MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và sách lược phát triển du lịch bằng... hạt gạo

03-10-2022 - 19:28 PM | Tài chính quốc tế

Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và sách lược phát triển du lịch bằng... hạt gạo

Khi ngành du lịch của Nhật Bản bắt đầu phục hồi sau đại dịch, gạo có thể đóng vai trò lớn hơn bao giờ hết, không chỉ trong thực đơn mà còn trong hành trình du lịch.

Trong quá khứ, Nhật Bản từng có nhiều tour du lịch thú vị hướng tới các vùng nông thôn, dựa vào nông nghiệp. Khi đại dịch bị bỏ lại phía sau, họ có lý do để tiếp tục các chương trình đó, nhất là khi du khách ngày nay đang có xu hướng tránh các khu vực đô thị. Họ muốn chọn không gian rộng mở với nhiều hoạt động ngoài trời để thoát khỏi cảm giác gò bó đến từ cuộc sống ngột ngạt thường ngày.

Vậy làm thế nào Nhật Bản có thể khai thác tiềm năng của gạo - mặt hàng ẩm thực chủ yếu của nước này - để tạo ra nhiều dịch vụ du lịch hơn?

Xu hướng quốc tế cho thấy Nhật Bản đang đi rất đúng hướng.

Các điểm trồng lúa ở Bali và Thái Lan từ lâu đã là những điểm du lịch thu hút, đặc biệt là đối với người Châu Âu và Châu Úc. Dần dà, ngày càng có nhiều điểm đến hấp dẫn tiếp tục xuất hiện, như ruộng bậc thang Mù Cang Chải ở Tây Bắc Việt Nam, nơi du khách có thể đích thân làm việc đồng áng, nấu ăn, sản xuất rượu gạo và ở homestay. Theo Thông tấn xã Việt Nam, nơi này đã đón khoảng 90.000 lượt khách vào năm 2018, tăng so với khoảng 20.000 lượt vào năm 2015.

Theo báo cáo năm 2022 của Statista, Nhật Bản có thể đạt được mức tăng trưởng tương tự khi sự quan tâm đến du lịch nông nghiệp và thực phẩm ở nước này đang được phát triển ổn định trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đưa nghệ thuật vào nông nghiệp

Ngôi làng Inakadate ở tỉnh Aomori đã chào đón khoảng 204.000 người, trong đó có 10% người nước ngoài. Họ đến để chiêm ngưỡng những tác phẩm Tanbo - những bức tranh được vẽ bằng cách trồng lúa.

Inakadate là nơi khai sinh ra loại hình nghệ thuật này khi người nông dân được yêu cầu tạo ra thông điệp trên ruộng bằng cách trồng các giống lúa có bông màu tím và vàng. Đây là hành động nhằm tôn vinh di sản của làng trong nghề trồng lúa đã tồn tại khoảng 2.100 năm.

Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và sách lược phát triển du lịch bằng... hạt gạo - Ảnh 1.

Với việc sử dụng công nghệ như vẽ trước mô hình máy tính, sau này người ta có thể đóng cọc vào đồng lúa để tạo ra những bức tranh phức tạp và cầu kỳ hơn. Tác phẩm "Chiến tranh giữa các vì sao: Thần lực thức tỉnh" vào năm 2015 đã thu hút số lượng khách du lịch cao kỷ lục là 350.000 người.

Nhiều người cũng tham gia trải nghiệm trồng lúa hoặc tìm đến những nơi bán origini (cơm nắm Nhật Bản) được làm từ gạo của địa phương, từ đó cải thiện doanh số bán hàng của các thương nhân và doanh nhân ở nơi này.

Inakadate cũng đã truyền cảm hứng cho các làng sản xuất lúa gạo khác về nghệ thuật trồng lúa, bao gồm Gyoda, tỉnh Saitama, nơi có cánh đồng lúa rộng 2,8 ha đã được Kỷ lục Guinness thế giới chứng nhận là nơi có nghệ thuật vẽ tranh đồng lúa lớn nhất thế giới vào năm 2015.

Ăn gạo "thân thiện với cò"

Những nơi khác đã hợp tác với các công ty du lịch để cung cấp các trải nghiệm với gạo. Công ty điều hành tour du lịch Tour du Lac Biwa cung cấp các chuyến thăm đến những ruộng bậc thang đã được canh tác 1.300 năm trên bờ Hồ Biwa, chỉ cách ga Kyoto 30 phút đi tàu.

Không dừng lại ở đó, ở thành phố Toyooka, tỉnh Hyogo, loại gạo "thân thiện với cò" đang giúp làng Kinosaki thúc đẩy du lịch. Gạo được sản xuất trên các cánh đồng lúa hữu cơ cùng với các vùng đất ngập nước và phong cách thuỷ sinh hướng đến tái tạo sinh cảnh.

Khu vực này được tạo ra để hỗ trợ việc tái sinh một giống cò trắng phương Đông quý hiểm. Khoảng 140 loài chim hiện cùng với các loài động vật hoang dã đa dạng như côn trùng, cá, nhái và rắn hiện đang sống ở nơi đây.

Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và sách lược phát triển du lịch bằng... hạt gạo - Ảnh 2.

Tất cả được bắt đầu từ năm 1971, khi Toyooka trở thành nơi cuối cùng ở Nhật Bản có thể phát hiện ra loài chim có nguy cơ tuyệt chủng. Người ta đã đưa ra một chương trình nhân giống và thực hiện các bước để cải thiện môi trường, dẫn đến việc thả chim và tạo ra các cơ sở du lịch, bao gồm cả Bảo tàng Cò được khánh thành vào năm 2000.

Năm 2019, một tour du lịch giới thiệu loài cò trắng phương Đông đã được tung ra thị trường quốc tế. Sau khi đi tham quan các môi trường sống giúp các loài chim phát triển, du khách sẽ được phục vụ bữa trưa với món cơm "thân thiện với cò."

Một số nhà hàng và quán trọ ryokan ở Kinosaki Onsen sẽ phục vụ gạo "thân thiện với cò" ở dạng bột để tạo ra các loại bánh địa phương.

Tham khảo Japan Times

Minh Phương

Tổ Quốc

Trở lên trên