MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu chưa nỗ lực đủ 10.000 giờ, đừng mong thành công: Câu chuyện về “10 năm chờ thời” của thiên tài âm nhạc Mozart và “luyện tập có mục đích” của ngôi sao bóng rổ Kobe Bryant

04-05-2019 - 08:42 AM | Sống

Khi mới bắt đầu, bạn dễ cảm thấy mình là kẻ thất bại. Cảm giác chật vật, bất lực có thể thúc đẩy bạn tiến bộ và trưởng thành. Những điều có vẻ không đáng giá và ít được công nhận chính là cái giá bạn phải trả để có thể tìm ra việc bạn làm tốt nhất. Nói cách khác, những điều mới nhìn giống như thất bại chính là nền móng của thành công.

Bạn mất bao lâu để trở thành bậc thầy trong lĩnh vực bạn đã chọn? Những người thành công trong sự nghiệp có gì khác so với người thường chúng ta?

Đó là điều John Hayes, giáo sư tâm lý học tại Đại học Carnegie Mellon từng trăn trở. Hayes dành nhiều thập kỷ nghiên cứu về vai trò của nỗ lực, rèn luyện và tri thức ở những cá nhân xuất sắc nhất thuộc nhiều lĩnh vực. Giáo sư đã tìm hiểu về những nhân vật tài năng nhất trong lịch sử - ví như Mozart và Picasso - để tìm câu trả lời cho câu hỏi người ta mất bao lâu để tên tuổi đạt đến đẳng cấp thế giới trong lĩnh vực của mình. Ông cũng nghiên cứu cách những cá nhân nổi bật này rèn luyện để đạt đến thành công.

“10 năm chờ thời”

Hayes bắt đầu nghiên cứu từ những nhà soạn nhạc thành công nhất. Ông tiến hành phân tích hàng nghìn bản nhạc được soạn trong khoảng thời gian từ 1685 đến 1900. Câu hỏi mà nghiên cứu xoay quanh làm rõ chính là: “Mất bao lâu từ khi một người bắt đầu hứng thú với âm nhạc đến khi tên tuổi của họ được toàn thế giới biết đến?”

Ông này tập hợp danh sách 500 bản nhạc được chơi thường xuyên bởi các dàn nhạc giao hưởng trên khắp thế giới và được giới chuyên môn đánh giá là “tuyệt tác”. 500 bản nhạc nổi tiếng này được sáng tác bởi tổng cộng 76 nhà soạn nhạc.

Tiếp theo, Hayes nghiên cứu các mốc thời gian trong sự nghiệp của mỗi nhà soạn nhạc, tính toán khoảng thời gian kể từ khi họ bắt đầu sự nghiệp đến khi những đứa con tinh thần trở nên nổi tiếng toàn thế giới. Ông này phát hiện ra rằng gần như mọi “kiệt tác” đều được soạn sau năm thứ mười kể từ khi chủ nhân bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật. (Trong 500 bản nhạc chỉ có 3 ngoại lệ được soạn vào năm tứ 8 và thứ 9 trong sự nghiệp của người sáng tác các kiệt tác này.)

Nếu chưa nỗ lực đủ 10.000 giờ, đừng mong thành công: Câu chuyện về “10 năm chờ thời” của thiên tài âm nhạc Mozart và “luyện tập có mục đích” của ngôi sao bóng rổ Kobe Bryant - Ảnh 1.

Không ai có thể tạo ra kiệt tác mà không mất một thập kỷ để luyện tập. Thiên tài như Mozart cũng phải làm việc miệt mài ít nhất 10 năm mới có thể cho ra đời những tác phẩm nổi tiếng. Giáo sư Hayes gọi khoảng thời gian vất vả và ít được công nhận này là “10 năm chờ thời”.

Trong những nghiên cứu sau này, Hayes tìm thấy điểm tương đồng ở các hoạ sĩ, nhà thơ nổi tiếng. Những phát hiện này về sau càng được củng cố bởi nghiên cứu từ các giáo sư như K. Anders Ericsson, người có nghiên cứu chỉ ra bạn cần bỏ ra “10.000 giờ” để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực. (Ý tưởng này được phổ biến rộng rãi nhờ diễn giả người Canada Malcolm Gladwell.)

Tuy nhiên, càng đi sâu vào nghiên cứu, Hayes, Ericsson và các nhà nghiên cứu khác phát hiện ra rằng thời gian chỉ là một phần trong cả phép tính. Thành công không đơn giản là sản phẩm của 10 năm hay 10.000 giờ luyện tập. Để biết chính xác bạn cần làm gì để tận dụng được tiềm năng của mình và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực bạn đã chọn, hãy xem cách những cá nhân nổi bật nhất đã khổ luyện như thế nào.

Thói quen luyện tập của siêu sao bóng rổ giải NBA Kobe Bryant sẽ là một ví dụ chân thực để bạn tham khảo…

Nếu chưa nỗ lực đủ 10.000 giờ, đừng mong thành công: Câu chuyện về “10 năm chờ thời” của thiên tài âm nhạc Mozart và “luyện tập có mục đích” của ngôi sao bóng rổ Kobe Bryant - Ảnh 2.

Chân dung Kobe Bryant.

Kobe Bryant đã đạt đến đỉnh cao sự nghiệp như thế nào

Kobe Bryant là một trong những vận động viên bóng rổ thành công nhất mọi thời đại. Giữ chức vô địch 5 mùa giải NBA, giành 2 huy chương vàng Olympic, Bryant sở hữu khối tài sản ròng lên đến 200 triệu đô trong sự nghiệp thi đấu của mình.

Năm 2012, Bryant trở thành thành viên của đội tuyển bóng rổ Mỹ. Trong khoảng thời gian này, một huấn luyện viên thể lực của đội tuyển Mỹ tên Robert đã làm việc với Kobe để chuẩn bị cho kỳ Olympics. Câu chuyện phía dưới đã được đăng trên trang Reddit tiết lộ những chia sẻ của Robert trong khoảng thời gian cùng làm việc với Kobe, bật mí một trong những lý do tại sao siêu sao bóng rổ này lại có thể đạt được đỉnh cao danh vọng như vậy.

Robert, huấn luyện viên của đội tuyển Mỹ:

"Tôi được mời đến Las Vegas để hỗ trợ về mặt thể lực cho đội tuyển Mỹ trước khi họ lên đường sang London. Tôi đã có cơ hội làm việc chung với Carmelo Anthony và Dwyane Wade nhưng với Kobe thì đây là lần đầu tiếp xúc.

Đêm trước buổi luyện tập đầu tiên, tôi xem bộ phim “Casablanca” đến tận 3:30 sáng. Vài phút sau tôi bắt đầu đi nằm, khi giấc ngủ đang chập chờn kéo đến thì điện thoại rung chuông. Là cuộc gọi của Kobe. Tôi hồi hộp nhấc máy.

“Uhh, Rob à, tôi không làm phiền anh chứ?”

“Uhh, không. Có gì không Kob?”

“Anh có thể giúp tôi với một số bài tập thể lực không, chỉ vậy thôi.”

Tôi nhìn đồng hồ. 4:15 sáng.

“Được chứ, hẹn anh ở phòng tập một lát nữa.”

Tôi mất khoảng 20 phút để chuẩn bị dụng cụ và rời khách sạn. Khi tôi đến nơi và mở cánh cửa dẫn vào khu luyện tập, tôi nhìn thấy Kobe. Một mình. Người anh ấy đầm đìa mồ hôi như mới đi lên từ bể bơi. Lúc đó còn chưa tới 5 giờ sáng.

Nếu chưa nỗ lực đủ 10.000 giờ, đừng mong thành công: Câu chuyện về “10 năm chờ thời” của thiên tài âm nhạc Mozart và “luyện tập có mục đích” của ngôi sao bóng rổ Kobe Bryant - Ảnh 3.

Chúng tôi thực hiện một số bài tập thể lực trong 1 giờ 15 phút tiếp theo. Sau đó chúng tôi sang phòng tập tạ, Kobe tập một chuỗi các bài tập rèn sức bền trong 45 phút tiếp theo. Rồi chúng tôi chia tay nhau. Anh ấy quay lại phòng tập để luyện ném rổ còn tôi về khách sạn nghỉ ngơi. Wow.

Tôi phải có mặt ở phòng tập vào khoảng 11:00 trưa.

Tôi thức dậy với cảm giác buồn ngủ, uể oải và đủ mọi triệu chứng của việc thiếu ngủ. (Nhờ Kobe.) Tôi ăn một chiếc bánh mì rồi đến phòng tập.

Diễn biến tiếp theo tôi nhớ rất rõ. Cả đội tuyển bóng rổ Mỹ đều đang ở đó. LeBron đang nói chuyện với Carmelo và huấn luyện viên Krzyzewski đang cố giải thích điều gì đó với Kevin Durant. Ở phía bên phải của phòng tập, Kobe đang ném rổ một mình.

Tôi đi về phía Kobe, vỗ vào lưng anh ấy, “Sáng nay anh làm rất tốt.”

“Hả?”

“Tập thể lực ấy. Anh làm tốt lắm.”

“Ồ. Cảm ơn Rob. Tôi rất cảm kích.”

“Thế mấy giờ anh xong?”

“Xong gì cơ?”

“Ném rổ ấy. Mấy giờ anh rời phòng tập?”

“À, vừa xong. Tôi muốn ném 800 quả. Tôi vừa mới xong đây.”

Vậy là Kobe Bryant bắt đầu tập thể lực vào khoảng 4:30 sáng, tiếp tục chạy cho đến 6 giờ sáng, nâng tạ từ 6 đến 7 giờ sáng và cuối cùng là ném rổ 800 quả từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa.

Và sau đó thì cả đội tuyển bắt đầu luyện tập.

Hiển nhiên là Kobe đang dùng đến 10.000 giờ của anh ấy, nhưng câu chuyện vẫn còn một phần khác quan trọng hơn."

Nếu chưa nỗ lực đủ 10.000 giờ, đừng mong thành công: Câu chuyện về “10 năm chờ thời” của thiên tài âm nhạc Mozart và “luyện tập có mục đích” của ngôi sao bóng rổ Kobe Bryant - Ảnh 4.

Tầm quan trọng của luyện tập có mục đích

Kobe không chỉ đơn thuần có mặt ở phòng tập và luyện tập trong nhiều giờ. Anh ấy luyện tập có mục đích.

Kobe đặt ra một mục tiêu rất rõ ràng: ném rổ 800 quả. Anh ấy toàn tâm toàn ý luyện tập để cải thiện thành tích của mình. Thời gian dành ra để đạt mục tiêu chỉ là thứ yếu. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng thực chất nó khác xa với cách người thường chúng ta tiếp cận công việc của mình.

Phần lớn mọi người khi nói đến chuyện làm việc chăm chỉ, họ lấy lượng thời gian mình làm việc làm thước đo. (Ví dụ: “Tuần vừa rồi tôi làm việc 60 giờ!”)

Bỏ nhiều thời gian đã đủ làm bạn mệt nhưng chỉ làm việc nhiều thôi vẫn chưa đủ (kể cả khi bạn đã dùng hết 10.000 giờ). Điều này khác với việc luyện tập có mục đích. Phần lớn những người nghĩ mình chăm chỉ mới chỉ đơn thuần cải thiện kỹ năng đi đến phòng tập gym chứ không phải kỹ năng ném bóng vào rổ.

Vẫn với ví dụ về bóng rổ, mời bạn xem xét trường hợp sau đây:

“Thử tưởng tượng hai vận động viên bóng rổ cùng luyện tập ném rổ trong một giờ. Người chơi A ném 200 quả, người chơi B ném 50 quả. Người chơi B tự đi nhặt bóng, dẫn bóng một cách ung dung và nghỉ nhiều lần để nói chuyện với bạn. Người chơi A có một người đồng nghiệp nhặt bóng cho sau mỗi lần ném và ghi lại những lần bóng vào rổ. Nếu bóng không vào rổ, người đồng nghiệp sẽ ghi chú lại vì cú ném đó quá ngắn, dài hay lệch trái, lệch phải và người chơi xem lại kết quả sau mỗi 10 phút luyện tập. 

Nếu coi hiệu suất luyện tập của hai người là như nhau thì khó chính xác. Giả sử đây là hình thức luyện tập thường ngày của hai người chơi, kỹ năng của cả hai tương tự nhau ở thời điểm ban đầu, theo bạn ai sẽ là người ném rổ tốt hơn sau 100 giờ luyện tập?”

—Aubrey Daniels

Cả hai người chơi trong câu chuyện trên đều có thể đi khoe khoang rằng mình đã luyện tập trong một tiếng nhưng chỉ có một người luyện tập có mục đích.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những người thành công nhất trong các lĩnh vực đều chăm chỉ luyện tập một cách có mục đích. Những hoạ sĩ, vận động viên, CEO, nhà khởi nghiệp giỏi nhất không chỉ đơn thuần làm việc nhiều, họ tập trung phát triển một số kỹ năng cụ thể. Ví dụ như chiến thuật “don’t break the chain” (“đừng phá vỡ chuỗi”) của danh hài nổi tiếng người Mỹ Jerry Seinfeld nói về việc luyện tập có mục đích kỹ năng viết truyện cười.

Nếu chưa nỗ lực đủ 10.000 giờ, đừng mong thành công: Câu chuyện về “10 năm chờ thời” của thiên tài âm nhạc Mozart và “luyện tập có mục đích” của ngôi sao bóng rổ Kobe Bryant - Ảnh 5.

Áp dụng bài học này vào cuộc sống của bạn

Mozart được tôn vinh là “thiên tài của những thiên tài” nhưng ông cũng phải chật vật suốt 19 năm trước khi những tác phẩm bất hủ ra mắt công chúng. Tôi không biết bạn thấy sao nhưng cá nhân tôi thấy câu chuyện này rất gợi cảm hứng.

Bạn cũng có thể tiếp cận với công việc, mục tiêu của mình theo cách tương tự. Bằng cách kết hợp giữa sự quyết tâm của “10 năm chờ thời” và sự tập trung của “luyện tập có mục đích”, bạn có thể vượt qua nhiều người.

Trong đời sống thường nhật, điều này không cần thể hiện quá to tát. Khi mới bắt đầu, bạn dễ cảm thấy mình là kẻ thất bại. Cảm giác chật vật, bất lực có thể thúc đẩy bạn tiến bộ và trưởng thành. Những điều có vẻ không đáng giá và ít được công nhận chính là cái giá bạn phải trả để có thể tìm ra việc bạn làm tốt nhất. Nói cách khác, những điều mới nhìn giống như thất bại chính là nền móng của thành công.

May là chỉ một giờ tập trung và luyện tập có mục đích mỗi ngày có thể đem đến kết quả bất ngờ trong dài hạn. Một giờ đó cũng đưa chúng ta đến với câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng nhất:

Hôm nay bạn có đang làm việc chăm chỉ vì 10 năm chờ thời không? Bạn có tập trung cải thiện một số kỹ năng cụ thể không? Hay bạn chỉ đang giết thời gian của mình và mơ mộng về kết quả tốt đẹp?

Theo Phương Thảo

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên