MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nền kinh tế 90% thời hậu phong tỏa: Kinh tế toàn cầu có thực sự hồi phục theo hình chữ V?

24-09-2020 - 12:24 PM | Tài chính quốc tế

Sự phục hồi đang đến - nhưng diễn ra vô cùng bất cân xứng

Ngày tồi tệ nhất của đại dịch covid-19, ít nhất là từ khía cạnh kinh tế, chính là thứ Sáu Tốt Lành. Vào ngày 10 tháng 4, sự phong tỏa ở nhiều quốc gia lên tới đỉnh điểm, bao gồm lệnh cấm tất cả mọi người ra khỏi nhà và dừng mọi hoạt động. GDP toàn cầu ngày hôm đó thấp hơn 20% so với mức nếu không có dịch bệnh.

Đến nay, các chính phủ đã dỡ bỏ các lệnh phong tỏa, cho phép các nền kinh tế bắt đầu phục hồi. Các nhà phân tích cho rằng GDP toàn cầu quý 3 sẽ tăng khoảng 7% so với quý hai.

Nền kinh tế 90% thời hậu phong tỏa: Kinh tế toàn cầu có thực sự hồi phục theo hình chữ V? - Ảnh 1.

Mức độ ảnh hưởng của đại dịch lên các nền kinh tế là khác nhau (Nguồn: The Economist)

Có vẻ như kinh tế toàn cầu sẽ hồi phục theo hình chữ V, nhưng vẫn còn rất lâu thế giới mới có thể trở lại bình thường. Các chính phủ tiếp tục thực thi các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn virus. Những điều này làm giảm sản lượng - khi buộc ít thực khách hơn đến một nhà hàng tại một thời điểm, hoặc cấm khán giả tham gia các đấu trường thể thao. Mọi người vẫn lo lắng về việc bị lây nhiễm. Sự bất an về nền kinh tế của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đang ở gần mức kỷ lục - và đây chính là một trong những lý do khiến các công ty chần chừ không muốn đầu tư.

Các tính toán của ngân hàng Goldman Sachs cho thấy rằng các biện pháp giãn cách xã hội tiếp tục làm giảm 7-8% GDP toàn cầu - hoàn toàn phù hợp với những gì The Economist nhận đinh vào tháng 4 khi đặt ra thuật ngữ "nền kinh tế 90%" để mô tả điều gì sẽ xảy ra khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang hoạt động với công suất khoảng chín phần mười, tuy nhiên, có rất nhiều sự khác biệt giữa các ngành và quốc gia. Một số đang làm tốt một cách đáng ngạc nhiên, một số khác lại hết sức tồi tệ.

Lấy việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ làm ví dụ. Sản lượng hàng hóa đã tăng trở lại nhanh chóng. Theo nghiên cứu của JPMorgan Chase, doanh số bán lẻ trên toàn cầu đã phục hồi mức trước đại dịch từ tháng 7. Được trang bị số tiền mặt trị giá 2 nghìn tỷ USD từ các chính phủ kể từ khi virus tấn công, người tiêu dùng trên khắp thế giới đã tích trữ nhiều thứ để có thể ở nhà thường xuyên hơn, từ máy tính xách tay đến quả tạ để tập thể dục khi rảnh rỗi. Điều này phần nào giải thích tại sao hoạt động thương mại của thế giới lại tăng tốt hơn các nhà kinh tế đã mong đợi. Sản lượng công nghiệp toàn cầu gần như đã hồi phục được toàn bộ lượng bị mất trong thời gian phong tỏa.

Tuy nhiên hoạt động dịch vụ thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch, phần lớn là do những ngành như vậy dễ bị ảnh hưởng khi mọi người không còn tụ tập nữa. Số lượng thực khách trong các nhà hàng vẫn thấp hơn 30-40% so với mức bình thường trên toàn thế giới, theo dữ liệu từ OpenTable, một nền tảng đặt chỗ. Số chuyến bay theo lịch trình chỉ bằng một nửa so với trước khi đại dịch xảy ra.

Nền kinh tế 90% thời hậu phong tỏa: Kinh tế toàn cầu có thực sự hồi phục theo hình chữ V? - Ảnh 2.

Ngoại trừ Trung Quốc, các nền kinh tế lớn đều có mức tăng trưởng âm (Nguồn: The Economist)

Sự khác biệt về hiệu suất kinh tế giữa các quốc gia thậm chí còn rõ rệt hơn. Tỷ lệ tăng trưởng phân hóa trong các đợt suy thoái là điều thường thấy. Nhưng quy mô của sự sụt giảm sản lượng trong năm nay đồng nghĩa rằng sự khác biệt trong tốc độ tăng trưởng giữa các quốc gia là rất lớn.

Báo cáo ngày 16/9 của OECD nhận định khoảng cách tăng trưởng giữa các quốc gia tăng trưởng tốt nhất và kém nhất trong nhóm các quốc gia G7 vào năm 2020 dự kiến là 6,7 điểm phần trăm, lớn hơn nhiều so với cuộc suy thoái toàn cầu gần nhất cách đây một thập kỷ. Trong số các nền kinh tế lớn, chỉ có Trung Quốc là mở rộng quy mô vào năm 2020. Một số quốc gia, chẳng hạn như Mỹ và Hàn Quốc, phải đối mặt với suy thoái nhưng không đến mức gọi là thảm họa (xem biểu đồ 3). Ngược lại, nước Anh có vẻ đang tiến đến cuộc suy thoái sâu sắc nhất kể từ trận Đại băng giá năm 1709.

Một số nhà kinh tế cho rằng khoảng cách quá lớn giữa các quốc gia là một ảo ảnh thống kê, phản ánh các phương pháp tính toán số liệu GDP khác nhau. Ví dụ, cách tính của nước Anh khiến việc đóng cửa trường học và tạm dừng hoạt động ở bệnh viện có tác động lớn hơn đến GDP so với những nơi khác. Nhưng tác động này là nhỏ - phần lớn sự sụt giảm sản lượng đến từ khu vực tư nhân.

Thay vào đó, hiệu suất phụ thuộc vào ba yếu tố. Đầu tiên là cấu trúc nền kinh tế. Các quốc gia như Hy Lạp và Ý, vốn dựa vào bán lẻ và khách sạn, luôn có vẻ dễ bị ảnh hưởng hơn Đức. Khu vực sản xuất lớn của Đức đã được hưởng lợi từ sự phục hồi hàng hóa toàn cầu.

Thứ hai là sự tự tin, điều này dường như được đong đếm bởi kinh nghiệm của một quốc gia khi bị phong tỏa. Hoạt động kinh tế yếu kém của Anh có thể liên quan đến việc chính phủ xử lý đại dịch không tốt. Người Anh có vẻ lo lắng hơn những người châu Âu khác về việc mạo hiểm mở cửa.

Yếu tố thứ ba là kích cầu. Các nhà lập pháp của Mỹ có thể không thống nhất được với nhau về việc bổ sung, nhưng họ đã ban hành gói cứu trợ lớn nhất thế giới. OECD cho rằng đây sẽ là một trong những quốc gia giàu có hoạt động tốt hơn trong năm nay.

Điều gì tiếp theo cho "nền kinh tế 90%"? Một số nước đã buộc phải ra lệnh phong tỏa thêm. Nhưng một số quốc gia khác có thể cân đối các biện pháp phong tỏa mà không gây ảnh hưởng quá tiêu cực đến GDP. Điều đó có thể giúp đưa thế giới đến gần hơn với "nền kinh tế 95%". Thật vậy, OECD kỳ vọng GDP toàn cầu sẽ phục hồi hơn nữa trong năm nay.

Nhiều người có thể tin rằng một loại vắc xin, nếu có thể được sử dụng đủ rộng rãi, sẽ giúp mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Nhưng chắc chắn sẽ có những "vết sẹo". Việc các công ty không muốn đầu tư ngày hôm nay sẽ đồng nghĩa với việc có ít vốn hơn trong tương lai. Ngày càng nhiều người lao động Mỹ tin rằng họ sẽ không quay lại công việc cũ. Việc phân bổ lại các nguồn lực dư thừa cho các doanh nghiệp có năng suất cao hơn sẽ mất nhiều thời gian.

Các nhà thiết lập lãi suất của Fed cho rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ không trở lại mức trước đại dịch là 4% cho đến năm 2023, còn các nhà phân tích tại Goldman Sachs nghĩ rằng nó sẽ chỉ trở lại vào năm 2025, mặc dù họ lạc quan rằng vắc xin sẽ sớm được phân phối rộng rãi. Bởi bản thân căn bệnh này có ảnh hưởng lâu dài, nên nền kinh tế khó tránh khỏi tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian tới.

Theo The Economist

Mỹ Linh

Tổ Quốc

Trở lên trên