Nên giảm thuế xăng dầu thêm nữa!
Doanh nghiệp cho rằng cần giảm thuế nhập khẩu xăng dầu về mức thấp nhất theo cam kết của Việt Nam với quốc tế
Từ 15 giờ ngày 5-5, giá xăng đã tăng thêm 640 đồng/lít, dầu diesel tăng 650 đồng/lít, dầu hỏa tăng 550 đồng/lít, dầu madút tăng 300 đồng/kg. Theo đó, giá bán lẻ ngoài thị trường đối với xăng RON 92 là 15.580 đồng/lít, dầu diesel 11.120 đồng/lít, dầu madút 7.860 đồng/lít và dầu hỏa không cao hơn 9.455 đồng/lít.
Xả quỹ san sẻ áp lực tăng giá
Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu bán lẻ trong nước tăng trở lại là do giá thế giới tăng. Cụ thể, giá bình quân xăng dầu thành phẩm trong 15 ngày qua đều tăng, trong đó xăng RON 92 lên mức 53,656 USD/thùng, dầu diesel 51,980 USD/thùng, dầu hỏa cũng tăng lên mức 52,463 USD/thùng, dầu madút đạt mức 209,181 USD/tấn.
Như vậy, bình quân xăng A92 tăng 3,277 USD/thùng (tương ứng 6,5%) và 6,007 USD/thùng đối với dầu diesel 0.05S (13,1%); tăng 4,619 USD/thùng đối với dầu hỏa (9,7%); tăng 25,477 USD/tấn đối với dầu madút 180CST 3.5S (13,9%).
Với mức tăng giá xăng dầu thành phẩm như trên, các mặt hàng xăng, dầu phải đối mặt với mức tăng giá trên 1.000 đồng/lít mỗi loại nếu như không có sự hỗ trợ từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Theo đó, Bộ Công Thương quyết định giữ nguyên mức xả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng khoáng 639 đồng/lít, xăng E5 là 672 đồng/lít; đồng thời tăng xả quỹ dầu diesel lên 846 đồng/lít, dầu hỏa 1.029 đồng/lít, dầu madút 323 đồng/kg. Do đó, các mặt hàng chỉ phải tăng giá 300-650 đồng/lít mỗi loại.
Với việc tích cực xả quỹ để kìm bớt mức tăng giá, số dư Quỹ Bình ổn giá tại các doanh nghiệp đang giảm khá mạnh. Ví dụ, với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, nếu như cách đây 15 ngày (thời điểm 20-4), số dư quỹ còn 2.072 tỉ đồng thì cập nhật đến ngày 5-5 còn 1.955 tỉ đồng. Một doanh nghiệp phía Nam cũng cho biết Quỹ Bình ổn đã giảm nhanh khi phải “gánh” 560-878 đồng cho mỗi lít xăng dầu tại thời điểm điều hành giá lần trước và chắc chắn sẽ giảm nhanh hơn nữa khi tiếp tục được tăng sử dụng vào kỳ này.
Sửa lại công thức tính giá
Từ chuyện Quỹ Bình ổn giá đang được coi là công cụ để “đỡ” cho giá xăng dầu vào nhiều thời điểm xảy ra mâu thuẫn khi giá cơ sở tăng cao nhưng xu hướng giá thực tế trên thị trường thế giới lại giảm dẫn đến áp lực không thể tăng giá bán lẻ trong nước, các doanh nghiệp xăng dầu cho rằng cần thiết phải xem xét lại cách tính giá hiện nay.
Thực tế, đã xảy ra trường hợp giá thế giới đối với một số mặt hàng dầu như diesel, dầu hỏa giảm từ 0,037% đến 0,1% nhưng giá cơ sở theo công thức tính toán lại cao. Từ đó dẫn đến việc để tránh tăng giá trái ngược lại xu hướng thế giới, quỹ bình ổn phải duy trì xả cho các mặt hàng này.
Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân dẫn đến tình trạng lệch pha kéo dài giữa giá cơ sở xăng dầu theo công thức tính toán của các cơ quan quản lý trong nước với xu hướng giá thế giới là do gánh nặng thuế, phí. Tình trạng này đã tồn tại từ Nghị định 84 trước kia đến Nghị định 83 hiện nay, thậm chí ngay sau khi áp dụng thuế bình quân gia quyền - vốn được đánh giá là có lợi hơn cho người tiêu dùng. Chưa kể, việc áp thuế theo hình thức này vẫn tồn tại nhiều bất cập như mới đây Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã chỉ ra. Đó là luôn phát sinh chênh lệch giữa thuế nhập khẩu thực tế doanh nghiệp phải nộp với mức thuế bình quân; tạo sự không minh bạch cũng như thiếu cơ sở pháp lý trong điều hành giá bán xăng dầu…
Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu khu vực phía Nam nhận xét: “Áp thuế bình quân gia quyền sẽ là động lực cho các doanh nghiệp tìm nguồn hàng nhập xăng RON 92 thuế thấp về bán. Trong khi đó, doanh nghiệp chúng tôi chủ yếu nhập xăng RON 95 về sản xuất với giá cao hơn và ít được ưu đãi thuế hơn. Nếu tình trạng này kéo dài thì không ổn, phải tìm nguồn nhập RON 92 chủ yếu từ Hàn Quốc về bán mới bớt thiệt”.
Vị này cũng cho biết doanh nghiệp của ông trực tiếp tham gia thị trường xăng dầu nhưng cũng khó nắm được số liệu hải quan để tính toán thuế bình quân gia quyền. “Ở góc độ doanh nghiệp, tôi ước tính được lượng nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc với thuế ưu đãi thấp nhất là 10%, không phải quá nhỏ như nhiều thông tin đưa ra. Do đó, tôi thấy thuế gia quyền 18,35% là vẫn còn cao” - đại diện doanh nghiệp đầu mối phía này chia sẻ.
Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất giảm thuế nhập khẩu xuống còn 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, đồng thời dùng mức thuế này để tính giá cơ sở. “Thuế không cố định mà tính theo lượng nhập về như hiện nay là quá phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Thay bằng cách áp thuế ưu đãi cố định với mặt hàng này bằng mức thuế nhập khẩu thấp nhất theo các cam kết của Việt Nam với quốc tế là 10% đối với xăng, 0% đối với các dầu vừa dễ dàng cho doanh nghiệp vừa giúp người dân hưởng lợi lại dễ kiểm soát” - ông nhìn nhận.
Người Lao động