Nền kinh tế sẽ hồi phục trong năm 2024
Bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước được dự báo còn nhiều thách thức trong năm 2024. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định Việt Nam có nhiều cơ hội hồi phục trong năm nay.
- 13-01-2024Người dân phàn nàn về cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu
- 13-01-2024Giải ngân đầu tư công được 45.866 tỷ đồng, TP.HCM hoàn thành 67% chỉ tiêu
- 13-01-2024Làm mới động lực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao
Chuyển đổi xanh
Bà Dorsati Madani - chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra dự báo, nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, như tiêu dùng sụt giảm, các chính phủ tăng tiết kiệm sau nhiều năm sử dụng đáng kể nguồn vốn và ngân sách. Ngoài ra, môi trường chính sách cũng sẽ có những thay đổi. Hiện tại, môi trường lãi suất đang cao và chưa có dấu hiệu giảm.
Theo bà Madani, hiện tại tăng trưởng kinh tế ở châu Âu vẫn chưa cải thiện đáng kể, còn Trung Quốc đang tăng trưởng chậm do các vấn đề nội bộ như thị trường bất động sản dù nhà chức trách rất nỗ lực vực dậy nền kinh tế. Tất cả những điều này sẽ tác động sâu sắc tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.
“Trong nội tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đầu tư tư nhân đang ở mức rất thấp. Cùng với đó là xu hướng chững lại trong chi tiêu của người tiêu dùng. Đây là những yếu tố cần thời gian để phục hồi. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có nhiều chính sách để hỗ trợ các lĩnh vực này” - bà Madani khuyến cáo.
Theo bà Madani, Việt Nam cần thay đổi để phục hồi kinh tế tư nhân, cùng với đó dần phục hồi chi tiêu tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, bên cạnh giao thương quốc tế, thương mại nội địa cũng phải được thúc đẩy.
Thời gian tới, giá cả hàng hóa có thể sẽ không tăng, thậm chí giá một số mặt hàng sẽ giảm và lạm phát tại Việt Nam cũng như trên thế giới sẽ giảm. Đây là các yếu tố sẽ thay đổi triển vọng kinh tế Việt Nam và thế giới.
"Chúng tôi dự báo sẽ có sự phục hồi dần dần về mức trước đại dịch. Nhưng để đạt được điều này thì cần phải có chính sách điều hành khôn ngoan. Kinh tế tư nhân, doanh nghiệp (DN) địa phương tại Việt Nam cần được chú trọng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa” - vị chuyên gia của WB nhấn mạnh.
Bên cạnh các chính sách phục hồi kinh tế tư nhân, bà Madani cũng khuyến nghị Việt Nam tiếp tục chú trọng tới việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số bởi đây là xu hướng tất yếu trên toàn cầu trong thời gian tới. WB khuyến nghị các công cụ chính sách về thuế, tín dụng xanh để hỗ trợ các ngành công nghiệp, dần loại bỏ việc sử dụng than và chuyển sang các loại năng lượng sạch như gió, mặt trời.
Trong lĩnh vực tài chính, theo chuyên gia WB, Chính phủ cần thúc đẩy các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh và không chỉ áp dụng với các DN nhỏ. Các ngân hàng cũng phải có kế hoạch hành động để hỗ trợ chiến lược xanh của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cho người dân, DN cũng cần được chú trọng.
“Tôi tin rằng tương lai của Việt Nam là chuyển đổi số và xanh. Và để đi đến tương lai đó, các bạn cần có những chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp. Một điều quan trọng nữa là người dân, lớp trẻ và các thế hệ lao động cũng phải có các kiến thức cần thiết về xu hướng này” - bà Madani chia sẻ.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Nhìn lại năm 2023 cho biết số lượng DN rời khỏi thị trường lại cao kỷ lục (số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn DN; 65,5 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 18 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể).
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng trầm lắng, xuất khẩu giảm nhất là với nhiều ngành có vai trò của DN tư nhân rất lớn. Có thể thấy, năm 2023 rất khó khăn. Vì vậy, định hướng của cơ quan quản lý sẽ ra sao để hỗ trợ cho cộng đồng DN, vực dậy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế được nhiều người quan tâm.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng cần chuyển từ “tháo gỡ khó khăn” chuyển sang “tạo thuận lợi” để hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi theo ông Tuấn đây là cách tiếp cận tốt hơn. Vai trò sẵn sàng trong việc tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của DN có lẽ là điều cần phải làm ở nhiều cấp.
Ở khía cạnh DN, trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm, ông Tuấn cho rằng, cần giảm chi phí kinh doanh. Hiện tại ở nhiều nơi, nhiều chỗ vấn đề chi phí kinh doanh rất cao, nên những giải pháp để giảm chi phí kinh doanh cần phải phát huy triệt để, cần có gói giải pháp tổng thể cho việc giảm chi phí kinh doanh này.
Đại đoàn kết