Nên sống ở Thủ đô đắt đỏ hay về quê an yên trên mảnh đất 8 tỷ đồng? Người phụ nữ U40 xin tư vấn và cái kết bất ngờ!
CĐM chỉ ra một điểm mấu chốt khiến chị D gặp phải bế tắc: Đó là mong muốn quá nhiều.
- 13-10-2024Chỉ có 7 triệu để chi tiêu cho cả gia đình nhưng cô vợ trẻ này vẫn trích ra được 1 khoản để tiết kiệm
- 12-10-2024Bảng chi tiêu của nhà 4 người vẫn cất được 13 triệu/tháng: Không có chỗ nào cần tiết kiệm nữa!
- 10-10-2024Sai lầm trong năm đầu kết hôn khiến vợ chồng không có tiền tiết kiệm, đau đầu vì chi tiêu
Mới đây, trong một group về quản lý tài chính gia đình, chi tiêu thông minh, tâm sự của một người phụ nữ ẩn danh (tạm gọi là chị D.) đã nhận được nhiều sự quan tâm của thành viên trong nhóm.
Câu chuyện của chị D. có lẽ là nỗi niềm chung của nhiều người khi đang rơi vào tình trạng bế tắc giữa mong muốn sống tại Thủ đô đắt đỏ và bài toán tài chính. Hai vợ chồng chị D có thu nhập khoảng 20 triệu đồng/tháng và đã có một căn chung cư ở Hà Nội nhưng vẫn đang phải trả lãi. Chính vì thế, chị D. luôn cảm thấy bất an khi chi phí sinh hoạt tại thành phố ngày càng đắt đỏ.
Điều đáng nói, nhà chị D. hiện có một mảnh đất có giá trị lên tới 7 - 8 tỷ đồng ở quê và dù rất thích ở Hà Nội, chị vẫn đang suy nghĩ đến phương án phải quay về quê để đỡ bị áp lực tài chính.
Chị cũng chia sẻ những nỗi lo lắng về tương lai: nếu phải bán chung cư và trở về quê, liệu họ có thể xây dựng một cuộc sống ổn định hơn không? Nhưng việc bán nhà cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ khó có cơ hội sở hữu một căn nhà khác tại Hà Nội khi giá bất động sản đang tăng cao. Hơn nữa, trở về quê cũng mang lại nhiều vấn đề khác như việc đi học cho các con.
Chính vì vậy, chị D gửi gắm câu chuyện của bản thân và mong muốn nhận được lời tư vấn từ thành viên của group.
Dưới đây là toàn bộ câu chuyện của chị D. được đăng tải trên hội nhóm:
"Em bế tắc quá các chị ạ, các chị đã trải rồi cho em xin đôi lời góp ý với.
Vợ chồng em 35 - 40 tuổi đều từ tỉnh, hiện sống tại một chung cư ở Hà Nội. Chồng em làm nhà nước lương 13 - 14 triệu đồng/tháng, hàng quý có thường 5 - 7 triệu đồng và cuối năm có khoản khoảng 60 - 70 triệu đồng. Em thì lương 10 - 15 triệu đồng, có thêm phần buôn bán nữa tầm 6 triệu đồng nhưng hiện tại đang vừa thất nghiệp cũng không còn nguồn thu thêm. Nhà đang ở là chung cư và mỗi tháng trả gốc + lãi là 13 triệu đồng.
Chồng em đã có mảnh đất ở quê. Giá hiện tại chắc khoảng 7 - 8 tỷ đồng nhưng hai vợ chồng không có ý định bán. Hai vợ chồng vẫn muốn ở Hà Nội nhưng tình hình tài chính căng quá. Dù sau em có công việc ổn định lại với mức lương trên thì cũng không biết bao giờ mới trả hết nợ. Nghĩ nản, mệt mỏi tinh thần.
Căn chung cư mua tới nay ở là được gần 6 năm, giá hiện tại gấp đôi giá thời điểm mua. Em có suy nghĩ bán chung cư trả hết nợ rồi về quê xây nhà. Nhưng thực lòng em không muốn về các chị ạ, về ở sẽ phát sinh nhiều vấn đề mà chắc chị em thì đều tính ra… Với giờ bán chung cư thì xác định chẳng bao giờ mua được nữa, giá ngày càng tăng cao. Mai này các con đi học lại phải đi thuê".
Bài tâm sự của chị D. đã nhận được rất nhiều lời góp ý từ thành viên trong nhóm. Đáng chú ý có những ý kiến như sau:
- Đời mỏi mệt vì muốn quá nhiều. Chị muốn ở quê thì bán chung cư, muốn ở Hà nội thì bán đất trả nợ, tiền dư cũng đủ mua thêm một căn nữa cho thuê rồi.
- Do chị đang không muốn mất cái gì mà muốn giữ nên là vất vả khi kinh tế không trụ được. Hoặc chị cảm thấy gia đình vẫn xoay nợ được thì đi làm lại, chi tiêu sẽ đỡ hơn. Có kinh nghiệm chắc không đến nỗi không có việc ở Hà Nội. Muốn ở Hà Nội nhưng không chịu bán nhà ở quê đi, bonus (cộng) thêm đang nợ và thu nhập giảm, bạn muốn hơi nhiều so với năng lực thực tế.
- Chị mệt một phần là do gì chị cũng muốn, vừa muốn trả hết nợ, lại vừa muốn ở Hà Nội. Trong khi đó, đất thì chị không muốn bán, chung cư cũng không. Vậy chị phải ố gắng tìm việc càng sớm càng tốt để phụ chồng trả nợ, hoặc cho thuê căn đang ở dọn ra căn nhỏ hơn để có thêm tiền đỡ được đồng nào hay đồng ấy.
Đứng trước những khó khăn này, cần có sự nhìn nhận và tìm kiếm giải pháp thích hợp. Một số gợi ý cho chị D. và những ai đang trong hoàn cảnh tương tự có thể cân nhắc thực hiện:
- Xem xét các vấn đề tài chính: Đánh giá lại ngân sách hàng tháng, cắt giảm những chi tiêu không cần thiết có thể giúp giảm bớt áp lực tài chính.
- Tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp: Nếu có thể, hãy tìm kiếm việc làm mới hoặc các công việc bán thời gian để tạo thêm thu nhập. Các hình thức kinh doanh online hoặc làm freelancer cũng có thể là lựa chọn khả thi.
- Đánh giá lại quyết định về bất động sản dựa trên các tư vấn tài chính chuyên nghiệp: Cân nhắc việc bán chung cư chỉ khi thực sự cần thiết. Nếu không, có thể tìm hiểu các hình thức cho thuê để giảm bớt gánh nặng tài chính.
Cuộc sống luôn có những thách thức và khó khăn. Quan trọng là chúng ta có thể tìm thấy những giải pháp khả thi để vượt qua.
Thanh niên Việt