MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NĐT ngoại tiến gần đến mục tiêu thâu tóm Imexpharm trong đợt tăng vốn sắp tới

Nhằm huy động vốn đầu tư cho nhà máy sản xuất dược công nghệ cao, CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) đã thông qua phương án tăng vốn bằng việc phát hành hơn 8,6 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại IMP sẽ bị thâu tóm với khối lượng cổ phiếu phát hành thêm lên đến 30% vốn điều lệ.

Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM vừa có thông báo về ngày giao dịch không hưởng quyền (23/9) lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thay đổi giá phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo Nghị quyết ĐHCĐ ngày 26/4 của CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã: IMP). Theo đó, giá phát hành sẽ không thấp hơn 45.000 đồng/cổ phiếu. Giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/9 của IMP là 61.500 đồng.

Việc phát hành đã được ĐHCĐ thường niên 2016 thông qua với khối lượng 8,68 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 30%) nhằm huy động vốn để đầu tư vào nhà máy sản xuất dược công nghệ cao và bổ sung vốn kinh doanh của IMP.

Trong khoảng 1 năm gần đây, IMP là một trong số ít cổ phiếu luôn kín room khối ngoại (49%) với sự có mặt của hầu hết các quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam.

Thống kê cho thấy, trong năm 2015, sau khi room khối ngoại hở ra do IMP phát hành riêng lẻ cho CTCP Dược phẩm Phano, một số quỹ đầu tư tài chính nước ngoài đã mua khớp lệnh trên sàn và là nhân tố khiến giá cổ phiếu IMP tăng 25% chỉ trong 5 ngày.

Mới đây, nhóm NĐTNN thuộc Dragon Capital (gồm: Amersham Industries Limited, Balestrand Limited, Norges Bank, The CH/SE Aisa Investment Holdings (Singapore) PTE. LDT, Wareham Group Limited, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company) đã mua vào gần 800.000 cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 17,36% lên 20,11% (tương đương 5,82 triệu cổ phiếu).

Như vậy, nhóm NĐTNN này đang sở hữu số cổ phần chỉ thấp hơn cổ đông lớn nhất tại IMP là Vinapharm (nắm giữ 23,75% cổ phần).

Nhiều ý kiến cho rằng, đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hữu này sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài (cả mới và hiện hữu) gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu, trở thành cổ đông lớn và nhiều khả năng có thể tranh cử một suất trong HĐQT để tham gia sâu hoạt động kinh doanh và chiến lược phát triển của IMP.

Nguyên nhân là bởi trong bối cảnh vốn nhà nước đang có xu hướng giảm dần tại các doanh nghiệp thì nhiều khả năng Vinapharm sẽ không mua cổ phiếu IMP trong đợt phát hành sắp tới. Đơn cử, trước đó vào tháng 11/2015, khi CTCP Dược phẩm OPC (mã: OPC) phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, Vinapharm đã bán hết quyền mua cổ phiếu phát hành thêm của OPC.

Nếu điều này tiếp tục lặp lại tại Imexpharm, khi đó NĐTNN hẳn sẽ không bỏ lỡ cơ hội nâng cao tỷ lệ sở hữu tại IMP. Điều này dồng nghĩa với việc IMP sẽ nhanh chóng bị NĐTNN chi phối nếu HĐQT của doanh nghiệp thông qua phương án nới room ngoại lên 100% trong mùa ĐHCĐ năm 2017.

Thảo Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên