Này những người trẻ lương 5-7 triệu, các bạn đã xoay xở thế nào giữa chốn thành phố đông người?
Những người trẻ đang cố bám trụ, tham gia vào công cuộc tạo nên ồn ào náo nhiệt của thành phố nhưng thực chất lại chưa từng được hưởng thụ nó.
- 22-08-2019Bác sĩ vạch mặt những thói quen hàng ngày gây vô sinh ở người trẻ Việt, nhiều người biết nhưng chủ quan
- 21-08-2019Người trẻ nên học ngay 3 bí quyết của nữ bác sĩ 98 tuổi vẫn sở hữu cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh
- 17-08-2019Xã hội hiện đại có một nỗi sợ mang tên “sợ ra ngoài”: Đâu là lý do cho nỗi sợ tương tác xã hội của người trẻ?
01
Tôi từng đọc ở đâu đó một đoạn văn thế này: "Ở thành phố này, mỗi người lại như một chú sói đơn độc, không ngừng cố gắng vì cuộc sống và lý tưởng của bản thân. Con gái 30 tuổi không dám yêu ai cũng chẳng dám kết hôn, đàn ông 30 tuổi không xe không nhà cũng trở thành chuyện bình thường, thậm chí tìm một nơi để ổn định cũng trở thành điều xa xỉ.
Thật vậy, cuộc sống ở nơi này quá khó khăn, thế nhưng dẫu vất vả là thế, những người trẻ vẫn đổ xô về đây. Họ tìm đủ cách ở lưu lại đây, với suy nghĩ mình có thể mở được cánh cửa thực hiện giấc mộng xa vời những tưởng chạm không tới.
Không ai muốn bỏ cuộc bởi ai cũng nghĩ, mình còn trẻ như vậy, dù vấp ngã nhiều hơn ở nơi này thì ít nhất cũng có chút an ủi rằng bản thân đã từng cố gắng".
Mọi người chỉ biết thành phố có nhà cao cửa rộng, có những tòa nhà công sở chọc trời, có Starbucks, có đồ ăn Tây Tày, có xe sang hàng hiệu khắp nơi. Nhưng không ai để ý đến những người trẻ đang cố bám trụ lấy nơi đây, tham gia vào công cuộc tạo nên những ồn ào náo nhiệt của thành phố nhưng thực chất lại chưa từng được hưởng thụ nó.
Vì muốn thực hiện mơ ước, có lẽ không ai trong số họ thấy khổ, thấy bản thân không thể chịu đựng được thêm nữa.
02
Lúc bạn tôi ly hôn với chồng, nó mới 25 tuổi nhưng đã một nách 2 con. Cực chẳng đã, nó vứt lại con cho bố mẹ nuôi, một mình tới nơi khác làm việc. Lương nó khi ấy chỉ 5 triệu, thuê nhà đã hết 2 triệu, tháng nào cũng phải vay tôi thêm ít tiền.
Vì ở xa chỗ làm, nó còn phải ngày ngày chen chúc xe bus, sáng nào cũng mất cả tiếng mới đến được nơi làm việc. 9 giờ công ty vào làm nhưng 7 giờ nó đã xuất phát. Công ty trả tiền ăn trưa, với nó, đã là vô cùng đáng quý.
Nó chưa bao giờ nghĩ cuộc hôn nhân của nó sẽ chỉ kéo dài 3 năm. Và người đàn ông từng hứa sẽ chăm sóc nó cả đời lại phũ phàng đuổi nó ra khỏi nhà. Nó cần và vô cùng trân trọng công việc nó đang có nên sếp nói gì nó sẽ làm cái đấy, chưa từng biết đòi hỏi quyền lợi cho mình.
Nó thuê phòng trọ, có phòng bếp lẫn toilet riêng. Dưới nhà có siêu thị, đồ gì cũng có nên để tiết kiệm tiền, nó tự nấu ăn. Mỗi tuần đi siêu thị 2 lần, nhưng chỉ mua bánh mì gối, sữa tươi ăn sáng. Nó dáng cao, sinh em bé xong cũng lấy lại dáng nhanh nên quần áo cũng dễ mua, toàn mua online cho tiện. Vì chen xe bus cho tiện, nó cũng chẳng bao giờ mua váy vóc điệu đà, chỉ giày bệt, quần jeans, balo. Thỉnh thoảng ngoài rạp có phim nào hay, nó cũng đi xem nhưng phần lớn thời gian vẫn là ở nhà. Bên cửa sổ nó trồng ít xương rồng, be bé, xanh xanh, thỉnh thoảng nghía qua cũng thấy mát mắt.
Dù công việc vẫn vất vả, xa quê hương cũng buồn đến mức nhiều đêm bật khóc nhưng nó đều tự xốc lại được tinh thần cho mình. Đồng nghiệp ở chỗ làm lắm lúc lục đục, nó cũng học được cách nhìn mặt người khác mà nói chuyện, biết mạnh mẽ khi cần thiết.
Ngoại trừ việc rất nhớ con, nó chưa bao giờ cảm thấy đời mình kém hơn người khác, thậm chí còn thấy hài lòng bởi mỗi đồng tiền nó tiêu đều do chính nó làm ra.
Nó làm lại cuộc đời vào năm 25 tuổi, từ 5 triệu tiền lương mà phấn đấu đi lên.
03
Tháng trước, có một thằng bạn tôi quen lấy vợ, Minh - một thằng bạn khác bay tận từ Sài Gòn ra để đi đám cưới. Vì chú rể bận nên tôi phụ trách đi đón thay.
Thằng bạn này của tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo, phải nói là cực nghèo. Bố mẹ nó thì lớn tuổi không làm được gì, nó còn cậu em trai đang tuổi ăn học cần nuôi. Học phí đại học nó đi vay, tiền sinh hoạt thì đi làm thêm. Nó ăn uống đơn giản, chẳng bao giờ mua quần áo, còn đi học cũng đã phải gửi tiền về phụ gia đình.
Nhưng sau khi tốt nghiệp, Minh không như tôi, chọn về quê làm như ngành học mà quyết định vào Nam lập nghiệp. Lương cơ bản của tôi là 3 triệu, làm thêm các thứ vào cũng được 6-7 triệu. Còn nó, lương hồi đầu chỉ 5 triệu thôi.
Lâu dần, tôi và Minh cũng ít liên lạc, chỉ thỉnh thoảng thấy nhau trên newsfeed. Tôi thấy nó từng đi lái xe thuê cho người ta, tháng làm hỏng mấy cái bánh xe. Tôi cũng từng thấy nó làm thêm cứu hộ ở bể bơi, phơi nắng đến da đen sì. Tôi từng thấy ảnh nó post ăn mì tôm lúc 2 giờ sáng.
Nhưng chỉ ngắn ngủi 5 năm, lương nó bây giờ đã là 50 triệu. Còn tôi, nhìn thì ổn định nhưng trông ra xa hơn tương lai 40-50 năm nữa, chắc cũng chẳng còn cơ hội phát triển nữa. Tôi nói với Minh rằng tôi phục nó.
Nó nói: "Phục gì đâu mày, so với mấy người lương cả trăm triệu, mình vẫn đi xe máy, vẫn ở nhà thuê, quay đi quẩn lại vẫn phận làm thuê thôi".
Nghe Minh nói vậy, tôi lại thấy may mắn. Nếu như nó muốn ổn định, nó có thể chọn cách về quê, tuy lương không cao nhưng áp lực công việc ít, mua nhà cũng dễ dàng hơn.
Thế nhưng một chuyện xảy ra đã khiến tôi phải thay đổi suy nghĩ.
Một đồng nghiệp của tôi có bố bị mắc bệnh nan y. Anh ấy chạy vạy khắp nơi đến gầy rộc cả người, có lần tôi còn thấy anh ấy lén lau nước mắt lúc đứng ở hành lang bệnh viện. Đó là lần đầu tiên tiên tôi hiểu cuộc sống khó khăn tới cỡ nào. Những người thích ổn định như tôi, tiền lương lĩnh mỗi tháng chỉ đủ trang trải cuộc sống, sẽ không đủ sức lo toan khi có biến cố lớn bỗng nhiên xuất hiện.
Những năm gần đây, tôi từng cho rằng công việc của tôi đủ để nuôi cả gia đình, nhưng tôi lại không biết trước tai nạn, bệnh tật, chút lương lậu cùng tiền tiết kiệm ít ỏi này sẽ chẳng giúp ích được nhiều. Tôi muốn làm nhiều hơn, nhưng thực sự không đủ khả năng.
Tôi bắt đầu hiểu rõ một vài vấn đề, ai cũng có thể mất đi cuộc sống bình yên của mình bất kì lúc nào, thế nên cố gắng là hành động duy nhất có thể giúp người ta an tâm. Cơ hội ở thành phố lớn không chia đều cho tất cả mọi người, nhưng vận mệnh giống như cá lọt lưới vậy, sẽ rơi vào tay những ai biết nắm bắt.
Khi còn trẻ, bạn nên đánh cược một lần. Ít nhất vào lúc nghịch cảnh tới, bản thân cũng được tôi luyện để trở nên bình tĩnh, ung dung hơn một chút.
04
Tại ngã tư cuộc đời, chúng ta ai cũng phải lựa chọn. Chọn con đường này thì mắt lại vọng về con đường khác, dù chọn cái nào thì cũng có chút hối tiếc.
Nhưng đời người là tích phân cố định, lựa chọn của bạn không chỉ ảnh hưởng đến bạn mà còn ảnh hưởng đến con cái bạn. Lựa chọn hôm nay của bạn có thể giúp bạn thoải mái ở một giai đoạn nào đó nhưng không có nghĩa sẽ giúp được thế hệ sau của bạn.
Nếu như bạn có sự giúp đỡ từ gia đình, quyền lựa chọn hoàn toàn nằm trong tay bạn. Bạn có thể về nhà thừa kế sự nghiệp của bố mẹ, hưởng thụ thanh xuân do sự giàu có mang tới. Nhưng bạn cũng có thể từ bỏ nó, tự lập nghiệp riêng, cạnh tranh với những người trẻ tuổi khác, giúp bản thân rắn rỏi, từng trải hơn.
Nếu như nhà bạn không có điều kiện, sinh ra ở nơi ngay cả miếng cơm cũng khó kiếm, thì dù tính cách bạn ra sao, đam mê của bạn thế nào, bạn vẫn nên tìm kiếm thêm cơ hội ở những nơi khác, tích lũy vốn liếng để thay đổi quỹ đạo cuộc đời mình.
Ngay phút ban đầu đã chọn nhàn hạ, thảnh thơi chính là đang cố trốn tránh những gian khổ thường tình của cuộc đời. Chỉ khi bạn dám đối mặt với thế giới rộng lớn, dám đương đầu, dám tiến lên, dám thất bại thì thành công đến mới thực sự ý nghĩa.
Helino