"Nếu như con thi trượt lớp 10 thì...": Câu trả lời từ chuyên gia tâm lý khiến mọi bậc cha mẹ THỨC TỈNH
Con trượt lớp 10, ai là người buồn nhất - phụ huynh hay sĩ tử?
- 13-07-2024Hà Nội công bố đường dây nóng hỗ trợ đăng ký bổ sung vào lớp 10 công lập
- 13-07-2024Ngôi trường ở quận Hà Đông chính thức nắm "ngôi vương" về điểm chuẩn lớp 10 năm nay: Ngó bảng thành tích giảng dạy suốt nhiều năm mà nể!
- 12-07-2024NÓNG: Hơn 60 trường ở Hà Nội hạ điểm chuẩn lớp 10, THPT Chu Văn An mất "ngôi vương"
Nếu như con trượt lớp 10 công lập thì...
Cặp quan hệ "nếu - thì" nghe rất đơn giản nhưng lại khiến nhiều gia đình rơi vào tình cảnh "mặt nặng mày nhẹ" trong thời gian dài. Có "nếu" thì chắc chắn có "thì", có điều kiện xảy ra thì chắc chắn có kết quả... Vậy, nếu như con trượt lớp 10 công lập thì sao?
"Nếu như con trượt lớp 10 công lập thì con sẽ thật kém cỏi"; "Nếu như con trượt lớp 10 công lập thì tương lai của con sẽ gặp nhiều bất trắc"; Nếu như con trượt lớp 10 công lập thì ai cũng coi con là kẻ thất bại"... Hàng loạt những cặp điều kiện được các sĩ tử đặt ra vào chính cái khoảnh khắc hay tin mình trượt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
Đây là những cảm xúc hoàn toàn dễ hiểu mà những cô cậu học trò ở độ tuổi chưa có sự hoàn thiện cả thể chất lẫn tinh thần phải trải qua. Thậm chí, nhiều bạn còn coi đây là nỗi thất bại "kinh khủng" nhất trong cuộc đời và nó sẽ kéo bản thân xuống vực thẳm mãi mãi.
Tuy nhiên, trượt lớp 10 công lập không phải là bước đường cùng của nhiều sĩ tử và thực tế đã chứng minh điều này.
Con trượt lớp 10, ai là người buồn nhất - phụ huynh hay sĩ tử?
Một câu hỏi nhận được sự quan tâm lớn của mọi người sau mỗi mùa tuyển sinh đó chính là: "Con trượt lớp 10 ai là người buồn hơn?".
Và câu trả lời công bằng nhất cho câu hỏi trên đó chính là cả phụ huynh và học sinh. Phụ huynh có thể lo lắng về cơ hội học tập của con trong tương lai, trong khi đó các sĩ tử có thể rơi vào trạng thái thất vọng kéo dài vì không đạt được mục tiêu. Ai cũng có lý do của riêng để "bào chữa" cho những cảm xúc hỗn lộn bên trong mình.
Về vấn đề này, Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Đặng Minh Khuê - Chuyên gia tham vấn trị liệu tâm lý tại Viện Tâm lý - Giáo dục BrainCare (Hà Nội) chia sẻ, con cái thông thường sẽ là người trực tiếp chịu ảnh hưởng khi kết quả không được như ý: Cảm giác thất bại, thất vọng với chính bản thân, hụt hẫng sau quãng thời gian dài cố gắng nhưng kết quả không như ý, xấu hổ với gia đình và bạn bè,...
Với phụ huynh, họ sẽ trải qua cảm giác buồn bã và lo lắng cho tương lai của con, thất vọng khi con không đạt được kết quả như kì vọng, lo lắng con cái sẽ đối diện với ánh mắt của người xung quanh như thế nào...
Thạc sĩ Tâm lý lâm sàng Đặng Minh Khuê - Chuyên gia tham vấn trị liệu tâm lý tại Viện Tâm lý - Giáo dục BrainCare (Hà Nội)
Trong quá trình điều trị và tham vấn tâm lý, Thạc sĩ Minh Khuê gặp không ít trường hợp học sinh gặp các vấn đề tâm lý hậu thi cử. Nhẹ thì các bạn bị căng thẳng, lòng tự trọng thấp, phát sinh những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và người xung, cảm giác bất lực, bực bội với chính mình và ở trong tình huống mình không thể kiểm soát; nặng thì trầm cảm, tự hại, có ý tưởng tự sát...
Đáng buồn hơn là trong số đó, có không ít trường hợp rơi vào hố đen cảm xúc khi phải chịu đựng những thái độ tiêu cực của bố mẹ mà trở nên khủng hoảng, tiêu cực, thu mình, dần dần biến thành những rối loạn về cảm xúc - hành vi, nghiêm trọng hơn nữa là tự hại - tự sát, chỉ vì chẳng may trượt vào lớp 10 công lập.
Cha mẹ "lạnh nhạt" vì con… trượt nguyện vọng 1, xin đừng!
Một bài đăng của một sĩ tử sinh năm 2009 Hà Nội cách đây không lâu từng khiến nhiều phụ huynh phải bật khóc. Theo đó, nam sinh cho biết bản thân rất yêu mến ngôi trường THPT Yên Hoà và đã đặt nguyện vọng 1 vào trường này. Tuy nhiên, may mắn không mỉm cười khi bạn trẻ này thiếu 0,25 điểm để vào trường.
Nam sinh chia sẻ từ khi biết điểm thi không khí gia đình chùng xuống. Trong khi thầy cô và bạn bè động viên, mong em học tốt ở nguyện vọng 2 thì ở nhà, bố mẹ "chẳng nhìn con lấy một lần".
"Bố mẹ cho rằng con là một đứa trẻ thất bại, chỉ mỗi việc ăn học cũng chẳng xong, rất tốn tiền của bố mẹ, chẳng thà về quê cho lành. Con chỉ biết lặng nghe và cắn rứt trong lòng. Con thậm chí chẳng nhận được một lời khen hay khích lệ từ họ - trong khi bố mẹ là người con yêu thương và tin tưởng nhất.
Con vẫn cảm thấy sụp đổ, nghi ngờ khả năng của bản thân. Con vẫn muốn được học tập, được giao lưu với bạn bè, còn bao nhiêu thứ con muốn trải nghiệm 3 năm tới. Nhưng bố cương quyết rằng con không có khả năng học tập, chỉ xứng hạng trường bét, không nên phí tiền bố mẹ", nam sinh kể lại.
Ảnh minh họa
Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp phụ huynh "thờ ơ" chỉ vì con không may trượt nguyện vọng 1 vào 10. Theo Thạc sĩ Tâm lý Đặng Minh Khuê, những điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới các sĩ tử ở nhiều khía cạnh:
1. Tăng nặng những cảm xúc tiêu cực của trẻ: Khi thất bại trước cánh cổng bước vào cấp 3, trẻ thường sẽ trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khó chịu. Việc phụ huynh mắng nhiếc, "phạt lạnh" sẽ càng khiến những cảm xúc này trầm trọng hơn, thậm chí khiến mắc kẹt và không thoát ra được.
2. Vô tình củng cố niềm tin "bản thân thất bại" và những suy nghĩ tiêu cực về bản thân của trẻ: Ở lứa tuổi vị thành niên, đa số các em phải dựa vào phản ứng của bố mẹ để có thể tự đánh giá và nhìn nhận bản thân. Khi bố mẹ có thái độ tiêu cực với những thất bại của các em, các em có thể học được thông điệp "mình không có giá trị, bố mẹ còn không chấp nhận được mình tức là mình không xứng đáng được yêu thương". Nhiều trường hợp trẻ cảm thấy mình là thứ bỏ đi, làm gì cũng thất bại, không đáng được sống vì thái độ gay gắt, chỉ trích của bố mẹ.
3. Tạo ra cảm giác sợ thất bại: Thử và sai là một phần của cuộc sống, qua những sai lầm chúng ta có thể học được nhiều bài học quý báu để chinh phục thành công. Tuy nhiên, khi phụ huynh phản ứng quá tiêu cực trước thất bại của trẻ nói chung, và với việc thi trượt nói riêng, trẻ sẽ sinh ra tâm lý sợ sai, cảm thấy thất bại là việc vô cùng khủng khiếp và không thể chấp nhận được. Đây là một thái độ không lành mạnh khi đối diện với cuộc sống, bằng chứng là nhiều bạn hình thành một lớp vỏ thật dày và từ chối những trải nghiệm mới, né tránh thể hiện bản thân vì sợ sự đánh giá và mắc lỗi. Có những trường hợp phát triển thành hội chứng rối loạn lo âu và ám sợ xã hội.
4. Tổn hại mối quan hệ trong gia đình: Việc đang rơi vào khó khăn nhưng không nhận được chia sẻ, đồng hành từ những người thân thiết và tin tưởng nhất là điều vô cùng đáng sợ, đặc biệt là ở lứa tuổi còn phải phục thuộc nhiều vào người lớn, gia đình. Trẻ sẽ cảm thấy cô độc trong mớ cảm xúc hỗn loạn, cần thu mình lại để bảo vệ bản thân khỏi sự căng thẳng đến từ những người mình yêu thương, dần dần xa cách khỏi gia đình. Về lâu về dài, điều này có thể khiến trẻ hình thành những gắn bó không lành mạnh với những người khác: quá bám víu, lệ thuộc vào các mối quan hệ, hoặc có xu hướng xa cách với mọi người xung quanh.
Cha mẹ cần làm gì nếu con không đỗ vào cấp 3 công lập?
Việc con không đỗ vào lớp 10 là điều không may, chứ không ai mong muốn như vậy cả. Vậy nên, nếu hay tin con không may trượt vào lớp 10 công lập, cha mẹ phải trở thành chỗ dựa vững chắc nhất cho con, vì vào lúc này đây, người duy nhất mà con có thể tin tưởng chính là cha mẹ.
Ngoài ra, cha mẹ cần:
1. Xây dựng phương án dự phòng. Tìm hiểu những nguyện vọng khác và những phương án khác có thể thể phù hợp với con và điều kiện gia đình.
2. Tập trung vào giải pháp và bài học, cùng con rút kinh nghiệm. Động viên con tiếp tục cố gắng và không bỏ cuộc.
3. Xây dựng thái độ đồng cảm, tích cực giữa các thành viên là cách tốt nhất bảo vệ con và bố mẹ khỏi sự tiêu cực từ bên trong và ánh mắt phán xét từ những người ngoài. Sự vững vàng từ bên trong sẽ là phòng tuyến tốt nhất để giảm thiểu những ảnh hưởng đến từ bên ngoài, tạo không gian để con cũng như bố mẹ có cơ hội cùng chữa lành.
4. Nhìn nhận một cách khách quan, khi con không đỗ trường tốt, phụ huynh ít nhiều cũng sẽ phiền lòng, thậm chí xấu hổ với người khác. Lúc này, cha mẹ cần làm gì để giải tỏa những tâm lý tiêu cực đó?
Theo Thạc sĩ Minh Khuê, cha mẹ phải trở thành chỗ dựa vững chắc nhất cho con
Và cha mẹ cũng cần:
1. Thấu hiểu:
- Cảm xúc buồn rầu, thất vọng là bình thường, đặc biệt khi ta có nhiều kỳ vọng cho con. Nhưng chúng ta cũng cần xem xét những kỳ vọng ấy liệu có hợp lý với năng lực của con và tình hình thực tế trong gia đình.
- Trẻ cũng đang rất đau buồn và mặc cảm, ta không cần đổ thêm dầu vào lửa. Con cũng không phải sọt rác cảm xúc để chúng ta xả những sự tiêu cực lên con.
- Thi trượt không phải dấu chấm hết, cuộc đời của con còn rất dài về sau.
- Khả năng vượt qua thất bại và vượt khó sẽ giúp con gặt hái rất nhiều thành công trong tương lai, nhưng không phải điều dễ dàng. Quan trọng là mình có thể học được những bài học gì để lần sau không mắc lại những sai lầm ấy, và con cần được giúp đỡ như thế nào để có những kết quả tốt hơn.
- Đây có thể là tín hiệu để bố mẹ và con có những nhìn nhận lại về định hướng, năng lực, phương pháp học tập…
- Cảm giác xấu hổ với người ngoài sẽ chỉ trong giai đoạn ngắn, và nếu phụ huynh có những cách ứng phó phù hợp, sự đánh giá ấy cũng không nguy hại đến vậy.
2. Tìm những cách giải tỏa, thư giãn một cách lành mạnh như thể dục, nghỉ ngơi, trò chuyện với bạn bè,... Tránh tích trữ những trạng thái tiêu cực, để rồi bùng phát lên con cái.
3. Có thể có những buổi nói chuyện nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn với nhau, cả gia đình cùng thả lỏng và chia sẻ về những cảm xúc mọi người đang trải qua. Không đổ lỗi, phán xét, chỉ cùng lắng nghe và nâng đỡ nhau. Đây là dịp để gia đình kết nối sâu sắc hơn.
Có thể trong giai đoạn đầu bố mẹ sẽ rất khó thực hiện điều này, hãy tìm đến 1 nhà chuyên môn có kỹ năng tham vấn, hỗ trợ tâm lý để được hướng dẫn cụ thể hơn.
Còn ở phía học sinh, Thạc sĩ Đặng Minh Khuê khuyên các bạn hãy cứ buồn bã và thất vọng, các bạn có quyền có những cảm xúc như vậy. Sau đó, hãy cùng làm gì đó để giải tỏa và kéo mình ra khỏi trạng thái ấy. Tương lai của các em còn rất dài, khi vượt qua được giai đoạn này rồi nhìn lại, em sẽ cảm thấy nó không kinh khủng đến vậy.
Ảnh: NVCC
Đời sống Pháp luật