MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu muốn trẻ sống có trách nhiệm ngay từ nhỏ, đây là nơi bố mẹ nên đưa con đến!

19-07-2017 - 20:52 PM | Sống

Sau chuyến đi dài ngày đến 2 nơi đặc biệt theo kế hoạch do bố vạch sẵn, cậu bé 6 tuổi trở về mang theo một sự thay đổi lớn khiến cả gia đình ngỡ ngàng, hạnh phúc.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, nhiều bậc phụ huynh thường có xu hướng tranh thủ dịp nghỉ hè đưa con đi đây đó để khám phá, mở rộng tầm mắt và kiến thức xã hội.

Những điểm đến được lựa chọn thường là những danh thắng nổi tiếng hoặc đến những điểm vui chơi lớn trong thành phố…

Bên cạnh đó cũng có những gia đình ưu tiên chọn những nơi trẻ thích, những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả có thể đi nước ngoài để trải nghiệm cảm giác mới mẻ…

Tuy nhiên gần đây, có một câu chuyện được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc đã cho thấy hiệu quả của việc bố mẹ đưa trẻ đến 2 nơi rất khác biệt với xu hướng chung ở trên.

Vậy, 2 nơi đó là nơi nào? Câu chuyện này cụ thể ra sao?

Câu chuyện đề cập đến một bé trai 6 tuổi chuẩn bị vào lớp 1. Vì là con một được chiều chuộng nên cậu bé khá hư, bướng bỉnh khó bảo, thường thích làm trái ý tất cả mọi người trong nhà.

Chứng kiến con nhỏ càng lớn càng hư, không hiểu chuyện, ông bố trẻ là anh Lý tự nhận thấy mình phải làm gì đó càng sớm càng tốt để can thiệp, uốn nắn con.

Nghĩ vậy, trong dịp hè ngay trước khi bé vào tiểu học, anh đã lập kế hoạch đi du lịch chỉ có hai bố con. Và địa điểm dừng chân của họ là 2 nơi hoàn toàn khác biệt.

Vì cậu con trai bé bỏng có những biểu hiện chưa ngoan, anh Lý quyết định phải làm gì đó để uốn nắn, giúp con thay đổi. Ảnh minh họa.

Vì cậu con trai bé bỏng có những biểu hiện chưa ngoan, anh Lý quyết định phải làm gì đó để uốn nắn, giúp con thay đổi. Ảnh minh họa.

1. Lên miền núi

Để thực hiện chuyến đi, anh Lý thuê một chiếc xe nhà, mang theo gạo, mỳ, nồi, bếp từ và một số nhu yếu phẩm cần thiết, đảm bảo cho hai bố con ngày có đủ 3 bữa ăn và tạo điều kiện cho con trai tham gia vào việc nhà.

Địa điểm đã được chọn sẵn, sau 3 ngày hết đi lại nghỉ trên đường, cuối cùng họ cũng đến nơi.

Vì chưa được khai thác nên khu vực này chưa có đường lớn dẫn lên núi. Không còn cách nào khác, hai bố con buộc phải gửi xe ở dưới rồi mang theo đồ đạc leo lên trên. Cậu con trai tất nhiên cũng được bố giao cho một phần hành lý vừa sức.

"Bố, con không đeo nổi đâu", cậu con trai giọng rầu rĩ nói với bố.

Thế nhưng anh Lý chẳng mảy may đoái hoài đến điều đó. "Trong túi của con là quần áo để con thay giặt. Nếu con không đeo, vậy vài ngày tới con cứ mặc bộ đồ trên người nhé."

Chiêu này của ông bố quả hiệu nghiệm. Cậu con trai lập tức đeo ba lô lên vai. Tất nhiên, trên đường đi, không ít lần cậu bé muốn vứt ngay "cục đá" trên lưng xuống. Nhưng nghĩ đến việc không có quần áo mặc, cậu lại cố gắng mang theo.

Lên núi, anh Lý chọn thuê một nhà dân trong vài ngày. Anh cũng trả thêm sinh hoạt phí cho họ để hai bố con được ở cùng.

Đó là một gia đình 6 người, gồm ông bà, bố mẹ và 2 đứa trẻ, sống trong một căn nhà được họ tự làm từ đá.

Rau củ ăn hàng ngày đều do gia đình tự trồng. 2 đứa trẻ một lên 8, một lên 6, hằng ngày cứ làm xong bài tập là chúng lại giúp bố mẹ làm việc nhà, cho lợn ăn, đi hái rau, quét sân nhà…

Ban đầu, cậu con trai của anh Lý tỏ ra rất phấn khởi vì tìm được bạn chơi nhưng rất nhanh sau đó, cậu thấy mình lạc lõng, bởi hai người bạn kia hầu như chẳng có thời gian để chơi cùng cậu.

Trong vài ngày đó, anh Lý dẫn con đi vòng quanh thôn bản, quan sát những bạn nhỏ cùng tuổi ăn, mặc, làm việc ra sao... Đi cả một vòng, hai cha con vẫn không tìm được những thứ như đồ chơi, đồ ăn vặt như cậu bé vẫn sở hữu khi ở nhà. Điều này làm cậu ngạc nhiên lắm.

Cuộc sống thiếu thốn và thái độ sống của những em bé miền núi nghèo khó đã dần in vào tâm trí cậu bé 6 tuổi. Ảnh minh họa.

Cuộc sống thiếu thốn và thái độ sống của những em bé miền núi nghèo khó đã dần in vào tâm trí cậu bé 6 tuổi. Ảnh minh họa.

Và sau 5 ngày sống trên núi, cậu con trai bé nhỏ đã thay đổi rất nhiều. Vào ngày xuống núi, cậu hứa với các bạn sau này lớn lên sẽ kiếm thật nhiều tiền để cho những em bé ở trên núi mua đồ ăn vặt, mua đồ chơi kim cương biến hình…

Kể từ khi lên núi trở về, trong suốt quãng thời gian di chuyển đến địa điểm du lịch khác, cậu bé bỗng trở nên trầm mặc. Thế nhưng anh Lý không quá lo lắng, bởi anh biết đó là một quá trình để con anh khôn lớn hơn.

Con trai anh trước đây thường hay so bì với chúng bạn xem ai nhiều xe đồ chơi hơn, xe của ai đẹp hơn, nhiều chức năng hơn.

Thế nhưng khi gặp những bạn nhỏ trên vùng cao còn nhỏ xíu đã phải lo đến việc cơm ăn nước uống, thậm chí trong nhà có người già đau ốm, các bạn còn phải bón cơm, chăm sóc, cậu bé hẳn đã nhận thấy được nhiều điều khác lạ.

2. Đến cô nhi viện

Điểm đến thứ 2 mà anh Lý đưa con trai đến, đó là một cô nhi viện.

Khi được giới thiệu rằng, những bạn nhỏ ở đó đều bị bố mẹ bỏ rơi, bất đắc dĩ phải sống nương dựa vào chính phủ và xã hội mới có thể sống tiếp, mắt cậu long lanh nước.

Cậu bé úp mặt vào lòng bố, khóc nức nở. Nguyên nhân là bởi cậu thấy những bạn nhỏ ở đây thật đáng thương và bất giác, cậu nghĩ đến mình thật sung sướng và hạnh phúc, được ông bà nội ngoại, bố mẹ và rất nhiều người khác yêu thương.

Đến lúc đó, cậu bé mới cảm thấy mình thật có lỗi khi cáu giận với mẹ, lớn tiếng với ông bà nội, nói năng không lễ phép với ông bà ngoại…

Kiên trì đưa con đến cô nhi viện trong vài ngày liên tục, mỗi ngày anh đều để con làm những việc trong khả năng, ví dụ như phát đồ ăn vặt cho các bạn nhỏ, thu dọn đồ chơi, chơi cùng các bạn…

Và cuối cùng, cậu bé cũng được nhận lại những lời khen chân thành từ phía người lớn, rằng cậu rất ngoan, rất hiểu chuyện.

Gặp gỡ những bạn nhỏ thiếu thốn cả tình yêu thương, tinh thần và vật chất, cậu bé vốn bướng bỉnh, ương ngạnh đã tự nhận thấy mình hạnh phúc, sung sướng hơn các bạn rất nhiều lần. Ảnh minh họa.

Gặp gỡ những bạn nhỏ thiếu thốn cả tình yêu thương, tinh thần và vật chất, cậu bé vốn bướng bỉnh, ương ngạnh đã tự nhận thấy mình hạnh phúc, sung sướng hơn các bạn rất nhiều lần. Ảnh minh họa.

Thấy con thay đổi tích cực, niềm vui trong lòng người bố cũng trào dâng. Anh thầm nghĩ công sức mình bỏ ra thật không phí hoài.

Hành trình du lịch đặc biệt trong nửa tháng kết thúc, con trai anh cũng trở nên độc lập, tự chủ hơn rất nhiều, không chỉ biết tự mặc quần áo mà còn biết giặt những thứ đơn giản, giúp bố rửa rau, thu dọn bàn ghế…

Nhưng quan trọng hơn cả là từ một đứa trẻ vốn bướng bỉnh, giờ đây cậu bé đã "thuần" hơn rất nhiều, biết nghĩ cho người khác nhiều hơn…

Trở về nhà, việc đầu tiên cậu bé làm là thu dọn tất cả đồ chơi và gửi cho các bạn nhỏ ở miền núi như đã hứa. Thậm chí có những món đồ trước đây rất thích, rất say mê, cậu bé cũng đồng ý đem cho bớt vì "mình cũng đã có rồi".

Khỏi phải nói người thân đã ngạc nhiên ra sao trước sự thay đổi đến không ngờ của cậu.

Rõ ràng, trước đây người lớn cũng đã từng giảng giải không biết bao nhiêu lần với cậu "quý tử" của cả nhà, rằng "con/cháu biết không, ở ngoài kia còn rất nhiều bạn nhỏ không có cơm ăn, không có áo mặc, thậm chí có bạn còn bị bố mẹ vứt đi không nuôi, cháu may mắn và hạnh phúc như vậy…"

Thế nhưng, đó chỉ là giáo dục trên lý thuyết, dù nói nhiều nhưng trẻ không lọt tai. Chỉ khi tận mắt chứng kiến và chứng kiến thật lâu, thật gần, cậu bé mới tự mình cảm nhận được. Và sức ảnh hưởng từ chuyến đi lần này, quả là khác thường.

Sau chuyến đi đáng nhớ, cậu bé trở nên ngoan ngoãn đến lạ, biết tiết kiệm, biết kính trọng ông bà, thân thiện với bạn bè, không vòi vình đòi mua đồ chơi như trước.

Đây hẳn là một gợi ý hay cho những người làm cha mẹ dù là ở Trung Quốc, Việt Nam hay các quốc gia khác trên thế giới. Dạy trẻ từ thuở còn thơ, uốn nắn cho con từ sớm, bố mẹ sẽ giúp trẻ xây dựng nên những tính cách tích cực, có ảnh hưởng tốt đến cả cuộc đời sau này.

Theo Diệp Anh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên