MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu hai nhà máy thống lĩnh thị phần trong nước dừng hoạt động thì Việt Nam có thiếu hụt phân đạm?

22-05-2023 - 14:00 PM | Doanh nghiệp

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đề xuất hai nhà máy sản xuất đạm có sản lượng lớn nhất nước dừng sản xuất, nhường khí tự nhiên cho sản xuất điện.

Nếu hai nhà máy thống lĩnh thị phần trong nước dừng hoạt động thì Việt Nam có thiếu hụt phân đạm? - Ảnh 1.

Cụ thể, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, đề nghị ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện các tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, tháng 6).

EVN cho biết thực tế công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành.

Trong đó, nguồn khí Đông Nam Bộ đang giảm mạnh trong những năm gần đây, lượng khí cấp cho sản xuất điện chỉ còn khoảng 13,5-14 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí trong khu vực là trên 21 triệu m3/ngày.

Hiện, lượng khí ở Tây Nam Bộ cấp cho sản xuất điện cũng chỉ đạt trung bình khoảng 4 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí Cà Mau khoảng 6 triệu m3/ngày.

Khí thiên nhiên, cùng với than đá, là hai thành phần sản xuất đạm chủ yếu tại Việt Nam. Trong đó, khí thiên nhiên chiếm ưu thế. Nhà máy Đạm Phú Mỹ có công suất 800.000 tấn ure/năm, 540.000 tấn amoniac/năm. Nhà máy Đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn ure/năm. Hai công ty này sản xuất đạm bằng khí thiên nhiên. Còn Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc - dùng than đá - có công suất lần lượt là 350.000 và 180.000 tấn/năm.

Việt Nam là một nước nông nghiệp, là nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới, nhu cầu phân đạm hàng năm lên tới hơn 2 triệu tấn. Nhưng cho đến tận cuối thập niên 1990, cả nước chỉ có duy nhất một Nhà máy Phân đạm Hà Bắc với sản lượng chỉ đáp ứng được khoảng 7 - 10% nhu cầu. Số còn lại, hàng năm Việt Nam phải bỏ ra một khoản ngoại tệ rất lớn để nhập khẩu.

Mặt khác, do thị trường phân ure trong nước phụ thuộc gần như tuyệt đối vào thị trường quốc tế nên giá bán ure biến động thường xuyên theo sự biến động của thị trường thế giới, cũng như sự thất thường của nguồn nhập khẩu. Điều này khiến nông dân và cả doanh nghiệp kinh doanh phân bón đều bị ảnh hưởng tiêu cực mỗi khi giá phân bón lên xuống. Khi giá phân bón “sốt nóng” thì nông dân chịu thiệt hại, còn “sốt lạnh” thì doanh nghiệp bị thua lỗ, phá sản...

Nếu hai nhà máy thống lĩnh thị phần trong nước dừng hoạt động thì Việt Nam có thiếu hụt phân đạm? - Ảnh 2.

Đạm Cà Mau chiếm hơn 60% thị phần Đồng bằng sông Cửu Long.

Khi các nhà máy đạm như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau ra đời có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam.

Trong 12 năm, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (hay Đạm Cà Mau) đã cung ứng trên 10 triệu tấn phân bón cho cả nước. Đặc biệt tại Đồng bằng sông Cửu Long, Đạm Cà Mau chiếm hơn 60% thị phần. Tổng doanh thu trên 82.000 tỷ đồng, lợi nhuận trên 12.000 tỷ đồng, tổng nộp ngân sách nhà nước gần 1.500 tỷ đồng.

Thông tin công bố ngày 10/4 của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM), tháng 2/2023 doanh nghiệp sản xuất được 75.890 tấn phân bón, giảm 15% so với tháng 1/2023.

Trong đó, ure quy đổi (đạm Cà Mau) đạt 75.610 tấn, tương ứng chiếm 99,6% tổng lượng sản phẩm sản xuất của DCM trong tháng. So với tháng trước, sản lượng sản xuất ure quy đổi của DCM giảm 9%.

Tháng 2/2023, sản lượng sản phẩm tiêu thụ của Đạm Cà Mau đạt 114.220 tấn, tăng 123% so với tháng 1/2023. Trong đó, tiêu thụ ure đạt 104.740 tấn, bao gồm tiêu thụ trong nước đạt 45.170 tấn (tăng 20% so với tháng trước) và xuất khẩu 59.570 tấn (gấp 9 lần).

Khi ra đời, năm 2004, sản phẩm phân đạm với thương hiệu “Đạm Phú Mỹ - Cho mùa bội thu” xuất hiện trên thị trường đáp ứng gần 40% nhu cầu phân đạm của cả nước đã làm thay đổi căn bản tình hình cung cầu và thị trường phân bón. Đến nay, Đạm Phú Mỹ đã chiếm khoảng 35% thị phần phân đạm ure trong nước - theo bài viết trên website của Bộ Công Thương.

Năm 2022, sản lượng phân đạm ure xuất khẩu của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, mã chứng khoán DPM) ước đạt 190 nghìn tấn, cao nhất từ trước tới nay. Như vậy, con số này đạt hơn 280% so với kế hoạch năm và chiếm 23% tổng sản lượng ure kinh doanh trong năm 2022 của PVFCCo.

Nếu hai nhà máy thống lĩnh thị phần trong nước dừng hoạt động thì Việt Nam có thiếu hụt phân đạm? - Ảnh 3.

Đạm Phú Mỹ đã chiếm khoảng 35% thị phần phân đạm ure trong nước.

Tại buổi họp báo của ngành nông nghiệp diễn ra ngày 21/5, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết đã nắm được thông tin EVN đề nghị nhà máy đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau tạm dừng sản xuất 2 tháng để ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện các tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, tháng 6).

Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, công suất năm 2022 rất lớn, mỗi nhà máy hơn 900.000 tấn phân đạm và lượng tồn kho năm 2022 khoảng 200.000 tấn, trong khi đó tổng lượng phân đạm xuất khẩu năm 2022 là 798.000 tấn.

“Với số liệu trên thì lượng phân bón, đặc biệt là phân đạm để cung cấp cho sản xuất nông nghiệp hoàn toàn đủ", báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Hoàng Trung khẳng định.

Đạm (Nitơ - N) là tên gọi chung của các loại phân bón vô cơ cung cấp Đạm (N) cho cây. Độ dinh dưỡng của phân đạm được đánh giá bằng hàm lượng %Nitơ trong phân.

Vai trò của đạm (N) rất quan trọng với cây trồng. Đây là hợp phần quan trọng của chất hữu cơ cấu tạo diệp lục tố, nguyên sinh chất, axit nucleic, protein. Tăng sinh trưởng và phát triển của các mô sống. Cải thiện chất lượng của rau ăn lá, cỏ khô làm thức ăn gia súc và protein của hạt ngũ cốc.

Về phần mình, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, đối với các nhà máy đạm tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sử dụng nguồn khí thiên nhiên làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất (không có nguyên liệu thay thế), trong nhiều năm nay, nhu cầu tiêu thụ khí luôn duy trì ổn định ở mức khoảng 1,1 tỷ m3 khí mỗi năm cho 2 nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của đất nước.

PVN cũng khẳng định: "Việc dừng/giảm cấp khí ngoài kế hoạch cho các nhà máy đạm Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm phát sinh nhiều hệ lụy đến các bên liên quan và sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận, thiện chí, sự hợp tác chia sẻ của cổ đông các nhà máy đạm. Thêm nữa, việc dừng/giảm khí thiên nhiên của các nhà máy đạm cũng không giúp nhiều (gần 1%) cho việc đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia".

Theo Dy Khoa

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên