MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nét mới và trái chiều trong phác họa bức tranh ngân sách 2022

Nét mới và trái chiều trong phác họa bức tranh ngân sách 2022

Bên cạnh điểm sáng khi xuất hiện 2 tân bình gia nhập nhóm có điều tiết về Trung ương, đã có nhiều khác biệt khi tăng - giảm tỷ lệ giữ lại của các địa phương trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19...

Như BizLIVE đã đề cập ở bản tin trước , Bộ Tài chính vừa công bố và lấy ý kiến về Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 mà Chính phủ trình Quốc hội.

Theo đó, Bộ Tài chính dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2022 là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 15,1% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 12,7% GDP.

Nét mới và trái chiều trong phác họa bức tranh ngân sách 2022 - Ảnh 1.

Theo Bộ Tài chính, mức dự toán nêu trên đã được tính toán kỹ trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nhân lực, doanh thu sụt giảm mạnh, việc phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cần thời gian và chi phí lớn.

Đáng chú ý, theo báo cáo được Bộ Tài chính công bố, tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương được giữ lại năm 2022 có sự thay đổi rõ rệt, với tăng giảm trái chiều.

Cụ thể, bên cạnh 6 tỉnh thành được tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại thì cũng có 6 tình thành bị giảm tỷ lệ này.

Bên cạnh đó, năm 2022 xuất hiện thêm 2 gương mặt mới trong câu lạc bộ các tỉnh "giàu" có điều tiết về ngân sách Trung ương là Hà Nam và Ninh Bình.

CÁC TỈNH ĐỀU MONG ĐƯỢC GIỮ LẠI NHIỀU HƠN, TUY NHIÊN...

Hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và TP.HCM mỗi năm chiếm tới gần 1/3 tổng thu ngân sách của cả nước. Do đó, mỗi phần trăm giữ lại hay tăng thêm về ngân sách Trung ương cũng đều là một trị không nhỏ.

Năm 2022, TP.HCM dự kiến được tăng tỷ lệ điều tiết giữ lại từ 18% lên 21%. Dù không phải là tỷ lệ 23% như lãnh đạo thành phố này kỳ vọng, tuy nhiên phần 3% tăng thêm này cũng đem lại cho TP.HCM gần 6.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, với mức thu ngân sách dự kiến năm 2022 là gần 386.570 tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với dự toán của 2021, dự kiến TP.HCM sẽ vẫn tiếp tục đóng góp nhiều nhất vào NSNN, tương đương khoảng 1/4 tổng thu ngân sách của các địa phương.

Trong khi đó, dù cũng là địa phương đề nghị được Chính phủ tăng tỷ lệ điều tiết phần ngân sách giữ lại, tuy nhiên tỷ lệ này của Hà Nội dự kiến giảm từ 35% xuống 32%. Khoản 3% này tương đương số gần 5.000 tỷ đồng.

Năm 2022, các khoản thu phân chia của Hà Nội là gần 165.800 tỷ đồng và với tỷ lệ điều tiết ngân sách Thành phố được giữ lại là 32%, Hà Nội được hưởng hơn 53.160 tỷ đồng. Cùng với phần Hà Nội được hưởng 100% là gần 45.800 tỷ đồng thì tổng thu ngân sách giữ lại theo phân cấp của Thủ đô năm 2022 là 98.900 tỷ đồng.

Nét mới và trái chiều trong phác họa bức tranh ngân sách 2022 - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo của Bộ Tài chính.


Không chỉ riêng Hà Nội, có thể thấy, hầu hết các địa phương có phần thu ngân sách được điều tiết về Trung ương đều có mong muốn được giữ lại nhiều hơn để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cách đây không lâu, ông Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách tỉnh giai đoạn 2022-2025 từ 47% lên 49%, tạo điều kiện cho địa phương có thêm nguồn ngân sách để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và tạo tiền đề cho tỉnh hoàn thành tốt các mục tiêu.

Đồng Nai là địa phương có tỷ lệ điều tiết dự kiến bị giảm từ 47% về 45% trong năm 2022.

Cùng với Đồng Nai, có 5 địa phương khác theo kế hoạch sẽ bị giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương được hưởng. Trong đó, như trên có Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu (64% xuống 56%), Quảng Ninh (65% xuống 56%), Hài Phòng (78% xuống 70%) và Bắc Ninh (83% xuống 74%).

"MONG CÁC ĐỊA PHƯƠNG THÔNG CẢM..."

Như đã nêu, bên cạnh 6 địa phương bị giảm tỷ lệ điều tiết được giữ lại thì cũng có 6 tỉnh thành khác được tăng tỷ lệ này. Ngoài TP.HCM (đã kể trên) thì có 5 địa phương khác là Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hưng Yên, Quảng Ngãi.

Ba cái tên đáng chú ý nhất là Đà Nẵng (nâng từ 68% lên 91%) và Quảng Ngãi (88% lên 97%) và Khánh Hòa (72% lên 98%).

Đà Nẵng và Khánh Hòa là hai địa phương có tỷ trọng ngành dịch vụ, du lịch chiếm tỷ lệ cao trong thu ngân sách và chịu ảnh hưởng nặng nề từ 4 làn sóng COVID-19 trong 2 năm qua. Trong khi đó Quảng Ngãi là địa phương năm 2020 gây chú ý thời gian qua khi là tỉnh duy nhất lâm vào cảnh  mất cân đối thu chi nghiêm trọng , phải đề nghị sự hỗ trợ từ Trung ương.

Liên quan đến tỷ lệ điều tiết ngân sách này, tại diễn đàn Quốc hội ngày 9/11, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết mong các tỉnh, thành phố "giàu" hết sức thông cảm, bởi Trung ương còn đang lo cho 47 tỉnh nghèo.

Qua đó, ông Phớc cũng cho rằng vấn đề quan trọng không phải tỷ lệ điều tiết ngân sách mà là mức chi không thấp hơn năm trước.

Như với TP.HCM, giai đoạn 2017- 2021, tỷ lệ điều tiết là 18%, tổng chi ngân sách hơn 60.300 tỷ đồng, tức bình quân 7,1 triệu đồng/người. Đến 2021, tổng chi hơn 69.000 tỷ đồng, tức bình quân 7,4 triệu đồng/người. Đến năm 2022, dự kiến xây dựng hơn 84.000 tỷ đồng, tức bình quân 8,8 triệu đồng/người.

Đối với Đồng Nai, năm 2017, chi ngân sách hơn 17.400 tỷ đồng, đến 2021 lên hơn 19.700 tỷ đồng, và đến năm 2022 dự kiến hơn 21.200 tỷ đồng. Cũng tại địa phương này, Nhà nước đang đầu tư Sân bay Long Thành với 109.000 tỷ đồng và một số hạ tầng đã được quyết trong kế hoạch đầu tư công hơn 11.000 tỷ đồng.

Nét mới và trái chiều trong phác họa bức tranh ngân sách 2022 - Ảnh 3.

Cho ý kiến về dự toán ngân sách năm tới, Theo chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, cân đối ngân sách là một bài toán khó, trong bối cảnh ngân sách càng eo hẹp, thì càng phải co kéo, như tục ngữ có câu "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm".

Ông Tuấn đánh giá nhiều địa phương thời gian qua đã cố gắng co đến mức không thể co thêm, song vẫn thấy không ít địa phương chưa thấy co.

Theo chuyên gia này, các địa phương vùng động lực, trong đó có TP.HCM, có lẽ cũng khó trông chờ hơn ở Trung ương. Do đó, nếu không có tiền hỗ trợ thì cho cơ chế đặc thù.

Cụ thể, các địa phương này cần được phân cấp ngân sách một cách thực chất hơn, thay vì chỉ là phân cấp quản lý ngân sách, đặc biệt là các chính sách khơi thông nguồn thu từ các khoản thu địa phương được hưởng 100%, nhất là chính sách thuế nhà đất.

Bên cạnh đó, các khoản thu do Trung ương hưởng 100%, như thuế xuất nhập khẩu, cũng cần được chia sẻ lại một phần để đầu tư cho vùng có hạ tầng ngoại thương như cảng biển…

Theo Báo cáo công khai dự toán NSNN năm 2022: dự kiến mức bội chi NSNN là 372,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 4% GDP (bằng tỷ lệ dự toán năm 2021). Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 21-22% tổng thu NSNN. Đến cuối năm 2022, nợ công khoảng 43-44% GDP. Dựa trên:

Tổng thu cân đối NSNN trong năm 2022 là 1.411,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 3,4% so với ước thực hiện năm 2021. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,1% GDP, trong đó thu từ thuế, phí khoảng 12,7% GDP.

Cụ thể, dự toán thu nội địa là 1.176,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 83,4% tổng thu cân đối NSNN, tăng khoảng 3,8% so với ước thực hiện năm 2021; Dự toán thu dầu thô 28,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 2% tổng thu cân đối NSNN trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước gần 7 triệu tấn, giá dầu dự toán khoảng 60USD/thùng; Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 199 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,1% tổng thu cân đối NSNN; Dự toán thu viện trợ 7,8 nghìn tỷ đồng.

Dự toán chi cân đối NSNN năm 2022 là 1.784,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,5% so dự toán năm 2021. Trong đó, dự kiến bố trí dự toán chi NSNN cho một số nhiệm vụ chủ yếu cụ thể như sau:

Chi đầu tư phát triển khoảng 526,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,5% tổng chi NSNN, tăng 10,2% so dự toán năm 2021; Chi trả nợ lãi khoảng 103,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng chi NSNN, giảm 5,8% so với dự toán năm 2021.

Chi thường xuyên dự kiến 1.111,19 nghìn tỷ đồng, chiếm 62,2% tổng chi NSNN, tăng 5,1% so với dự toán năm 2021. Trong đó, tập trung bố trí tăng chi một số chính sách an sinh xã hội quan trọng, phát sinh mới.

Theo Tuấn Việt

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên