MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nga đầu tư tàu phá băng, đi 'đường tắt' qua Cực Bắc để bán dầu sang châu Á nhanh hơn

09-11-2022 - 12:15 PM | Thị trường

Lộ trình này giúp Nga chỉ mất 20 ngày để chuyển dầu sang Trung Quốc, rút ngắn một nửa thời gian so với hải trình cũ vòng qua kênh đào Suez.

Nga đầu tư tàu phá băng, đi đường tắt qua Cực Bắc để bán dầu sang châu Á nhanh hơn - Ảnh 1.

Tàu Vasily Dinkov.

Lần thứ 2 trong lịch sử, Nga vận chuyển dầu thô về phía đông qua Vòng Bắc Cực tới Trung Quốc - tuyến đường mà họ kỳ vọng có thể đưa dầu đến với người mua tại châu Á nhanh hơn.

Vasily Dinkov, một tàu chở dầu phá băng chuyên dụng, đang di chuyển dọc theo tuyến đường Biển Bắc sau khi nhận dầu thô vào cuối tháng trước từ một tàu chở dầu neo đậu tại Murmansk, theo dữ liệu theo dõi tàu của Bloomberg.

Con tàu này chỉ chở một lượng hàng tương đối nhỏ, băng qua bờ biển phía bắc của Nga, qua eo biển Bering vào cuối tuần qua. Nó sẽ cập bến cảng Rizhao của Trung Quốc vào ngày 17/11.

Tuyến đường này dài 3.300 dặm, vòng qua đỉnh của nước Nga - được cho là điều kiện đi thuyền khắc nghiệt nhất hành tinh khi có rất nhiều khu vực đóng băng và băng trôi. Nhưng đây lại là hành trình ngắn nhất giữa châu Âu và Đông Á, giúp tiết kiệm một nửa thời gian để đến Trung Quốc từ các cảng Baltic so với tuyến đường thông thường qua Kênh đào Suez.

Hiện chưa rõ tuyến được này sẽ được khai thác ra sao trong tương lai bởi nó còn phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết. Cho đến nay, phần lớn dầu thô vận chuyển đường biển của Nga đều được tập trung đổ vào các tàu chở dầu lưu trữ tại Murmansk, sau đó chuyển sang các tàu lớn hơn để giao đến châu Âu. Hoạt động này về cơ bản sẽ dừng lại từ ngày 5/12, khi EU cấm hầu hết mặt hàng nhập khẩu bằng đường biển từ Nga.

Nga đầu tư tàu phá băng, đi đường tắt qua Cực Bắc để bán dầu sang châu Á nhanh hơn - Ảnh 2.

Bản đồ tuyến đường biển phía Bắc mà tàu Vasily Dinkov đang đi để vận chuyển dầu sang Trung Quốc.

Theo Richard Matthews, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại E.A Gibson Shipbrokers Ltd. ở London, tuyến đường này chưa thể sớm khả thi cho đến mùa hè. “Có vẻ như sẽ không có lượng lớn dầu được vận chuyển theo tuyến đường này cho đến mùa hè”, ông nói.

Trung Quốc đã tăng nhập khẩu dầu của Nga nhưng hậu cần hàng hải cần thiết để né các lệnh trừng phạt của châu Âu vẫn cần những kế hoạch chu toàn. Giao hàng đến châu Á thông qua Kênh đào Suez đồng nghĩa các chuyến đi sẽ dài hơn nhiều so với trước đây.

Viktor Katona, nhà phân tích dầu thô tại Kpler cho biết tuyến đường biển phía Bắc sẽ “thành tuyến đường quan trọng” khi mùa hè đến. “Châu Âu đã bị phong toả. Tại sao họ phải đi vòng quanh thế giới nếu có thể sử dụng tuyến đường biển phía Bắc để đến Trung Quốc trong 20 ngày”, ông nhận định. Việc Trái Đất ấm lên, khiến băng tan nhiều hơn ở phía Bắc càng khiến khả năng tiếp cận tuyến đường này trở nên khả thi hơn.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Rosneft của Nga có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường vận chuyển dầu bằng tuyến đường này. Họ sở hữu một số mỏ dầu trên bán đảo cực Bắc của Nga thuộc dự án Vostok Oil, ước tính sản xuất 500.000 thùng dầu/ngày vào năm 2024. Việc xây dựng một bến cảng ở khu vực này cũng đã được tiến hành, đảm bảo vận chuyển dầu từ Vostok theo tuyến đường kể trên. Thậm chí, người ta tin rằng nó có thể trở thành cảng giao dịch dầu lớn nhất ở Nga.

Chuyến hàng chở đầu đầu tiên của Tuyến đường biển phía Bắc diễn ra lần đầu vào năm 2019. Kể từ đó đến nay, chưa có thêm chuyến tàu nào của Nga đi theo lộ trình tương tự, theo Katona của Kpler.

Mặc dù có thể rút ngắn hành trình, giảm lượng phát thải nhưng tuyến đường này cũng vấp phải không ít ý kiến phản đối. Việc tăng cường lưu thông qua Cực Bắc sẽ làm tăng ô nhiễm do khói từ các con tàu chở dầu. Khi muội than làm đen bề mặt của băng, nó sẽ dễ dàng hấp thu ánh sáng mặt trời gây tan băng nhanh hơn.

Bên cạnh đó, nếu có sự cố xảy ra ở khu vực này, việc ứng cứu cũng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. “Tôi không chắc bạn có thể làm cách nào để làm sạch dầu tràn ở khu vực này”, Matthews nói.

Nguồn: Bloomberg

Đức Nam

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên