MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu muốn đầu tư chứng khoán ở châu Á, nhất định phải theo dõi quốc gia này

28-09-2016 - 17:16 PM | Tài chính quốc tế

​Ảnh hưởng của Trung Quốc lên thị trường tài chính châu Á hiện nay đã có thể sánh với Mỹ.

Từ lâu, các nhà đầu tư đã biết khi Mỹ hắt hơi, thế giới sẽ cảm lạnh. Nhưng giờ đây, họ còn phải trông ngóng tình hình sức khỏe của một gã khổng lồ khác: Trung Quốc. Khi Trung Quốc – nền kinh tế lớn nhất Châu Á gặp vấn đề, các nước khác trong khu vực cũng sẽ lao đao theo. Và điều đáng nói là tốc độ lây lan của “căn bệnh” Trung Quốc đang tăng lên chóng mặt.

Ảnh hưởng của Trung Quốc lên thị trường chứng khoán châu Á hiện nay đã lớn gần bằng Mỹ. Hai báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy, ảnh hưởng của Trung Quốc lên châu Á đã tăng mạnh trong một thập kỷ qua.

IMF ước tính, tỷ lệ tương quan giữa thị trường chứng khoán Trung Quốc và các nước Châu Á đã tăng lên mức hơn 0,3 kể từ tháng 6 năm ngoái (1 là tình trạng tương quan “tuyệt đối”), gấp đôi mức trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Con số này vẫn thấp hơn tỷ lệ 0,4 giữa Mỹ và Châu Á, nhưng khoảng cách đang thu hẹp nhanh chóng. Theo BIS, ảnh hưởng của những biến động trên thị trường Trung Quốc lên chứng khoán Châu Á đã tăng hơn 60% kể từ năm 2008.

Khi thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc trong mùa hè năm ngoái và đầu năm nay, điều tương tự cũng xảy ra ở mọi nơi khác. Và khi Trung Quốc để đồng nhân dân tệ phá giá 2% trong tháng 8/2015, đồng tiền của các thị trường mới nổi khác cũng lao dốc theo. IMF cho biết, tỷ lệ tương quan giữa tiền tệ của nước Châu Á và đồng nhân dân tệ hiện nay là hơn 0,2, gấp đôi mức trước năm 2008.

Cả IMF và BIS đều nhận định, quy mô ngày càng lớn của nền kinh tế Trung Quốc là lý do chính thúc đấy sự tương quan giữa hai bên. Dữ liệu cho thấy, các nước Châu Á có quan hệ thương mại lớn nhất với Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các biến động trên thị trường nước này.

Tuy nhiên, thương mại không phải là phương tiện duy nhất kết nối các nền kinh tế. Các giao dịch tài chính hiện nay chiếm khoảng 2/5 hoạt động kinh tế giữa Trung Quốc và các thị trường Châu Á, tăng gần như từ con số 0 vào trước năm 2008. Mặc dù vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát vốn, Trung Quốc đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu của doanh nghiệp trong nước hoặc cho các công ty này vay. Số cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc được nắm giữ bởi nhà đầu tư nước ngoài hiện có giá trị khoảng 2 nghìn tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ thị trường mới nổi nào khác.

Các nhà đầu tư Châu Á tỏ ra đặc biệt gắn bó với Trung Quốc. Tổng số tài sản đầu tư của họ ở Trung Quốc và Hồng Kông hiện có giá trị hơn 10% GDP của Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore cộng lại. Một khi các biện pháp kiểm soát vốn được nới lỏng, những kết nối tài chính này sẽ còn mở rộng nữa. Hiện nay, thị trường trái phiếu Trung Quốc vẫn tương đối khép kín. Nhưng khi đồng nhân dân tệ được sử dụng nhiều hơn trong giao dịch quốc tế, tình hình lãi suất của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến toàn Châu Á.

BIS nhận định, sự thắt chặt trong quan hệ giữa Châu Á và Trung Quốc là điều đáng hoan nghênh. Trong vài năm gần đây, thị trường toàn cầu có xu hướng chuyển động theo cùng một hướng, khiến nhà đầu tư khó đa dạng hóa hoạt động của mình. Khi sự sở hữu chéo phổ biến hơn ở Châu Á, với Trung Quốc là tâm điểm, chu kỳ tài chính của Châu Á sẽ hoạt động theo nhịp điệu của riêng mình, tách ra khỏi các nơi khác trên thế giới. Trung Quốc và Mỹ sẽ còn hắt hơi nhiều lần nữa. Nhưng hy vọng là hai nước này không cảm lạnh cùng một lúc.

Long Nam

Economist

Trở lên trên