Nga dọa không cung cấp dầu, EU cấm nhập vàng Nga
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak khẳng định Moscow sẽ không cung cấp dầu cho thị trường thế giới, nếu mức giá trần được áp dụng thấp hơn chi phí sản xuất.
- 19-07-2022Phần Lan đối mặt nguy cơ mất điện do Nga cắt nguồn cung
- 19-07-2022Tỷ phú Nga Roman Abramovich yêu cầu EU bồi thường thiệt hại
- 19-07-2022Lãnh đạo EU sang Azerbaijan tìm thỏa thuận khí đốt để giảm phụ thuộc Nga
Hãng tin Interfax dẫn lời ông Novak nói trên truyền hình ngày 20-7: "Nếu mức giá mà họ đang nói đến thấp hơn chi phí sản xuất dầu, đương nhiên Nga sẽ không đảm bảo cung cấp dầu cho các thị trường thế giới. Đơn giản là chúng tôi không muốn bị thua lỗ".
Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo phương Tây rằng kế hoạch giới hạn giá dầu của Nga sẽ có thể gây bất ổn thị trường dầu toàn cầu và khiến giá nhiên liệu tăng cao.
Nhà lãnh đạo Nga nói hôm 19-7: "Chúng tôi đang nghe một số ý tưởng điên rồ về việc hạn chế sản lượng dầu của Nga và áp giá trần đối với dầu của Nga. Tất cả sẽ dẫn đến một kết quả giống nhau: tăng giá. Giá cả sẽ tăng vọt".
Nga tuyên bố không bán dầu nếu lỗ. Ảnh: Reuters
Theo ông Putin, dòng khí đốt của Nga đến châu Âu bị thu hẹp là do lỗi của chính phương Tây và cảnh báo rằng nguồn cung này có thể tiếp tục giảm. Tổng thống Putin cho biết lượng khí đốt được cung qua đường ống Nord Stream 1 tới Đức sẽ giảm thêm từ 60 triệu xuống 30 triệu m3/ngày, hoặc chỉ còn khoảng 1/5 công suất của nó, nếu một tua-bin không nhanh chóng được thay thế.
Hãng tin Reuters cho biết Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia châu Phi và Trung Đông đã tăng cường nhập khẩu năng lượng từ Nga, với giá bán giảm sâu so với các tiêu chuẩn toàn cầu vì nhiều nhà lọc dầu châu Âu đã ngừng mua dầu của Nga. Giá nhiên liệu tăng vọt được cho là giúp hồi sinh của đồng rúp.
Liên quan đến vàng Nga, các nước thành viên Liên minh châu (EU) ngày 20-7 nhất trí áp lệnh cấm nhập khẩu vàng Nga (bao gồm cả đồ trang sức) và đóng băng tài sản của ngân hàng hàng đầu Nga Sberbank trong vòng trừng phạt mới nhất.
Đây là gói trừng phạt thứ 7 nhằm vào Nga và lệnh trừng phạt sẽ có hiệu lực từ ngày 21-7.
Những thỏi vàng nguyên chất tại một nhà máy kim loại ở TP Krasnoyarsk, Siberia, Nga, vào tháng 3. Ảnh: Reuters
Cộng hòa Czech, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU và chủ trì hội nghị các nhà ngoại giao EU ngày 20-7, đăng lên Twitter: "Mục tiêu chính là liên kết với các đối tác G7, củng cố các biện pháp và lấp kín các kẽ hở cần thiết".
Cộng hòa Czech thông báo EU còn bổ sung thêm nhiều cá nhân và thực thể của Nga có liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào danh sách đen.
Các chuyên gia nhận định lệnh trừng phạt vàng Nga sẽ tác động lớn đến nguồn tài chính của Nga dành cho chiến sự ở Ukraine. Trước đó, từ cuối tháng 6, Mỹ, Anh, Canada và Nhật thông báo cấm nhập khẩu vàng từ Nga nhằm ngăn chặn các nhà tài phiệt Nga mua kim loại quý này để tránh lệnh trừng phạt.
Nga là quốc gia sản xuất vàng lớn thứ hai trên thế giới. Đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, là nguồn thu chính của Nga có khả năng giao dịch với hệ thống tài chính toàn cầu.
Trong năm 2021, xuất khẩu vàng, một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga, đạt 15,45 tỉ USD. Tầm quan trọng của ngành này tăng lên từ khi Tổng thống Putin phát động chiến dịch quân sự và giới tài phiệt Nga đổ xô mua vàng để tránh tác động của lệnh trừng phạt.
Người Lao động