Nền kinh tế Mỹ bùng nổ rực rỡ nhưng hàng loạt sếp doanh nghiệp lớn “ôm đầu thở dài”: Vì đâu nên nỗi?
Ông chủ của các doanh nghiệp không có tâm trạng ăn mừng cho dù kết quả kinh doanh đầy tích cực.
- 02-11-2023Sau tuyên bố giữ nguyên lãi suất ở đỉnh 22 năm, Chủ tịch Powell "bóng gió" về việc FED đã kết thúc chu kỳ tăng lãi suất
- 02-11-202310 công việc “khát nhân lực” đâu đâu cũng tuyển trong vài năm tới, có vị trí lương tới 3,7 tỷ đồng/năm
- 01-11-2023Cố vấn tài chính lừa cụ ông U70 đầu tư ‘đảm bảo lãi’ để cuỗm sạch gần 1,5 tỷ đồng tiền tiết kiệm 40 năm, cái kết ai nghe cũng hả dạ
Nền kinh tế Mỹ liên tiếp đón nhận những thông tin tích cực. Trong quý 3, GDP tăng trưởng chóng mặt 4,9%. Khi bước vào mùa báo cáo tài chính, một loạt các số liệu kinh tế lạc quan khiến các nhà phân tích thị trường chứng khoán dự đoán lợi nhuận quý ở mức ổn định, thay vì giảm như mọi khi. Nhiều người coi đây là dấu chấm hết của đợt suy giảm doanh thu của doanh nghiệp Mỹ.
Niềm lạc quan ấy dường như rất hợp lý. Sau 3 quý sụt giảm liên tiếp, lợi nhuận ròng của America Inc đang tăng trưởng trở lại. Theo nhà cung cấp dữ liệu FactSet, trong số một nửa công ty lớn thuộc chỉ số S&P 500, 78% công ty báo cáo lợi nhuận vượt kỳ vọng.
Tuy nhiên, ông chủ của các doanh nghiệp lại không có tâm trạng ăn mừng. Rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không thể thu hút được nhà đầu tư dù cho công ty có những kết quả khả quan. Phản ứng đặc biệt trái ngược trước kết quả hoạt động của các công ty công nghệ lớn. Ví dụ, công ty mẹ của Google là Alphabet thành công vượt dự đoán nhưng lại chứng kiến giá cổ phiếu giảm 10%. Lý do là vì các nhà đầu tư không hài lòng với hoạt động của bộ phận điện toán đám mây.
Cảnh báo của Meta về những bất ổn trong nền kinh tế vĩ mô khiến kết quả kinh doanh hàng quý tốt nhất từ trước đến nay của đế chế truyền thông không được thị trường đánh giá cao. Nguy cơ về một cuộc suy thoái kéo dài và mức độ giao dịch doanh nghiệp yếu kém cũng làm lu mờ lợi nhuận của các ngân hàng có được nhờ lãi suất cho vay tăng cao.
Tại sao tâm lý của chủ các doanh nghiệp lại u ám đến vậy? Mặc cho sự bùng nổ trong quý 3, sức mua của người tiêu dùng Mỹ trong tương lai vẫn là mối lo ngại lớn nhất của các ông chủ. Lý do rất dễ hiểu.
Theo ngân hàng Morgan Stanley, 1/3 doanh thu trực tiếp của các doanh nghiệp Mỹ đến từ túi tiền của người tiêu dùng trong nước. Người dân Mỹ dường như mua sắm không biết mệt mỏi. Doanh số bán lẻ trong tháng 9 tăng 0,7% so với tháng trước. Coca-Cola và PepsiCo đều nâng dự báo lợi nhuận cho thời gian còn lại của năm. Nhưng sự tăng trưởng của họ gần đây đều là kết quả của việc tăng giá chứ không phải vì bán được nhiều hàng hơn.
Các vết nứt khác cũng đang xuất hiện. Theo ngân hàng Bank of America, dữ liệu về thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ cho thấy chi tiêu tháng 10 sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tháng này, những người có khoản vay sinh viên sẽ phải tiếp tục trả nợ sau 3 năm được hoãn.
Nhìn chung, chi tiêu hiện đang tăng nhanh hơn thu nhập thực tế, vì người tiêu dùng xài tiền tiết kiệm. Ngoài ra, tình trạng quá hạn trả nợ thẻ tín dụng và vay mua ô tô đang gia tăng. Người tiêu dùng nói rằng họ cảm thấy bi quan về tình hình tài chính của mình.
Đó là điều khiến các CEO lo lắng. Công ty giao hàng Up cho biết người tiêu dùng đang chi ít hơn cho hàng hoá và nhiều hơn cho dịch vụ, làm giảm triển vọng của công ty. Nhà sản xuất đồ chơi Mattel (trong đó có thương hiệu Barbie) cùng nhiều hãng khác đã có một quý 3 bùng nổ, nhưng lại có dự đoán ảm đạm về Giáng sinh tới.
Các giám đốc tại Alphabet cho biết dữ liệu chỉ ra rằng khách hàng đang săn lùng nhiều khuyến mại và các ưu đãi miễn phí vận chuyển hàng hoá. Còn trong cuộc họp với các nhà đầu tư Tesla, tỷ phú Elon Musk đã than thở về tác động của việc tăng lãi suất đối với khả năng mua ô tô của người tiêu dùng. Kể từ sau cuộc họp này, giá cổ phiếu Tesla giảm 15%, thổi bay hơn 100 tỷ USD vốn hoá thị trường của hãng.
Các công ty cũng đang theo dõi sát sao chi phí vận hành, đặc biệt là chi phí lao động. Lạm phát tiền lương trong toàn nền kinh tế đang hạ nhiệt. Nhưng các cuộc đình công vẫn là vấn đề đau đầu ở một số khu vực của nền kinh tế. Đến cuối tháng 9, các nhà biên kịch của Hollywood đã được tăng nhuận bút, nhưng nhiều yêu cầu của công nhân ngành ô tô vẫn chưa được đáp ứng.
Nhà sản xuất General Motors cho biết cuộc đình công của người lao động khiến họ tổn thất 200 triệu USD mỗi tuần và khiến lợi nhuận cả năm co lại. Các nhà sản xuất ô tô lớn của Detroit không phải là những người duy nhất cảm thấy áp lực. Công ty sản xuất phụ tùng ô tô Illinois Tool Works đã cắt giảm dự báo lợi nhuận. Ngay cả ông chủ của hãng hàng không Delta Air Lines cũng buồn phiền khi ngày càng có ít hành khách hơn.
Những biến động trên thế giới cũng gây áp lực đến các giám đốc doanh nghiệp. Họ có nỗi lo chung về xung đột ở Trung Đông. Tuy chiến sự chưa gây ảnh hưởng lớn đến tài chính, một số công ty vẫn tỏ ra thận trọng. Công ty truyền thông xã hội Snap cho biết một số nhà quảng cáo đã tạm dừng chi tiền do chiến sự ở Gaza. Khi xem xét những rủi ro trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, các ông chủ doanh nghiệp thấy xung đột ở Trung Đông có ít ảnh hưởng hơn cả việc ngừng kinh doanh ở Nga hoặc lo ngại về mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc.
Trong khi đó, lãnh đạo các doanh nghiệp lại im lặng trước mối đe doạ dài hạn hơn đối với lợi nhuận của công ty là lãi suất cao. Trong năm qua, vận may của các doanh nghiệp lớn khác xa so với các doanh nghiệp nhỏ hơn, đặc biệt là những đơn vị thuộc sở hữu của quỹ cổ phần tư nhân. Bank of America tính toán rằng hơn 3/4 số nợ mà các công ty thuộc S&P 500 vay đều là nợ dài hạn và có lãi suất cố định.
Nhưng cuối cùng, các doanh nghiệp lớn sẽ cần phải trả nợ với lãi suất cao hơn, điều này sẽ khiến lợi nhuận giảm. Đợt suy giảm lợi nhuận doanh nghiệp có thể đã kết thúc trong quý 3, nhưng vẫn có nhiều nguy cơ phía trước.
Tham khảo The Economist
Nhịp Sống Thị Trường