Nếu không có lãi đột biến từ việc bán VID Public, lợi nhuận BIDV đã giảm 20% so với cùng kỳ
Trong nửa đầu năm nay, nhiều chi phí tăng đột biến đã ảnh hưởng lớn đến kết quả lợi nhuận sau cùng của ngân hàng BIDV. Rất may, khoản lãi từ việc bán VID Public đã giúp ngân hàng thoát cảnh giảm lãi lớn so với cùng kỳ.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét được công bố mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thu về khoản lợi nhuận sau thuế quý II/2016 991 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, theo giải trình từ BIDV, nguyên nhân chủ yếu là do tăng thu nhập từ việc thoái vốn tại công ty liên doanh. Khoản lãi từ thoái vốn ngân hàng liên doanh VID Public là gần 827 tỷ đồng.
Được biết, Ngân hàng VID Public Bank được thành lập ngày 30/9/1991 với tỷ lệ vốn góp 50:50 giữa BIDV với ngân hàng Public Bank Berhad (Malaysia).
Ngân hàng chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/1992 đến nay, sau 3 lần tăng vốn, VID Public Bank có 62,5 triệu USD vốn điều lệ.
Sau hơn 20 năm hoạt động, ngày 15/7/2014, BIDV đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp (50%) của BIDV tại Ngân hàng liên doanh VID Public cho Ngân hàng Public Bank Berhad của Malaysia.
Nửa đầu năm nay, BIDV lãi trước thuế đạt 3.327 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ song nếu không tính khoản lãi đột biến từ việc bán VID Public thì lợi nhuận của ngân hàng chỉ còn 2.500 tỷ đồng, giảm gần 20%.
Chất lượng tín dụng trong 6 tháng đầu năm nay được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Tuy nhiên, nợ xấu theo giá trị tuyệt đối tại ngân hàng này tăng tới 31% so với cuối 2015. Cụ thể, tổng nợ xấu của BIDV đến 30/6/2016 đã tăng thêm hơn 3 nghìn tỷ đồng, lên tới hơn 13 nghìn tỷ đồng so với cuối 2015.
Trí Thức Trẻ