NATO: Thách thức sau 70 năm
Những rạn nứt cơ bản có thể dẫn đến những diễn biến bất ngờ tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO vào đầu tuần này.
Các nhà lãnh đạo của 29 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tại Anh trong 2 ngày 3 và 4-12, trong bối cảnh liên minh quân sự này đối mặt nhiều thách thức.
Hội nghị kỷ niệm 70 năm thành lập lần này được cho là nhằm đánh dấu những thành tựu sau chiến tranh lạnh của một tổ chức mà người ta muốn gọi là "liên minh phòng thủ thành công nhất thế giới". Thế nhưng, báo The Guardian nêu lên tình hình không hề lạc quan của NATO hiện nay: Người Đức và người Đông Âu nổi giận với người Pháp. Người Pháp giận dữ người Thổ Nhĩ Kỳ và người Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump tức giận với hầu hết mọi người.
Nơi diễn ra hội nghị không phải là Điện Buckingham ở London mà là một khách sạn sang trọng gần thị trấn Watford, cách thủ đô Anh 24 km về phía Tây Bắc. Nhà phân tích Simon Tisdall nhận xét đây là giải pháp khôn ngoan của Thủ tướng Anh Boris Johnson để ngăn chặn những người biểu tình chống Tổng thống Donald Trump.
Thư ký NATO Jens Stoltenberg trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc họp báo ở Paris hôm 28-11 Ảnh: REUTERS
Sự sụp đổ của NATO đã được dự đoán nhiều lần kể từ khi mục đích chính của nó - ngăn chặn Liên Xô - không còn nữa. Bình luận gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng NATO "chết não" và cần tư duy mới là một nỗ lực khuấy động tất cả mọi thứ lên. Ông này nổi giận vì ông Donald Trump đã không hỏi ý kiến về việc rút các lực lượng Mỹ khỏi vùng Đông Bắc Syria và cuộc xâm lược tiếp theo đó của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Macron khẳng định rằng NATO nên cấp tốc tập trung vào mục đích chung và mục đích cụ thể chứ không phải là nỗi ám ảnh của ông Trump về chuyện ai thanh toán tiền. Ông cũng kêu gọi NATO tìm ra điểm chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin và không coi Moscow là kẻ thù.
"Những câu hỏi tôi đặt ra, chúng ta chưa giải quyết được. Hòa bình ở châu Âu, tình hình hậu INF (Hiệp định lực lượng hạt nhân tầm trung đã bị ông Trump loại bỏ), mối quan hệ với Nga, vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ..." - Tổng thống Pháp nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các quan chức Anh cho rằng Tổng thống Macron nói thế vì muốn lấy lòng cử tri trong nước. Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel cáo buộc ông ta theo "thứ chính trị gây rối" có phần ngây ngô. Nhà lãnh đạo Pháp cũng bị nghi ngờ thúc đẩy tầm nhìn của ông về Liên minh châu Âu (EU) như một thế lực chính toàn cầu, có thể đứng vững trước Trung Quốc, Mỹ và Nga, bằng chi phí của NATO. Ông muốn mở rộng khả năng quân sự của châu Âu và một cơ sở công nghiệp quốc phòng mạnh hơn.
Người Đức và người Đông Âu lo rằng những ý tưởng như vậy có thể làm suy yếu NATO, vốn đã phục vụ tốt cho lợi ích của họ. Bà Merkel cũng từ chối thẳng thừng lời khẳng định của ông Macron rằng Mỹ không còn là đối tác đáng tin cậy nữa.
Có thể là ông Trump, không phải là người ưa thích NATO, sẽ coi sự thừa nhận phụ thuộc này của Đức là điểm yếu và cố gắng khai thác các rạn nứt của liên minh này. Trước đó, ông đã thông báo cắt giảm khoản đóng góp của Mỹ cho ngân sách hoạt động của NATO. Xem ra ông quyết tâm phớt lờ những gì mà Tổng Thư ký Jens Stoltenberg gọi là tiến bộ đáng kể trong việc chia sẻ gánh nặng.
Một vấn đề lớn khác đang chờ đợi các nhà lãnh đạo NATO: Hành vi vượt rào của Thổ Nhĩ Kỳ. Cuộc xâm lược Syria của nước này cũng như đe dọa của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan cho người tị nạn Syria tràn ngập châu Âu đã khiến các thành viên NATO khắp châu Âu lo ngại, làm dấy lên lời kêu gọi trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi liên minh.
Người lao động