Nền kinh tế toàn cầu chậm lại, nhưng không bị đình trệ
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sự phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại, và không đồng đều ở các khu vực, de dọa lạm phát vẫn còn.
- 08-11-2023The Economist: Thời kỳ ‘phấn khởi’ của kinh tế toàn cầu có thể sẽ không kéo dài, thị trường cần chú ý những 'báo động đỏ' phía trước
- 06-11-2023Xung đột ở Trung Đông có thể châm ngòi suy thoái kinh tế toàn cầu
- 24-10-2023Kinh tế toàn cầu ở 'thời điểm nguy hiểm' giữa những thách thức địa chính trị
Tăng trưởng giảm tốc
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi chậm trước những đòn giáng của đại dịch Covid-19, cuộc chiến Nga - Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt . Song, bất chấp sự gián đoạn trong thị trường năng lượng và thực phẩm do chiến tranh gây ra, và sự thắt chặt tiền tệ toàn cầu chưa từng có để chống lạm phát cao hàng thập kỷ, nền kinh tế toàn cầu tuy chậm lại nhưng không bị đình trệ.
Theo dự báo mới nhất của IMF, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ 3,5% vào năm 2022 xuống còn 3% vào năm nay năm và 2,9% vào năm tới, thấp hơn nhiều so với mức trung bình giai đoạn 2000 - 2019 là 3,8%.
Các nền kinh tế tiên tiến dự kiến sẽ giảm tốc từ 2,6% vào năm 2022 xuống còn 1,5% vào năm 2023 và 1,4% vào năm 2024 khi việc thắt chặt chính sách bắt đầu có tác dụng. Các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển được dự báo sẽ có mức tăng trưởng giảm khiêm tốn từ 4,1% năm 2022 xuống 4,0% trong cả hai năm 2023 và 2024.
Lạm phát cơ bản nhìn chung được dự báo sẽ giảm dần, từ 8,7% năm 2022 xuống 6,9% năm 2023 và 5,8% năm 2024.
Ba yếu tố quan trọng của kinh tế toàn cầu là dịch vụ, lạm phát và chính sách tiền tệ đang có ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng. Hoạt động dịch vụ hiện đang suy yếu bên cạnh sự suy giảm sản xuất dai dẳng cho thấy sẽ đi xuống vào năm 2024. Một phần của sự giảm tốc tăng trưởng là kết quả của chính sách tiền tệ thắt chặt để hạ nhiệt lạm phát. Điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn đang đè nặng lên thị trường nhà đất, đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh. Thêm vào đó, lạm phát leo thang bởi cú sốc giá hàng hóa. Các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga nhập khẩu chịu sự gia tăng mạnh mẽ của giá năng lượng. Giá năng lượng cao đóng một vai trò lớn trong việc thúc đẩy lạm phát cơ bản tăng lên.
Dễ bị tổn thương và rủi ro
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine khiến các thị trường hàng hóa lớn bị phân mảnh và căng thẳng địa chính trị có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Thương mại hàng hóa có thể ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa, hoạt động kinh tế và quá trình chuyển đổi năng lượng.
Hàng hóa đặc biệt dễ bị phân mảnh do sản xuất tập trung, tiêu dùng khó thay thế; sự phân mảnh này sẽ gây ra những biến động lớn về giá cả hàng hóa. Chẳng hạn như thị trường khoáng sản bị phân tán sẽ khiến quá trình chuyển đổi năng lượng trở nên tốn kém hơn, giảm đầu tư vào năng lượng tái tạo và xe điện.
IMF cho rằng, một thỏa thuận hành lang xanh có thể đảm bảo dòng chảy quốc tế của các khoáng sản quan trọng. Các thỏa thuận tương tự đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu có thể ổn định thị trường nông sản. Những thỏa thuận như vậy sẽ bảo vệ các mục tiêu toàn cầu trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu và mất an ninh lương thực.
Triển vọng và chính sách toàn cầu
Theo đánh giá của IMF, triển vọng tăng trưởng khác nhau giữa các khu vực trên thế giới đặt ra thách thức trong việc quay trở lại xu hướng sản lượng trước đại dịch. Bất chấp những dấu hiệu phục hồi vào đầu năm 2023, tác động của việc thắt chặt chính sách nhằm giảm lạm phát dự kiến sẽ làm giảm hoạt động kinh tế trong tương lai.
Chính sách tiền tệ nên đi đúng hướng để đưa lạm phát về mục tiêu, đồng thời cần củng cố tài khóa để giải quyết các khoản nợ tăng cao. Cải cách cơ cấu là rất quan trọng để phục hồi triển vọng tăng trưởng trung hạn trong bối cảnh không gian chính sách bị hạn chế. Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, tăng cường khả năng phục hồi trước các cú sốc khí hậu và cải thiện an ninh lương thực cho hàng triệu người đòi hỏi phải tăng cường các khuôn khổ đa phương và tuân thủ các nền tảng hợp tác quốc tế, IMF đề xuất.
VOV