Nền kinh tế hơn 22 triệu dân "đã hoàn toàn sụp đổ", điều gì sẽ xảy ra?
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe tuyên bố trước Quốc hội nước này rằng nền kinh tế của hòn đảo 22 triệu dân đã chính thức "sụp đổ hoàn toàn" và một thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là cứu cánh duy nhất.
- 18-06-2022Sri Lanka và cuộc khủng hoảng tồi tệ chưa từng có: Nông dân ngừng cấy lúa, người lao động được nghỉ ở nhà để 'tự cung tự cấp' lương thực
- 20-05-2022Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ, cảnh báo lạm phát có thể lên tới 40%
- 17-05-2022Thủ tướng Sri Lanka nói cả nước chỉ còn xăng dầu dùng trong 1 ngày
- 09-05-2022Ngân hàng lớn do Trung Quốc hậu thuẫn bơm tiền "giải cứu" Sri Lanka?
- 07-05-2022Tổng thống Sri Lanka lại ban bố tình trạng khẩn cấp
"Chúng ta đang ở trong một tình thế rất tồi tệ. Không có nhiên liệu, khí đốt, điện và cả thực phẩm. Chúng ta đã thấy những dấu hiệu cho thấy nguy cơ rơi xuống đáy vực", ông Wickremesinghe chia sẻ thêm rằng quốc gia này đã không thể mua nhiên liệu từ nước ngoài, ngay cả khi trả bằng tiền mặt, do tập đoàn xăng dầu quốc doanh đã nợ nần chồng chất.
Những nhận định "ảm đạm" được đưa ra trong bối cảnh đại diện của Sri Lanka vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận với Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại trụ sở của tổ chức này ở Washington nhằm có được các gói viện trợ cho nền kinh tế đang thoi thóp.
Hiện tại, Sri Lanka đã kết thúc các cuộc thảo luận ban đầu với IMF và trao đổi về tài chính công, tính bền vững của nợ, lĩnh vực ngân hàng và an sinh xã hội. "Chúng tôi dự định sẽ ký một thỏa thuận cấp chính thức với IMF vào cuối tháng 7", Thủ tướng Wickremesinghe cho biết thêm.
Các nhà chức trách đang có kế hoạch tổ chức một hội nghị viện trợ tín dụng với các quốc gia thân thiện, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc để có thể xin thêm hỗ trợ.
Sri Lanka đã thất bại trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất mà nước này phải đối mặt kể từ khi giành được độc lập. Tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và nhu yếu phẩm kéo dài làm gia tăng nguy cơ bất ổn với các cuộc biểu tình và cản trở sự ổn định chính trị, vốn được đánh giá là quan trọng để giúp đất nước vượt qua giai đoạn thách thức.
Trong khi đó, trên phương diện pháp lý toàn cầu, Sri Lanka cũng đang gặp khó. Hôm 22/6, Hamilton Reserve Bank Ltd., công ty đang nắm giữ 250 triệu USD trái phiếu quốc tế của Sri Lanka, đã đệ đơn lên tòa án liên bang New York để yêu cầu thanh toán đầy đủ tiền gốc và lãi sau khi quốc gia này tuyên bố vỡ nợ hồi tháng trước. Lô trái phiếu này đáo hạn vào 25/7.
Tình cảnh bi đát của người dân Sri Lanka đã trở thành chủ đề được thế giới dành sự chú ý trong nhiều tháng qua. Hiện tại, nguồn ngoại tệ không còn khiến quốc gia, vốn dựa chủ yếu vào nhập khẩu này, gặp khó tứ bề. Ngay cả đến thuốc men cũng đang trong tình trạng thiếu trầm trọng.
Những ngày gần đây, Sri Lanka đang khuyến khích người dân tự trồng cây tại nhà để giải quyết vấn đề khó khăn hiện tại. Thậm chí, Chính phủ còn cho phép nhân viên nghỉ làm thêm 1 ngày trong tuần để trồng cây trong vườn, giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu phân bón khiến sản lượng nông nghiệp giảm sút. Ngay cả khi có tiền, việc mua hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn bởi không ai muốn bán mà giữ để phục vụ nhu cầu của gia đình.
Hiện tại, có Ấn Độ và Trung Quốc là những quốc gia sẵn sàng hỗ trợ lương thực cho Sri Lanka để vượt qua giai đoạn tồi tệ hiện nay. Các khoản cứu trợ khác vẫn đang tiếp tục được đàm phán nhưng chưa rõ khí nào có có thể giúp ích cho cuộc sống người dân nước này.
Tham khảo: Bloomberg