Nên "ngồi chơi" vì thị trường đang rủi ro?
Tất cả các chỉ số thị trường duy trì hiệu suất âm, đà giảm mạnh xảy ra ở nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ Smallcap và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn Largecap.
Thị trường chứng khoán chuẩn bị khởi động phiên giao dịch mới với nhiều nỗi lo của nhà đầu tư sau phiên "đỏng đảnh" hôm qua. Phiên hôm qua, VnIndex có lúc gây sốc cho nhà đầu tư khi đồng loạt giảm sâu, có lúc, chri số mất hơn 8 điểm và tiến sát vùng hỗ trợ thấp hơn 660 điểm. Toàn thị trường chièm trong sắc đỏ với khi nhóm cổ phiếu trụ suy yếu.
Thanh khoản phiên hôm qua cũng khá thấp và theo nhận định của chứng khoán Bản Việt (VCSC) thì với thanh khoản như vậy chưa đủ thuyết phục cho một phiên bắt đáy.
Nên "ngồi chơi" vì thị trường đang rủi ro?
Cuối tuần qua không phải là lần đầu tiên chứng khoán BIDV (BSC) nói về rủi ro thị trường giai đoạn hiện tại. Ngay từ giữa tuần trước, khi dấu hiệu chốt lãi trung hạn ở nhiều cổ phiếu cùng với thanh khoản thấp và thị trường giảm điểm trên diện rộng, công ty chứng khoán này đã khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế giải ngân trong những nhịp điều chỉnh thị trường về các vùng giá thấp hơn vì không ngoại trừ khả năng sự sụt giảm có thể còn diễn ra tại các mức hỗ trợ ngắn hạn vùng 660 điểm, hoặc thấp hơn vùng 650 điểm.
Cùng chung quan điểm thận trọng với BSC là Chứng khoán Bản Việt (VCSC). VCSC cho rằng kết quả phiên giao dịch cuối tuần chính thức xác nhận VnIndex đã gãy trend tăng trung hạn trên đồ thị nến tuần và bước vào giai đoạn điều chỉnh giảm. Mục tiêu điều chỉnh trung hạn là 620-624 điểm. Dựa vào diễn biến của chỉ số VnIndex trong 7 năm gần đây, có 6/7 năm chỉ số VnIndex tạo đỉnh quanh thời điểm tháng 11-12 và tạo đáy quanh tết âm lịch. Do đó, theo VCSC, nhiều khả năng năm nay kịch bản này được tái hiện. Cùng với nhận định này, VCSC khuyến nghị nhà đầu tư quan sát thị trường và hạn chế tỷ trọng cổ phiếu.
Kết quả kinh doanh chưa thể là đòn bẩy thị trường
Mùa kết quả kinh doanh bao giờ cũng là mùa mà nhà đầu tư ngóng đợi nhất. Chúng tôi cũng đã đưa tin về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điểm nổi cộm có thể nhìn thấy rằng bên cạnh những doanh nghiệp tăng trưởng mạnh từ hoạt động kinh doanh chính thì còn nhiều đơn vị loay hoay chưa thoát khỏi khó khăn. Có nhiều doanh nghiệp lớn thua lỗ.
Điển hình nhất là thống kê trong VN30. Thống kê cho thấy chỉ có 18 trên tổng số 30 doanh nghiệp thuộc VN30 đạt tăng trưởng lợi nhuận cho kỳ kinh doanh 9 tháng đầu năm. Có 3 trên tổng số 30 doanh nghiệp bị thua lỗ. Còn lại 9 doanh nghiệp sụt giảm sâu về lợi nhuận. Tổng lợi nhuận nhóm VN30 trong quý 3 đạt hơn 17.400 tỷ, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2016 thì chỉ đạt gần 50 nghìn tỷ đồng, giảm gần 7% so với cùng kỳ.
Sự sụt giảm lợi nhuận của nhóm VN30 khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về sức khỏe của doanh nghiệp. Liệu, doanh nghiệp đã quay lại chu kỳ phục hồi thực sự sau hàng loạt nỗ lực hỗ trợ và tự tái cơ cấu hay chưa hay vẫn đang loay hoay tìm lối thoát.
Lại nỗi lo margin
Lợi nhuận kinh doanh nguồn của công ty chứng khoán càng cao thì một nỗi lo luôn luôn hiện hữu trên thị trường chứng khoán mỗi khi chứng khoán giảm điểm là margin.
Nhà đầu tư chưa thực sự biết cách kiểm soát việc sử dụng đòn bẩy tài chính cho bản thân và mỗi khi thị trường chứng khoản giảm điểm, dù chỉ vài phần trăm, là nhiều nhà đầu tư đã phải cuống quýt với việc call margin, bán bớt cổ phiếu. Càng loay hoay, càng mất bình tĩnh, càng thua lỗ.
Và, VnIndex đã giảm 3 phiên liên tiếp. Nhiều tài khoản của nhà đầu tư đã chạm ngưỡng phải cắt lỗ. Áp lực bán gia tăng. Còn, tiền vẫn chưa thấy dấu hiệu đổ vào vơ vét cổ phiếu của những nhà đầu tư cắt lỗ.