Nếu đối tác hẹn bàn công chuyện trùng thời gian đã hẹn bạn gái, tôi sẽ từ chối đối tác: Học tác phong lên lịch hẹn trước 1 tuần, tập trung 100% cho việc đang làm
Chúng ta đi làm để có tiền mua hạnh phúc, mua tiện nghi, mua thời gian. Nhưng không nhất thiết chúng ta phải hi sinh 20-30 năm cuộc đời cho việc đi làm tối mắt tối mũi. Thực tế, nếu ta biết cách, ta có thể tận hưởng được ngay từ bây giờ.
- 14-09-2019Hay trì hoãn công việc không có deadline, đây là những cách khiến bạn có động lực làm ngay lập tức mọi việc
- 14-09-20197 dấu hiệu cảnh báo đường huyết cao, dễ gây tổn hại gan, tim, mắt: Không chỉ bệnh nhân đái tháo đường mới bị, tuyệt đối đừng chủ quan!
- 14-09-2019Cuộc so tài giữa nước mắm Việt Nam và nam pla Thái Lan qua góc nhìn của nhà báo nước ngoài: Đâu mới là "nữ hoàng gia vị" của các món ăn?
Mấy bữa nay tôi cứ băn khoăn mãi trong đầu một câu hỏi: Chúng ta đi làm để làm gì?. Hay diễn giải ra một cách hiểu khác là: "Tại sao đa số chúng ta phải bỏ ra thời gian ban ngày để đến công ty để đi làm."
Hiện tại bản thân tôi đang thấy được hai câu trả lời cho câu hỏi trên đó là:
1) Chúng ta đi làm để kiếm tiền. Nhưng tôi nghĩ rằng tiền chỉ là phương tiện thôi. Tiền đó chúng ta dùng để mua niềm hạnh phúc cá nhân, thời gian với người thân yêu và sự tự do cho bản thân.
2) Chúng ta đi làm để tìm kiếm ý nghĩa. Cuộc đời một người mà chẳng có ý nghĩa thì giống như ta bước vào một con đường mà không biết mình đang đi đâu. Nên việc đi làm mang lại cho ta ý nghĩa.
Vậy chốt lại, đi làm giúp ta có được những tận hưởng cá nhân, thêm thời gian với người thân yêu, thêm sự tự do cho bản thân sau này và có ý nghĩa để tồn tại.
Chính vì những mục đích đó (và có thể cả những mục đích khác), tôi thấy rằng rất nhiều người đang bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức của bản thân để cống hiến cho công việc. Biểu hiện của việc đó là luôn luôn có mặt ở công ty rất sớm và về rất muộn, luôn luôn sẵn sàng cho công việc khi được giao. Những người này luôn tự nhủ với bản thân rằng, cố gắng vài năm tuổi trẻ, sau này già sẽ tận hưởng những thứ ở trên sau.
Nhưng như vậy có đúng không nhỉ? Tôi tự đặt ra câu hỏi.
Tại sao ta không tận hưởng luôn từ bây giờ?
Tại sao tuổi trẻ phải cày cuốc, về già với dành thời gian xả hơi, cho gia đình, cho sự tự do của bản thân? Rõ ràng những điều đó ta có thể tìm luôn từ bây giờ. Vậy ta có thể tận hưởng những cái đó bằng cách nào?
1. Tạo thói quen buổi sáng
Tôi quan sát thấy rằng, dù là học sinh, người mới đi làm hay đã đi làm nhiều năm, thông thường buổi sáng trước 8 giờ sáng đều có thể gọi là thời gian riêng cho bản thân mình.
Thời gian riêng cho bản thân mình hiếm hoi lắm nhé. Đó là khoảng thời gian mình không phải lo nghĩ gì về áp lực công việc cả, không bị bạn bè rủ rê, không bị sếp giao việc, nói chung là chẳng có ai làm phiền cả.
Nếu bạn đang có được khoảng thời gian đó, hãy biết trân trọng và giữ nó. Đừng tranh thủ lôi thêm việc về nhà để làm buổi sáng. Đừng hẹn hò với ai vào giờ này (thi thoảng thì được), thay vào đó hãy xây dưng một danh sách thói quen buổi sáng cố định cho riêng mình.
Nếu các bạn đã đọc nhiều sách self-help, các bạn sẽ thấy rằng, người nổi tiếng nào cũng có một danh sách các việc mà họ thường làm buổi sáng sau khi ngủ dậy hết. Và nếu bạn chưa có thì cũng nên lập ngay một danh sách.
Nếu bạn dậy từ 4 giờ sáng, bạn có tận 4 tiếng riêng cho bản thân. Nếu 6 giờ bạn mới dậy, 2 tiếng cũng là khá tốt rồi.
Một số thói quen mà tôi đang làm đều đặn các buổi sáng, các bạn có thể tham khảo, không nhất thiết phải làm theo hết:
Gấp chăn màn gọn gàng sau khi ngủ dậy. Uống một ly nước mật ong và chanh. Học tiếng Tây Ban Nha trên Duolingo. Chống đẩy 100 cái. Đọc ít nhất một chương sách. Tự nấu đồ ăn sáng. Tắm nước lạnh. Thiền 5 phút bằng cách ra ban công nhìn xung quanh và hít thở không khí trong lành.
2. Tự tạo thời gian cho bản thân và cho người thân yêu
Nếu mục tiêu của bạn là muốn có thêm thời gian cho bản thân hoặc có thêm thời gian cho ba mẹ, người yêu hay ai đó quan trọng – bạn phải tự mình tạo ra thôi. Đừng chờ đến khi ít việc thì mới sắp xếp.
Chúng ta hay có thói quen là: làm hết việc thì mới dành thời gian nghỉ ngơi; gặp hết đối tác rồi mới dành thời gian cho vợ/người yêu/ba mẹ;
Ta luôn coi công việc trước, mà lúc nào cũng lại muốn cân bằng cuộc sống, vậy đâu có được.
Giải pháp tôi làm đó là, ngay từ đầu tuần phải lên lịch cho việc chơi và thời gian cho người quan trọng. Ít hay nhiều chưa biết, nhưng phải có.
Ví dụ, ban ngày tôi đi làm toàn thời gian. Tối và cuối tuần thì tôi thường có lớp dạy thêm. Tuy nhiên, tuần nào cũng vậy, tôi luôn để vào lịch 1 buổi tối rảnh cho bản thân và 1 buổi tối rảnh cho người thương. Tôi coi hai lịch này quan trọng và khẩn cấp giống như việc họp với tổng giám đốc vậy, không thể thay thế được. Vì nó quan trọng, nên tôi sẽ không để việc gì đó xen vào lịch này.
Ví dụ, nếu tôi đã có lịch thứ 5 đi chơi với bạn gái từ đầu tuần, bỗng đến sát ngày có một lịch hẹn đối tác đúng giờ đó thì sao? Tôi sẽ từ chối đối tác vì đã có lịch rồi. Đương nhiên, để làm được điều này, các bạn nên tập trước thói quen lên lịch cho 1 tuần, tức là bất kỳ lịch gặp gỡ nào đều phải hẹn trước 1 tuần – bắt chước tác phong của giám đốc cho quen.
3. Hãy tập trung 100% cho việc mình đang làm
Bất kỳ việc gì, không chỉ là công việc.
Ví dụ, khi ngồi ăn, hãy hạn chế nói chuyện hay lướt điện thoại, tập trung thưởng thức món ăn thôi.
Khi đi bộ đi dạo, hãy tận hưởng từng bước chân chậm rãi, không khí xung quanh, đừng vừa đi vừa nghĩ xem việc này giải quyết thế nào, việc kia giải quyết ra sao.
Khi xem phim, hãy tập trung thưởng thức bộ phim, đừng vừa xem vừa lướt Insta, YouTube.
Khi làm việc, hãy tập trung hoàn toàn vào công việc.
Chỉ cần các bạn tập trung và bất kỳ việc gì các bạn làm, không suy nghĩ, không tơ tưởng sang việc khác, các bạn sẽ thấy chất lượng cuộc sống tăng lên nhiều.
Chúng ta đi làm để có tiền mua hạnh phúc, mua tiện nghi, mua thời gian. Nhưng không nhất thiết chúng ta phải hi sinh 20-30 năm cuộc đời cho việc đi làm tối mắt tối mũi. Thực tế, nếu ta biết cách, ta có thể tận hưởng được ngay từ bây giờ.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Anh Tuấn Lê - Chuyên viên đào tạo tư vấn, hướng nghiệp và phát triển)
Trí thức trẻ