MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu thực sự muốn đổi đời, bạn sẽ tìm ra cách, còn không bạn sẽ tìm ra lý do: Tiếp tục trì hoãn là phá hoại tương lai của chính bản thân mình

16-01-2019 - 08:00 AM | Sống

Nếu bạn là kiểu người "nước đến chân mới nhảy" và biết rõ điều này thì tại sao lại phí thời gian về lo lắng về nó, trong khi không làm ngay những việc mà bạn đang cần làm. Không gì tồi tệ hơn lãng phí thời gian để làm việc nửa vời hoặc chơi bời nhưng vẫn phải lo nghĩ. Khi đó, chẳng việc gì được hoàn thành và cả chuyện chơi bời cũng chẳng vui vẻ.

Một trong những công việc đầu tiên của tôi sau khi tốt nghiệp đại học là làm điều phối viên cho lễ hội nghệ thuật dân gian của các dân tộc, vốn được dàn dựng bởi một tổ chức phi lợi nhuận ở thành phố New York. Tôi nghe kể về vị trí này qua một người bạn, và quyết định rằng mình phải chiếm được nó, dù trước đây tôi chưa từng sản xuất chương trình nào trong đời, và bản thân còn thấy nghệ thuật dân gian khá là nhàm chán.

Đằng nào thì công việc ấy cũng có vẻ hay ho – họ làm việc trong một căn gác sành điệu ở khu Tribeca, họ hiểu biết rất nhiều về âm nhạc, họ có thể mang chó tới nơi làm việc, và cái lễ hội mà tôi phải phụ trách kia sẽ quy tụ rất nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ và vũ công từ khắp địa cầu, và đưa họ tới một vườn bia Ba Lan ở quận Queens để dự một bữa tiệc lớn. Điều đó có nghĩa là sẽ có những anh chàng mặc váy, có bia và xúc xích miễn phí.

Thế là tôi soạn ra một bản đăng ký bao gồm những thành tựu như: sản xuất một vở kịch ở trường đại học (thực ra là bắt ép lũ bạn tới xem bạn trai mình diễn); khởi xướng một vài phong trào từ thời trung học (thực ra là thành lập một đội trượt tuyết chưa từng được thi đấu, chỉ họp mặt đúng một lần duy nhất để thảo luận cách mua được bia khi chưa đủ tuổi); làm việc tại đài phát thanh của trường đại học (thực ra là tới chơi loanh quanh với một người bạn làm DJ).

Sau đó tôi diện một cây thời trang công sở mượn của mẹ dù không hề mặc vừa, và phi tới buổi phỏng vấn đó. Chỉ vài giờ sau, tôi đã dùng cái miệng ba hoa của mình để "đoạt" được một công việc mới.

Đêm hôm đó, tôi nằm thức thao láo vì sợ hãi. Lạy Chúa, mình đã làm gì thế này? Mình là một con quái vật! Những con người hiền lành chất phác lương thiện chỉ biết đi dép xăng-đan kia đã trao cho mình một mớ tiền mà họ phải mất cả năm để thu thập cho cái lễ hội đó, và mình sẽ là kẻ xảo trá đem mớ tiền đó đi tiêu.

Dù đã nghĩ đến việc đầu thú, nhưng tôi không thể từ chối một bữa tiệc vui như vậy, thế là tôi quyết định tiếp tục và hăng say làm việc hơn bất cứ công việc nào từng làm trong đời. Tôi quyết định sẽ tóm lấy cơ hội này, rằng mình sẽ làm cho lễ hội đó trở thành lễ hội tuyệt vời nhất từng được tổ chức tại vườn bia Ba Lan đó, và cuối cùng tôi đã thành công rực rỡ.

Tôi đã huy động được tất cả 27 người bạn thất nghiệp của mình đi phát tờ rơi và bán vé để đổi lấy chỗ xúc xích và bia miễn phí đã nhắc tới ở trên. Tôi đã lùa được những vũ công polka quậy phá về vị trí của họ đúng giờ, dựng được những gian hàng bán latke, và đảm bảo cuộc diễu hành của đoàn kèn túi diễn ra trơn tru, mượt mà.

Nếu có một thứ gì đó mà bạn rất muốn có, tôi không nói rằng bạn (nhất thiết) phải dối trá để đạt được nó, mà tôi muốn nói rằng bạn sẽ tự nói dối chính mình nếu không quyết tâm theo đuổi nó.

Nếu thực sự muốn đổi đời, bạn sẽ tìm ra cách, còn không bạn sẽ tìm ra lý do: Tiếp tục trì hoãn là phá hoại tương lai của chính bản thân mình - Ảnh 1.

Hầu hết các trường hợp thì chúng ta không chùn bước do thiếu kinh nghiệm, mà là thiếu quyết tâm làm những việc cần thiết để thành công.

Chúng ta dành quá nhiều năng lượng cho việc nghĩ ra những cái cớ vì sao chúng ta không thể làm, không thể trở thành, hay không thể có được những điều mà mình muốn, và còn thiết kế cả những thứ gây xao nhãng hoàn hảo để ngăn cản chúng ta vươn tới giấc mơ – hãy tưởng tượng xem chúng ta có thể vươn xa như thế nào nếu sử dụng năng lượng đó cho việc theo đuổi giấc mơ?

Sau đây là một vài tin vui:

1.Tất cả chúng ta đều hiểu biết hơn mình tưởng rất nhiều.

2.Chúng ta thường bị thu hút tới những lĩnh vực mà chúng ta vốn có năng khiếu tự nhiên (và điều đó còn đáng giá hơn việc có bằng tốt nghiệp ở lĩnh vực đó).

3.Chẳng có người thầy nào tốt hơn là những tình huống bắt buộc.

4.Đam mê luôn đánh bại nỗi sợ.

Khi xem xét lại, tôi nhận ra mình đủ tiêu chuẩn để làm công việc đó hơn tôi tưởng. Tôi là chị cả trong gia đình nên vốn đã có năng khiếu làm sếp. Tôi thích tổ chức tiệc tùng và có thể nói chuyện với bất kỳ ai, kể cả những ông cụ 70 tuổi người Nga chẳng biết một chút tiếng Anh nào và còn đang hoảng loạn vì bị tụt quần.

Tôi đã tiếp tục làm rất nhiều việc mà mình "không đủ tiêu chuẩn" để làm, nhưng tôi cũng đã phí rất nhiều thời gian để giả vờ rằng mình chưa sẵn sàng làm nhiều việc mà tôi thực sự thích. Và thật ngạc nhiên là những lần mà tôi liều lĩnh xông pha, nhắm mắt làm bừa thì lại vui thú hơn rất nhiều so với những lần mà tôi cứ loay hoay giả bộ "chuẩn bị sẵn sàng" mà chẳng làm gì cả.

Dù cho đó là một tài khoản hẹn hò trên mạng mà bạn chưa dám đăng, hoặc một chuyến du lịch bạn muốn đi sau khi đã giảm cân thành công, hoặc một doanh nghiệp mà bạn muốn thành lập khi đã để dành đủ tiền… hãy cứ bắt đầu đi. Ngay bây giờ. Làm bất cứ thứ gì cần phải làm. Nếu bạn không làm ngay, nhỡ ngày mai ra đường bị xe tông thì sao?

Có lần tôi đã dành cả tháng trời cho việc chuẩn bị và sửa soạn phòng của mình để viết một cuốn sách. Tôi tìm mua một chiếc ghế phù hợp nhất, đặt chiếc bàn vào đúng vị trí hoàn hảo bên cạnh cửa sổ, sắp xếp tất cả những thứ tài liệu mình cần rồi lại sắp xếp lại chúng thêm ba lần nữa, lau dọn căn phòng cho tới khi nó sạch đến nỗi có thể thực hiện một ca phẫu thuật ngay ở dưới sàn, rồi sau đó lại viết toàn bộ cuốn sách đó tại cái bàn trong nhà bếp.

Nếu thực sự muốn đổi đời, bạn sẽ tìm ra cách, còn không bạn sẽ tìm ra lý do: Tiếp tục trì hoãn là phá hoại tương lai của chính bản thân mình - Ảnh 2.

Việc trì hoãn chính là một trong những hành vi phá hoại bản thân phổ biến nhất, vì nó rất dễ.

Có rất nhiều thứ hay ho để bạn làm trong khi trì hoãn, và không bao giờ thiếu những người luôn sẵn sàng trì hoãn cùng với bạn.

Và trong khi những việc kia có thể vô cùng vui thú ở hiện tại, thì rồi sẽ tới lúc chúng nhạt dần đi, và vài năm sau bạn sẽ ngồi đó như một kẻ thất bại, tự hỏi vì sao cuộc đời mình vẫn chưa ra đâu vào đâu. Và tại sao những người mà bạn biết lại được thăng quan tiến chức, du lịch vòng quanh thế giới hoặc được mời lên sóng phát thanh quốc gia để phát biểu về trại trẻ mồ côi mà họ mới thành lập ở Campuchia.

Nếu thực sự nghiêm túc về chuyện đổi đời thì bạn sẽ tìm ra cách. Còn nếu không thì bạn sẽ tìm ra những cái cớ!

*Trích từ cuốn sách "Bạn thật bá đạo", tác giả Jen Sincero.

Jen Sincero

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên