Nga: G7 sẽ tiếp tục suy giảm vị thế trên toàn cầu, bị BRICS vượt mặt về tốc độ tăng trưởng
Tỷ trọng của BRICS trong GDP toàn cầu tính theo PPP dự kiến sẽ đạt 38% năm 2028, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết.
- 15-10-2024Nga công bố chi tiết kế hoạch phi đô la hoá: Các nước BRICS 'thống trị' thị trường hàng hoá sẽ có sàn giao dịch cạnh tranh với CME và hệ thống tài chính không cần đến USD
- 14-10-2024‘Phật ý’ vì bị Liên minh châu Âu làm khó việc gia nhập, quốc gia ứng cử viên EU tuyên bố ưu tiên gia nhập BRICS
- 14-10-2024Nền kinh tế của quốc gia 'đầu tàu' BRICS có thể 'ngã gục' chỉ sau thông báo của đại gia dầu mỏ trong khối, 1 cuộc chiến đang chực chờ bùng lên?
Tỷ trọng của các nước BRICS trong GDP toàn cầu, được đo bằng sức mua tương đương (PPP), sẽ tiếp tục tăng nhờ kết nạp các thành viên mới và có thể đạt khoảng 38% vào năm 2028, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin nhận định.
Phát biểu tại diễn đàn xuất khẩu quốc tế “Made in Russia” hôm thứ Hai (14/10), Thủ tướng Mishustin cho biết kim ngạch thương mại giữa các “quốc gia thân thiện” và Nga đang không ngừng tăng lên và có thể tạo điều kiện cho sự tăng trưởng nhanh chóng của BRICS.
“Xu hướng này tương ứng với những thay đổi khách quan trong nền kinh tế toàn cầu, trước hết là tầm quan trọng ngày càng tăng của BRICS. Còn Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ tiếp tục suy giảm vị thế”, Thủ tướng Nga nhấn mạnh.
Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thị phần của G7 trong GDP toàn cầu tính theo PPP đã liên tục giảm trong nhiều năm qua, từ 50,42% năm 1982 xuống 30,39% năm 2022. IMF dự báo con số này sẽ giảm xuống còn 29,44% trong năm nay. Trong khi đó, BRICS chiếm 36% tỷ trọng trong GDP toàn cầu năm 2022, cao hơn G7.
Các nhà phân tích dự báo, tỷ trọng kinh tế của nhóm BRICS mở rộng trong GDP toàn cầu tính theo PPP sẽ tăng lên 45% vào năm 2040, hơn gấp đôi so với mức 21% của G7.
Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết các nước BRICS là “động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu”. Ông chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của nền kinh tế trong nhóm này dự kiến sẽ vượt trội hơn G7.
BRICS ban đầu được thành lập vào năm 2006 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, với sự tham gia của Nam Phi vào năm 2011. Đầu năm nay, 4 quốc gia nữa – Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) – chính thức trở thành thành viên. Ả Rập Xê Út cũng đã được mời tham gia nhóm và tham gia các cuộc họp BRICS, nhưng chưa trở thành thành viên chính thức. Hơn 30 quốc gia, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, đã nộp đơn xin gia nhập khối.
Nga sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh thường niên BRICS vào cuối tháng này.
Theo RT
Nhịp Sống Thị Trường