Nền kinh tế Zimbabwe đã tiến tới bờ vực sụp đổ như thế nào?
Chế độ chính trị đã khiến quốc gia này đối mặt với siêu lạm phát, các doanh nghiệp Nhà nước phá sản và cải cách ruộng đất hỗn loạn.
- 20-11-2017Tổng thống Zimbabwe đồng ý từ chức
- 19-11-2017Tổng thống Zimbabwe sắp bị buộc từ chức, kết thúc 37 năm lãnh đạo
- 18-11-2017Grace Mugabe - nguồn cơn khủng hoảng Zimbabwe đang ở đâu?
37 năm trước khi Robert Mugabe nắm quyền, kinh tế Zimbabwe khỏe mạnh, đa dạng có tiềm năng trở thành một trong những nền kinh tế lớn mạnh nhất ở vùng châu Phi hạ Sahara ( các quốc gia châu Phi nằm hoàn toàn hay một phần ở phía nam sa mạc Sahara). Ngày nay, Zimbabwe lại là trường hợp tệ nhất trong khu vực, với thu nhập bình quân đầu người giảm 15% kể từ năm 1980.
Tổng thống Zimbabwe, Robert Mugabe, sắp bị buộc từ chức kết thúc 37 năm lãnh đạo.
"Nền kinh tế đang trong điều kiện rất tệ," Welshman Ncube, một doanh nhân và chính trị gia đối lập xuất chúng, người từng nói rằng khủng hoảng kinh tế và khó khăn của chính phủ trong việc trả lương cho quân đội và cán bộ Nhà nước là một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc lật đổ của quân đội vào tuần trước. "Thậm chí nếu tôi có 10.000 đô la trong ngân hàng thì ngân hàng của tôi chỉ có thể trả tôi 20 đô một ngày. Suy kiệt thanh khoản đang hết sức nghiêm trọng."
Sau can thiệp của quân đội vào tuần trước, mọi người đứng xếp hàng trong nhiều giờ để rút những đồng đô la quý giá khỏi các cây ATM là ví dụ mới nhất thể hiện nhu cầu với ngoại tệ mạnh. Điều này cũng phản ánh những khó khăn kinh tế trong nhiều năm qua.
Năm 2009, Zimbabwe buộc phải bỏ đồng nội tệ - đồng tiền có mệnh giá tăng kinh hoàng do siêu lạm phát. Quốc gia này dùng đô la làm phương tiện thanh toán chính. Việc đô la hóa bắt buộc đã ổn định nền kinh tế và bước đầu giúp thu nhập tăng trở lại 40%. Khi không có đồng nội tệ, cung tiền hoàn toàn phụ thuộc vào dòng đô la chảy vào trong nước, khiến chính quyền mất quyền kiểm soát với chính sách tiền tệ.
Đồng nội tệ Zimbabwe nổi tiếng với mệnh giá cao đáng kinh ngạc với những đồng tiền lên đến 12 con số.
Trong một nỗ lực tuyệt vọng để cải thiện thanh khoản, chính phủ phát hành tiền trái phiếu (Bond notes) vào năm 2016. Về lý thuyết, tiền trái phiếu có giá trị tương đương với ngoại tệ mạnh nhưng lại nhanh chóng mất giá. Cung tiền tăng 36% trong năm đó và tiền trái phiếu giảm 80% ở thị trường phi chính thức (thị trường chợ đen), có nguy cơ khiến lạm phát tăng cao hơn nữa.
Lạm phát hằng năm hơn 14% và thâm hụt ngân sách 12% trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Mặc dù trợ cấp xuất khẩu 175 triệu đô la, nhưng thâm hụt thương mại lớn hơn 10% GDP. Trong tương lai, chính quyền mới có lẽ phải đưa đồng nội tệ trở lại với những hậu quả xấu tiềm ẩn.
Tiền trái phiếu có giá trị tương đương với đô la Mỹ.
Những năm đầu thập niên 90s, khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, Mugabe miễn cưỡng nghe theo Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây trong một chương trình điều chỉnh cơ cấu được thiết kế sơ sài và quản lý yếu kém. Những người phác thảo chương trình này cho rằng tự do hóa thị trường và tài chính, cùng với dịch vụ công và cải cách doanh nghiệp Nhà nước sẽ thúc đẩy tăng trưởng và sản xuất.
Thế nhưng, nhiều cải cách khu vực công đã "chết yểu", những cải cách này phi công nghiệp hóa thay vì thúc đẩy công nghiệp. Đầu ra của ngành công nghiệp ngày nay ít hơn 10% GDP, ngược lại với đỉnh điểm 25% vào đầu những năm 90s.
Số việc làm không thuộc lĩnh vực nông nghiệp vào khoảng 850.000. Con số này không thay đổi kể từ cuối thập niên 80s, trong khi số việc làm trong ngành công nghiệp giảm từ hơn 200.00 xuống 90.000. Ngày nay, việc làm trong khu vực công (không kể quân đội) chủ yếu là giáo viên, nhân viên y tế và cán bộ Nhà nước, chiếm khoảng hơn 40% các công việc chính thức.
Các cải cách thị trường không kích thích nền kinh tế như nhà tài trợ và các tổ chức đã hứa, thậm chí còn khiến đất nước thụt sâu trong khủng hoảng. Điều đó buộc ông Mugabe sử dụng những biện pháp dữ dội hơn. Các biện pháp đó bao gồm chi tiêu vượt ngân sách cho cựu chiến binh do cuộc chiến của quân đội Zimbabwe ở Cộng hòa dân chủ Congo năm 1998 nhằm hỗ trợ triều đại Kabila. Những sự kiện trên khiến Zimbabwe trượt dốc trong siêu lạm phát và sụp đổ tiền tệ đầu những năm 2000s.
Cựu chiến binh là những người tiên phong cho chính sách tái phân phối đất đai đầy hỗn loạn vào năm 2000, trước thềm cuộc bầu cử mà nhiều nhà phân tích cho rằng phong trào vì dân chủ của nhà cải cách Morgan Tsvangirai giành được nhiều phiếu bầu hơn nhưng không thắng cử do quá trình kiểm phiếu.
Cải cách ruộng đất khiến nền kinh tế càng đi xuống, GDP thực tế giảm 45% trong một thập kỷ tính đến năm 2009. Sản xuất nông trại sụp đổ và sản lượng năm 2008 chỉ đạt 2/3 so với mức cao nhất vào năm 2000. Mặc dù sự hồi phục xảy ra sau đó nhưng sản xuất vẫn giảm ít nhất 1/4 thậm chí ngay cả sau vụ mùa bội thu năm ngoái.
Tuy nhiên, Tendati, Bộ trưởng Bộ Tài chính từ 2009 đến 2013, nói rằng nền kinh tế có thể phục hồi nhanh chóng nếu nó có thể thu hút đầu tư nước ngoài và tái tham gia kinh tế quốc tế. "Hãy nhìn cách chúng ta đã phục hồi trong chính phủ của sự đoàn kết quốc gia", ông đề cập tới sự phục hồi khỏi tình trạng siêu lạm phát sau năm 2009. "Chúng ta có thể xây dựng nền kinh tế trị giá 100 tỷ đô trong vòng 15 năm và có tỉ lệ tăng trưởng là 7% một năm".
Người dân vui mừng khi “triều đại” của Mugabe sắp chấm dứt.
Emmerson Mnangagwa, Phó tổng thống, người có vẻ sẽ kế vị Mugabe, đứng đằng sau hỗ trợ tiến trình Lima, qua đó chính phủ hy vọng xóa sạch các khoản nợ lâu chưa trả, mở ra con đường đối với các quỹ và đầu tư nước ngoài.
Quân đội tiếp quản tuần trước cố gắng thể hiện sự thân thiện với kinh doanh. Trong thông cáo báo chí, Lực lượng phòng vệ Zimbabwe, hiện điều hành nước này, nhấn mạnh rằng họ sẽ hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và muốn tạo ra "một đất nước Zimbabwe hòa bình, thống nhất, thịnh vượng và thân thiện với các nhà đầu tư".
Để làm được điều đó, Zimbabwe sẽ cần một số gói cứu trợ quốc tế và thu hút các nhà đầu tư mới. "Bạn sẽ không thể cải thiện nền kinh tế này, nếu không có sự hỗ trợ từ quốc tế”.