MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nepal chính thức cấm mang nhựa lên Everest - bước đầu giải quyết hàng tấn rác chất thành núi trên "nóc nhà của thế giới"

03-09-2019 - 20:24 PM | Sống

Băng tan trên Everest không chỉ để lộ ra xác người, mà còn là hàng tấn rác chất thành đống do người leo núi mang lên.

Biến đổi khí hậu khiến băng giá trên núi Everest tan chảy ngày một nhiều, để lộ ra những sự thật đầy kinh dị. Đó là hàng trăm xác người đã từng bỏ mạng trên con đường chinh phục nóc nhà của thế giới. Và không chỉ vậy, còn có hàng tấn rác nhựa hiện đang chất thành đống, do những người leo núi thải ra.

Nepal chính thức cấm mang nhựa lên Everest - bước đầu giải quyết hàng tấn rác chất thành núi trên nóc nhà của thế giới - Ảnh 1.


Nepal chính thức cấm mang nhựa lên Everest - bước đầu giải quyết hàng tấn rác chất thành núi trên nóc nhà của thế giới - Ảnh 2.

Để giải quyết hiện tượng này thì mới đây, chính phủ Nepal cho biết sẽ chính thức tiến hành cấm mang nhựa dùng 1 lần tại ngọn núi cao nhất thế giới này, dự tính sẽ được thực thi vào năm 2020.

Theo đó thì kể từ 1/1/2020, mọi chai nhựa đựng nước giải khát và các sản phẩm nhựa khác với độ dày ít hơn 30 micron sẽ bị cấm mang vào Khumbu Pasang Lhamu - khu vực dân cư nằm trong phạm vi núi Everest và một số ngọn núi khác. Quy định này dự kiến sẽ ngăn người leo núi mang thêm nhựa, đồng thời ngăn các cửa hàng địa phương bán sản phẩm bằng nhựa dùng 1 lần.

Đây được xem là động thái cần thiết của chính phủ Nepal, sau khi có thông tin số rác thu được quanh khu vực đỉnh Everest đã lên tới 10 tấn/năm. Tuy nhiên, quy định này hiện chưa có chế tài xử phạt đối với những ai không làm theo quy định.

Năm 2013, chính phủ Nepal đã thu mỗi đội leo núi khoản tiền $4.000 trước khi leo. Khoản tiền này sẽ được hoàn lại nếu họ mang được xuống 8kg rác thải, nhưng cuối cùng chỉ phân nửa người leo làm được điều đó. Năm 2018, tổng cộng có tới 32 tấn rác thu thập được bởi các tình nguyện viên tại Trại II (Camp 2) của Everest.

Everest đang gặp nguy hiểm

Quy định cấm hiện tại chỉ có thể ngăn được một trong những vấn đề mà Everest đang phải đối mặt.

Như đã nêu thì những năm gần đây, băng trên Everest đang tan rất nhanh, để lộ ra những thi thể người leo núi và hàng tấn rác tích tụ sau 6 thập kỷ kể từ khi Edmund Hillary chinh phục nó vào năm 1953. Với việc Trái đất đang ngày càng nóng lên, núi Everest được dự đoán có thể chẳng còn chút băng nào vào cuối thế kỷ, khi ít nhất 70% - 99% băng hà sẽ vĩnh viễn bốc hơi.

Nepal chính thức cấm mang nhựa lên Everest - bước đầu giải quyết hàng tấn rác chất thành núi trên nóc nhà của thế giới - Ảnh 3.

Làm sao để giải quyết lượng rác tồn đọng trên núi cũng là một vấn đề nan giải. Người leo núi bấy lâu nay đã để lại hàng trăm bình oxy, lều, can, đinh giày, và thậm chí là cả... chất thải. Tất cả đang khiến cho quang cảnh của một trong những Di sản thế giới do UNESCO công nhận bị đe dọa, đồng thời khiến môi trường sống của nhiều loài vật chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Khi Nepal biến Everest thành điểm du lịch, lượng du khách đã tăng gấp 8 lần vào năm 2010 so với năm 1979, và điều này đã giúp cho đời sống người dân cải thiện hơn, nhưng đổi lại là những thách thức dành cho môi trường khi du khách ngày càng đông.

Trong năm 2019, có tới 885 người leo núi - một con số kỷ lục, và hiện đã có 11 người tử vong do "tắc nghẽn giao thông" tại "vùng chết" của ngọn núi. Bởi vậy, hiện đang có đề xuất tăng gấp 3 lần giá tiền leo núi - lên 35.000 USD dành cho Everest, và $20.000 dành cho các khu vực núi xung quanh.

Nepal chính thức cấm mang nhựa lên Everest - bước đầu giải quyết hàng tấn rác chất thành núi trên nóc nhà của thế giới - Ảnh 4.

(Tham khảo: IFL Science, Science Alert)

Theo J.D

Helino

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên