũ.

Thực tế có thể thấy, tất cả những người thành công, nổi tiếng trên thế giới đều có một thói quen riêng, họ dùng nó như cách thức để thay đổi chính mình. Ví dụ như tỷ phú Richard Branson thích lướt sóng, cựu CEO Yahoo! Marissa Mayer thích làm bánh, Jack Dorsey của Twitter thì thích leo núi... Thói quen không chỉ khiến một con người trở nên thú vị hơn, nó thay đổi và cải thiện cuộc sống của mỗi người.

Đồng tình với quan điểm này, cả Warren Buffett cùng Bill Gates gợi ý mọi người chơi bài (trò bridge) để xây dựng lối suy nghĩ chiến thuật. Họ cho rằng đừng tưởng đó chỉ là một trò chơi bình thường, tất nhiên khi chơi thì rất vui nhưng nếu muốn thắng phải tận dụng tất cả những gì mình có để vượt trội hơn đối thủ.​

Chọn thói quen nào để cải thiện chính mình?

Mỗi thói quen có một lợi ích, ưu điểm khác nhau, ví dụ như những người thích chụp ảnh sẽ có khả năng kiên nhẫn hơn và kiên trì với mục tiêu hơn bình thường.

Các nhà khoa học cho rằng nếu bạn làm kinh doanh, hãy xây dựng cho mình những thói quen sáng tạo như tập vẽ, chơi nhạc cụ, làm vườn, học ngôn ngữ mới... Chúng sẽ giúp bạn cải thiện khả năng tư duy cũng như khả năng giải quyết vấn đề.

Thêm vào đó, quan trọng là bạn phải có quyết tâm, kiên trì với những thói quen ấy. Hãy nhớ rằng đây chỉ là một thói quen để bạn thỏa mãn bản thân, bạn không cần phải trở thành người giỏi nhất thế giới khi tập thói quen mới, hãy cứ kiên trì. Một khi bạn vượt qua được những khó khăn trong trò chơi, thói quen hay sở thích mới của mình, áp dụng nó vào công việc và kết quả sẽ khiến bạn mỉm cười.

Cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất, một thói quen phù hợp sẽ là thói quen giúp bạn cảm thấy vui vẻ, muốn quay trở lại với nó sau giờ làm việc. Nó không chỉ là nguồn cung về sự sáng tạo, hiệu quả trong công việc mà còn là nơi bạn muốn lui về sau những giờ làm việc căng thẳng.

Thế nên, thay vì cố ngủ hay nằm ườn ở nhà xem TV vào ngày cuối tuần, tại sao không tập một thói quen mới như vẽ chẳng hạn, chắc chắn nó sẽ giúp tư duy bạn cải thiện, trở thành một con người tốt hơn và thành công hơn trong cuộc sống.

Theo PV

Trí thức trẻ

Trở lên trên