MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NASA bắt được hành tinh "nửa Trái Đất, nửa địa ngục"

18-01-2024 - 20:00 PM | Tài chính quốc tế

Hành tinh bí ẩn mang tên HD 63433d mang hai chân dung hoàn toàn khác biệt.

Theo Sci-News, HD 63433d được chú ý trong dữ liệu từ "thợ săn ngoại hành tinh" TESS của NASA vì là hành tinh đá cùng cỡ với Trái Đất, quay quanh một ngôi sao giống Mặt Trời.

NASA bắt được hành tinh "nửa Trái Đất, nửa địa ngục"- Ảnh 1.

Hệ sao HD 63433 với HD 63433d là hành tinh nằm gần sao mẹ nhất, bị khóa thủy triều - Ảnh: NASA

HD 63433d là hành tinh thứ ba được phát hiện trong hệ sao này. Các "anh chị" của nó bao gồm HD 63433b và HD 63433c, đều là các tiểu Hải Vương Tinh, tức hành tinh cùng dạng với Sao Hải Vương của hệ Mặt Trời nhưng nhỏ hơn.

Tiểu Hải Vương Tinh là dạng hành tinh được tìm thấy khá phổ biến trong các hệ sao khác.

Tuy nhiên, HD 63433d vừa được phát hiện mới thực sự thú vị. Nó là hành tinh gần sao mẹ nhất, với chu kỳ quỹ đạo chỉ 4,2 ngày và là hành tinh "hai mặt".

Điều đó có nghĩa HD 63433d ở quá gần sao mẹ HD 63433, nên bị khóa thủy triều với thiên thể này, giống như Mặt Trăng bị khóa thủy triều với Trái Đất.

Do đó, HD 63433d có một mặt luôn quay về phía sao mẹ và luôn là ban ngày, mặt còn lại là màn đêm vĩnh cửu.

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Benjamin Capistrant từ Đại học Florida (Mỹ) cho biết nửa ban ngày của nó nóng tới 1.257 độ C, và có thể là một bán cầu dung nham.

Hành tinh này cũng còn rất trẻ - chỉ khoảng 500 triệu năm tuổi - và sao mẹ của nó cũng vậy. Do đó đây là một mục tiêu thú vị để nghiên cứu về cách một hành tinh có thể tiến hóa trong giai đoạn 1 tỉ năm kể từ khi hình thành.

Các thế giới giống HD 63433d là mục tiêu chính của tàu vũ trụ TESS, một tàu nhỏ dạng vệ tinh mang sứ mệnh tìm kiếm một "Trái Đất thứ hai". Trong toàn bộ các tiêu chí, kích cỡ bằng Trái Đất là tiêu chí đầu tiên khiến một ngoại hành tinh rơi vào tầm ngắm của NASA.

Không phải hành tinh nào giống Trái Đất theo cách này - là hành tinh đá, kích cỡ tương đương - đều có thể có sự sống, nhưng tất cả đều cung cấp các dữ liệu cần thiết để thiết kế ra các phương pháp sàng lọc tốt hơn để tìm một hành tinh sống được.

Ngoài ra, chúng ta không thể chắc chắn về mọi thứ. Ngay cả một thứ "nửa Trái Đất, nửa địa ngục" như HD 63433d vẫn có một xác suất nhỏ để kỳ vọng về sự sống.

Một nghiên cứu gần đây từ Trường Đại học California Irvine (UCI - Mỹ) cho rằng dạng hành tinh bị khóa thủy triều này có thể tồn tại "sự sống hoàng hôn" ở vùng tiếp giáp của mặt ban ngày và mặt ban đêm.

Theo Anh Thư

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên