MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu không giải quyết các nút thắt, thị trường xăng dầu sẽ đi vào ngõ cụt

14-02-2023 - 13:48 PM | Thị trường

Góp ý cho dự thảo kinh doanh xăng dầu tại hội thảo ngày 14/2, hàng loạt doanh nghiệp xăng dầu cho rằng nếu không giải quyết các nút thắt, thị trường xăng dầu sẽ đi vào ngõ cụt khi cả hệ thống đều bị thua lỗ nhưng không dám kêu với cơ quan quản lý. Cùng đó, thị trường sẽ ngày càng méo mó.

Không thể dùng mệnh lệnh hành chính mãi

Mở đầu hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng, câu chuyện sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đang là một trong những vấn đề nóng nhất trong thời gian qua khi liên quan đến hàng chục nghìn doanh nghiệp đang tham gia chuỗi cung ứng xăng dầu và hàng triệu doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề và người dân trên cả nước sử dụng xăng dầu. Bản thân Bộ Công Thương chỉ là một cơ quan trong số nhiều cơ quan tham gia soạn thảo Nghị định sửa đổi nên không hề gỡ khó cho thị trường xăng dầu dễ dàng khi một dự thảo Nghị định phải gánh nhiều mục tiêu khác nhau.

Theo đại diện VCCI, việc để giá thấp hơn chi phí thì sẽ gây đứt gãy nguồn cung như thời gian qua. Theo tìm hiểu của VCCI, các nước có nhiều hình thức khác nhau để điều hành giá , quản lý thị trường và có 60% quốc gia để xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường.

“Mệnh lệnh hành chính có thể khiến doanh nghiệp làm việc này việc kia theo ý muốn của Nhà nước, nhưng nó luôn chỉ là giải pháp tình thế. Mệnh lệnh hành chính không thể bền vững bằng những động lực của thị trường. Vì vậy, thể chế phải làm sao nuôi dưỡng được doanh nghiệp, để cho doanh nghiệp có động lực muốn bán hàng, doanh nghiệp muốn bán hàng, muốn dự trữ, muốn cạnh tranh, muốn đầu tư, muốn phục vụ tốt nhất lợi ích của người tiêu dùng”, ông Tuấn nói.

Theo đại diện VCCI, giải pháp bền vững đó là phải trả lại cơ chế vận hành của thị trường. Không để tình trạng doanh nghiệp kêu đến mức: "Hai mấy năm kinh doanh chưa bao giờ có một tình huống mà doanh nghiệp phải trả thêm tiền túi ra để mua xăng dầu và đem đi bán lỗ theo yêu cầu của cơ quan quản lý".

Đại diện ban soạn thảo dự thảo Nghị định 95, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho biết, quá trình sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 về xăng dầu trước đây đã trải qua rất nhiều hội nghị, cuộc họp kéo dài 2 năm rưỡi và trải qua 2 nhiệm kỳ Thủ tướng Chính phủ với các vấn đề liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, quyền của doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, các nhà máy lọc dầu, cách thức điều hành…. Đây cũng là cơ hội nhìn lại cách thức, tư duy điều hành về xăng dầu cũng như các công cụ sử dụng, nhà nước can thiệp đến đâu, cũng là dịp để nhìn lại các quy luật tất yếu của thị trường. Cùng đó phải để cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Khi đó mới có thêm nguồn thu cho ngân sách, nền kinh tế.

“Trong dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 85, mỗi phương án lựa chọn có ưu nhược điểm, có thể phù hợp thời điểm này nhưng không phù hợp thời điểm khác. Quan điểm xây dựng chính sách phải dài hơi, tôn trọng quy luật khách quan, không chạy theo vấn đề cục bộ, hiện tượng, cá biệt”, đại diện Bộ Công Thương nói.

Nếu không giải quyết các nút thắt, thị trường xăng dầu sẽ đi vào ngõ cụt - Ảnh 1.

Tiến sĩ Phạm Thế Anh phát biểu tại hội thảo và chỉ ra những bất cập của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Doanh nghiệp mong được đối xử công bằng

Dẫn hàng loạt số liệu cho thấy cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ đang đóng góp rất lớn cho nền kinh tế nhưng đang không được đối xử công bằng, ông Hà Thanh Tùng - Công ty TNHH Thương mại Vận tải Xăng dầu Hà Giang - cảnh báo việc để các doanh nghiệp thua lỗ, đóng cửa như hiện nay sẽ dẫn đến việc mất toàn bộ thị trường khi doanh nghiệp bị thua lỗ nặng nề và bị thâu tóm.

Ông Tùng cho biết, cộng đồng 9.000 doanh nghiệp bán lẻ đang chiếm 53% tổng số các cửa hàng bán lẻ trên cả nước với tổng vốn đầu tư lên tới 90 nghìn tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần tổng tài sản của doanh nghiệp lớn nhất ngành là Petrolimex. Chỉ tính các cửa hàng bán lẻ này đang sử dụng tới 27.000 lao động. Số thuế doanh nghiệp bán lẻ đóng góp cho ngân hàng nhà nước mỗi năm cũng hàng chục nghìn tỷ đồng.

Lần đầu tiên nêu ra mức thua lỗ của cộng đồng các doanh nghiệp bán lẻ, ông Tùng cho hay, ước tính số tiền thua lỗ giai đoạn cao điểm lên tới 900 tỷ đồng/tháng. Tính từ tháng 3/2022 đến nay ước số lỗ có thể lên đến 3.000 đến 4.000 tỷ đồng.

“Việc thua lỗ này không phải do doanh nghiệp bán lẻ không biết kinh doanh mà do cơ chế điều hành giá chưa phù hợp. Cũng là thương nhân phân phối, nhưng có đầu mối trong quý IV/2022 vừa qua, có thương nhân đầu mối lãi cả nghìn tỷ đồng sau khi cơ quan quản lý cho điều chỉnh chi phí trong khi cả cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ bị lỗ rất lớn”, ông Tùng nói.

Cùng với đề xuất Nhà nước công nhận vai trò của doanh nghiệp bán lẻ trong xây dựng dự thảo Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, đại diện Công ty TNHH Thương mại Vận tải Xăng dầu Hà Giang bày tỏ sự mong muốn cơ quan quản lý nhìn nhận và có sự đối xử công bằng cho các doanh nghiệp.

“Các đầu mối, thương nhân phân phối đang được hưởng đủ các đặc quyền. Đầu mối, thương nhân phân phối có thể dừng bán sỉ, tạm dừng cung cấp hàng cho bán lẻ nhưng không bị làm sao còn doanh nghiệp bán lẻ phải mở bán liên tục trong mọi tình huống, dừng bán là bị xử phạt. Khi có lãi đầu mối, thương nhân phân phối được hưởng đủ tất cả các chi phí, còn họ cắt lại cho doanh nghiệp bán lẻ bao nhiêu là quyền của họ. Cần cho bán lẻ được lấy nhiều nguồn để tránh bị chèn ép từ chính các đầu mối, thương nhân phân phối. Mong Ban soạn thảo tiếp tục giữ lấy chúng tôi, một cộng đồng 9.000 doanh nghiệp bán lẻ. Có chúng tôi thì còn giữ được thị trường”, ông Tùng nói.

Cho rằng dự thảo nghị định đang bỏ qua 2 vấn đề cực kỳ quan trọng của thị trường xăng dầu liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối và thời gian điều hành giá, nhóm 32 thương nhân phân phối lớn nhất trong chuỗi cung ứng xăng dầu cho rằng, các bất cập này sẽ kéo theo rất nhiều hệ luỵ không thể sửa chữa được.

Nếu không giải quyết các nút thắt, thị trường xăng dầu sẽ đi vào ngõ cụt - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã phải đóng cửa, thanh lý cửa hàng vì lỗ quá sức chịu đựng trong thời gian qua.

Đầu mối, thương nhân phân phối suy sụp vì lỗ

Ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dầu khí Đồng Nai - cho rằng, thị trường xăng dầu hiện nay phải nhìn nhận từ góc độ: Tại sao trước dịch COVID-19 thì không có gì để nói, nhưng sau dịch và tác động của chiến tranh thì lại có vấn đề xảy ra. Câu chuyện phải nhìn ở góc độ một cây xăng có tới 8 sở, ban ngành cùng quản lý, điều chỉnh, giám sát hoạt động và việc cởi trói . Khi đi ngược quy luật thị trường là phá vỡ thị trường.

"Lạ nhất là khi lỗ cũng phải bán. Bán hàng nhưng không được ra giá bán mà người khác quy định giá. Một thị trường méo định hướng, có những biến động liên tục thì cần phải điều chỉnh để doanh nghiệp có thể sống và đóng góp cho đất nước. Về dự thảo sửa đổi Nghị định 95, doanh nghiệp cần được lấy nhiều đầu mối và chu kỳ thay đổi giá cần thay đổi, kéo dài thành 15 ngày như trước đây”, ông Phụng nói.

Trước những bức xúc của doanh nghiệp bán lẻ, các thương nhân phân phối về những bất cập của thị trường, nguồn cung xăng dầu và những đối xử bất công trong kinh doanh xăng dầu, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp đầu mối phải trao đổi sòng phẳng với các doanh nghiệp tham gia hội nghị, có hay không tình trạng chèn ép, đối xử không công bằng.

“Chỉ khi các doanh nghiệp đầu mối cũng nói ra vấn đề, thực trạng thì ban soạn thảo mới biết được tổng thể vấn đề. Lắng nghe cũng phải nhiều phía. Nếu các doanh nghiệp tự thoả thuận được với nhau thì cơ quan quản lý không can thiệp. Việc doanh nghiệp bán lẻ đề xuất mức chiết khấu bán lẻ cố định trong giá cơ sở 5-6% thì cũng phải chứng minh cơ sở của mình’, ông Đông nói.

Chưa bao giờ như giai đoạn tháng 7 - 8/2022 vừa qua tình trạng lỗ đến mức mà chúng tôi phải suy sụp khi phải tham gia gánh toàn bộ thị trường khi nhiều doanh nghiệp không thực hiện việc nhập khẩu, ông Phạm Văn Thoại - Chủ tịch HĐQT Saigon Petro - nói và mong muốn chia sẻ những nỗi khổ của các doanh nghiệp đầu mối. “Mọi đề xuất đều thoả đáng nhưng phải cân nhắc nhiều yếu tố. Với tình hình hiện nay, liệu có thể vượt qua 2 quý tới không là rất khó”, lãnh đạo Saigon Petro nói.

Theo ông Thoại, doanh nghiệp đầu mối cũng đang rất khổ và có những điều không tiện nói như riêng lỗ chênh lệch tỷ giá cũng làm khổ doanh nghiệp rất nhiều. Công thức giá làm sao phải thu hẹp lại sát với giá thị trường. “Chúng tôi cũng lỗ quá trời nhưng không dám nói”, ông Thoại chia sẻ.

“Doanh nghiệp tư nhân thua lỗ thì chỉ là mất tiền của mình. Với doanh nghiệp nhà nước thì không dễ như vậy. Quy thất thoát vốn nhà nước và phải chịu trách nhiệm rất lớn”, ông Tuấn nói.

Một ngày lỗ của chúng tôi bằng 20 ngày lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ nên doanh nghiệp cũng không có nguồn lực để chia sẻ chiết khấu với các doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng nhất không phải là giá mà là chi phí cần Về quan điểm mua từ nhiều nguồn, cá nhân tôi suy nghĩ, chất lượng nhà máy thì như nhau nhưng mua nhiều nguồn thì làm khó cho cơ quan nhà nước", Ông Đỗ Đồng Nam, Trưởng ban Chính sách Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)a.

Theo Phạm Tuyên - Quỳnh Nga

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên