MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu đầu năm chỉ cần 100 ngàn đồng là tự tin đổ xăng đầy bình xe máy, thì hôm nay bạn phải trả tới 130 ngàn, chuyện gì đang xảy ra vậy?

13-07-2021 - 17:50 PM | Thị trường

Nếu đầu năm chỉ cần 100 ngàn đồng là tự tin đổ xăng đầy bình xe máy, thì hôm nay bạn phải trả tới 130 ngàn, chuyện gì đang xảy ra vậy?

Giá xăng dầu tăng sẽ ảnh hưởng mạnh đến khả năng hồi phục kinh tế của nhiều ngành như du lịch, hàng không, vận tải...

Từ 15h hôm qua 12/7, Liên Bộ Công thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu trong nước đều tăng. Cụ thể, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 867 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 850 đồng/lít. Mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 20.610 đồng/lít và xăng RON 95 là 21.783 đồng/lít. Với các mặt hàng dầu, giá bán lẻ của dầu hoả là 15.500 đồng một lít, tăng 450 đồng; dầu diesel là 16.530 đồng một lít, tăng 420 đồng; dầu madut là 15.670 đồng một kg, tăng 230 đồng.

Như vậy, sau ba lần tăng giá liên tiếp kể từ cuối tháng 5, giá xăng đã đạt mức đỉnh trong vòng 2 năm, cao nhất kể từ tháng 5/2019. Nếu tính từ đầu năm, giá xăng đã tăng gần 30%.

Nếu đầu năm chỉ cần 100 ngàn đồng là tự tin đổ xăng đầy bình xe máy, thì hôm nay bạn phải trả tới 130 ngàn, chuyện gì đang xảy ra vậy? - Ảnh 1.

Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong thời gian vừa qua. Nguồn: Bộ Công Thương

Việc giá nhiên liệu như xăng dầu tăng mạnh sẽ tác động lớn đến các loại hình xe cơ giới sử dụng xăng, dầu như ô tô, xe máy các loại, chi phí vận tải người và hàng hóa vì thế cũng sẽ tăng lên. Ngay cả với nhu cầu xe cá nhân, chi phí đi lại cũng sẽ tăng theo giá xăng. Giả sử một người chạy xe tay ga (chẳng hạn loại xe Honda Lead, dung tích bình xăng khoảng 6 lít), đầu năm 2021 chỉ mất khoảng 100 ngàn đồng để đổ đầy bình xăng RON95, thì giờ đây người đó phải trả tới 130 ngàn đồng cho cùng thể tích và cùng loại xăng.

Việc tăng giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng lớn từ xu hướng tăng giá trên thị trường dầu thế giới trong thời gian qua. Giá dầu thô trong vài tháng qua đã tăng liên tục và tại một số thị trường, giá xăng bình quân đã lên mức cao nhất 7 năm qua bất chấp tình hình đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế chịu ảnh hưởng.

Vậy điều gì đang diễn ra khi nền kinh tế chưa hoàn toàn khôi phục trước đại dịch nhưng giá xăng dầu đã tăng mạnh?

1. Nhu cầu bật tăng trở lại

Năm 2020, đại dịch Covid-19 lan ra khắp thế giới khiến nhu cầu sử dụng xăng dầu giảm mạnh. Mọi người ngừng du lịch hay đi lại vì lo sợ nhiễm bệnh và thị trường xăng dầu ngày một ẩm đạm. Hệ quả tất yếu là các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng. Thậm chí những nhà xuất khẩu dầu thô lớn như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đã có đợt cắt giảm sản lượng lớn chưa từng có trong lịch sử vào giữa năm 2020.

Nếu đầu năm chỉ cần 100 ngàn đồng là tự tin đổ xăng đầy bình xe máy, thì hôm nay bạn phải trả tới 130 ngàn, chuyện gì đang xảy ra vậy? - Ảnh 2.

Giá dầu Brent quốc tế từ đầu năm đến nay (USD/thùng)

Giá dầu Brent quốc tế từ đầu năm đến nay (USD/thùng)

Giờ đây khi những nền kinh tế lớn như Mỹ hay Trung Quốc hồi phục trở lại nhờ Vaccine thì nhu cầu xăng dầu lại đi lên. Số liệu tại Mỹ cho thấy tổng số người đi lại trong ngày kỷ niệm quốc khánh 4/7 của Mỹ đã đạt mức kỷ lục.

Như một hệ quả tất yếu, giá dầu bắt đầu đi lên do ngày càng nhiều người cần sử dụng chúng.

2. Nguồn cung yếu

Mặc dù cầu tăng mạnh nhưng nguồn cung xăng dầu lại chưa hoàn toàn khôi phục như thời kỳ trước đại dịch. Những nước xuất khẩu dầu chính như Nga hay tổ chức OPEC đều tăng sản lượng rất chậm với mục đích thúc đẩy giá dầu lên cao, qua đó thu được nhiều lợi nhuận hơn.

Đối với những nhà khai thác dầu mỏ Mỹ, nếu trước đây việc khai thác dầu đá phiến tại Mỹ bùng nổ đẩy giá dầu lao dốc thì nay, những nhà đầu tư phố Wall đã nhận ra được bài học đắt giá. Dù công nghệ và năng suất của các nhà khai thác có thể nâng cao hơn nhưng những nhà đầu tư lại yêu cầu họ giữ sản lượng để sinh lời ở mức giá cao thay vì liên tục khai thác rồi đẩy toàn ngành vào cơn khủng hoảng.

3. Cuộc đấu đá nội bộ của OPEC

Tổ chức OPEC và một số nước xuất khẩu dầu mỏ lớn như Nga (OPEC ) đã có những cuộc họp gần đây để đàm phán về sản lượng. Thế nhưng việc giữ sản lượng thế nào trong bối cảnh giá dầu tăng cũng khiến các nước xung đột.

Mặc dù giữ sản lượng sẽ kích thích giá dầu đi lên do nhu cầu trở lại nhưng chúng cũng kìm hãm một số nước trong việc tăng số dầu bán ra để thu lợi. Trong khi những thành viên thuộc OPEC như UAE muốn tăng sản lượng khai thác để tranh thủ giá dầu cao thì Ả Rập Xê Út lại phản đối điều này.

Sự bất đồng trong quan điểm giữa các thành viên dẫn tới hệ lụy là chẳng có quyết định hay tuyên bố nào được đưa ra cả. OPEC vẫn sẽ giữ sản lượng như cũ và thế giới vẫn sẽ thiếu dầu.

4. Tương lai cho giá dầu

Theo nhận định của các chuyên gia, câu chuyện đấu đá nội bộ trong OPEC cũng như những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn có thể dẫn đến nhiều hệ luỵ.

Nếu đầu năm chỉ cần 100 ngàn đồng là tự tin đổ xăng đầy bình xe máy, thì hôm nay bạn phải trả tới 130 ngàn, chuyện gì đang xảy ra vậy? - Ảnh 3.

Giá dầu Brent trong tuần trước (USD/thùng)

Giá dầu Brent trong tuần trước (USD/thùng)

Nếu OPEC và Nga không thể đi đến một thỏa thuận tăng sản lượng và giữ nguyên như hiện nay thì với đà tăng của nhu cầu hiện nay, giá dầu có thể lên đến 90 USD/thùng. Mức giá này sẽ tác động tiêu cực đến nhiều nền kinh tế, làm tăng giá xăng cũng như khiến hàng loạt ngành như du lịch, hàng không, vận tải... khó hồi phục sau đại dịch hơn.

Trong trường hợp các nước xuất khẩu dầu không thể thống nhất và mỗi người tự động tăng sản lượng theo ý mình nhằm tận dụng mức giá cao thì thị trường sẽ lại ngập nguồn cung, qua đó hạ giá xuống. Kịch bản này sẽ tác động tiêu cực đến chính những nhà xuất khẩu dầu.

Thế nhưng dù ý thức được việc tăng sản lượng sẽ tạo áp lực hạ giá dầu, một số quốc gia xuất khẩu chính vẫn muốn nâng công suất khai thác để tăng nguồn thu, bù đắp ngân sách hiện đang bị xói mòn do đại dịch Covid-19.

Trong tuần trước, giá dầu đã lên mức đỉnh hồi đầu tuần sau thông tin OPEC không đạt được thỏa thuận để rồi nhanh chóng mất giá trước viễn cảnh biến thể của dịch Covid-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu tốn nhiều thời gian hồi phục hơn.

Tất nhiên, một kịch bản tích cực nhất là OPEC cùng những nước xuất khẩu dầu chính có thể đạt thỏa thuận tăng sản lượng hợp lý nhằm vừa giữ được giá dầu vừa tăng nguồn thu. Tuy nhiên với tình hình phức tạp của dịch bệnh hiện nay, còn quá sớm để khẳng định dầu mỏ sẽ trở lại thời hoàng kim với mức giá vượt 100 USD/thùng.

Theo Băng Băng

Doanh nghiệp và tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên