Nga không lo bị 'ế' dầu hay than, 'vị cứu tinh' cho ngành công nghiệp khai thác than nước này đã lộ diện
Sau khi bị phương Tây quay lưng, các nhà sản xuất than đá của Nga đã thành công trong việc tìm được người mua thay thế.
- 18-04-2022Việt Nam tăng cường nhập khẩu than từ Nam Phi
- 14-04-2022'Đồ ngon giá rẻ' chẳng nỡ bỏ qua: Sau dầu giá rẻ, Ấn Độ dự định tăng nhập cả than của Nga
- 12-04-2022Châu Á có thể 'giải cứu' dầu giá rẻ của Nga rất nhiệt tình nhưng với than thì không chắc
Trung Quốc đã tăng gấp đôi nhập khẩu than luyện thép từ Nga trong tháng 3 vừa qua. Nước này được mua nhiên liệu với giá chiết khấu khi các quốc gia khác ra lệnh cấm giao hàng do cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nhập khẩu than luyện cốc từ Nga đã tăng lên 1,4 triệu tấn trong tháng 3, so với 550.000 tấn của cùng kỳ năm ngoái và tăng 36% so với kim ngạch 1,1 triệu tấn vào tháng 2/2022. Nhập khẩu than nhiệt, được sử dụng cho sản xuất điện, giảm do thời tiết ôn hòa hạn chế nhu cầu và Trung Quốc thúc đẩy sản lượng trong nước.
Trung Quốc đang tận dụng lợi thế của việc giảm giá mạnh đối với than của Nga, khi những người mua khác - như Nhật Bản và Liên minh châu Âu - chuyển sang cấm nhập khẩu loại nhiên liệu này. Trong khi giá than của Nga tăng nhẹ trong năm ngoái, chúng vẫn thấp hơn rất nhiều so với giá từ các nhà cung cấp khác, như Indonesia và Mông Cổ.
Trong khi Trung Quốc đang tiến tới tăng mạnh sản lượng than trong nước, thì các mỏ của quốc gia này lại sản xuất ra nhiên liệu có chất lượng thấp và không phù hợp với các nhà máy thép. Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất thép vẫn phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp than cốc ở nước ngoài.
Nền kinh tế lớn nhất châu Á đã dự tính rằng họ quan tâm đến việc mua thêm năng lượng của Nga bất chấp áp lực quốc tế về sự ủng hộ của nước này đối với Tổng thống Vladimir Putin. Thứ trưởng Ngoại giao Le Yucheng gần đây đã ca ngợi "khả năng phục hồi tuyệt vời và tính năng động nội tại của hợp tác song phương" với Nga.
Trong khi đó, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga đã giảm 14% xuống còn 6,39 triệu tấn trong tháng 3 so với năm trước, mặc dù chúng đã tăng từ tháng 2 do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bị gián đoạn.
Châu Âu quay lưng biến Trung Quốc thành quốc gia nhập khẩu than Nga hàng đầu thế giới.
Không chỉ có Trung Quốc, Ấn Độ cũng tỏ ra là một 'bạn hàng' tích cực của Nga. Sau khi được mua dầu với giá chiết khấu cao, quốc gia Nam Á còn dự định tăng nhập trữ lượng than.
Theo dữ liệu từ công ty tình báo hàng hóa Kpler, nhập khẩu than từ Nga của Ấn Độ đã tăng mạnh trong tháng 3 lên mức cao chưa từng có trong hơn 2 năm qua.
Ông Matthew Boyle, nhà phân tích hàng đầu của Kpler, cho biết nhập khẩu than từ Nga của Ấn Độ trong tháng 3 đã đạt mức 1,04 triệu tấn, mức cao nhất kể từ tháng 1/2020. Trong đó, khoảng 2/3 lượng hàng trên đến từ các cảng Viễn Đông ở Nga, có thể là sau khi chiến sự nổ ra.
"Các thị trường nghi ngờ rằng Ấn Độ và Trung Quốc có thể tăng cường nhập khẩu than từ Nga, bù đắp phần nào tác động của lệnh cấm nhập khẩu than của Nga đã được EU đồng thuận", Vivek Dhar, giám đốc nghiên cứu hàng hóa năng lượng và khai thác tại Ngân hàng Khối thịnh vượng chung Australia cho hay.
Tuần trước, Ấn Độ cho biết họ có kế hoạch nhập khẩu gấp đôi lượng than cốc của Nga, loại than sử dụng để sản xuất thép.
Theo hãng năng lượng Rystad Energy, việc EU cấm nhập khẩu than Nga diễn ra trong thời điểm thị trường than quốc tế vô cùng thắt chặt, giá cao. "Nhu cầu than tăng mạnh ở châu Á khi các quốc gia cố gắng giảm thiểu nhập khẩu khí đốt vốn đang đắt đỏ, khiến giá than tăng cao trong năm qua".
Việc khai thác than của Ấn Độ có thể được hưởng lợi nhờ thỏa thuận thương mại ký kết với Australia hồi 2/4, vì mặt hàng này đủ điều kiện để được dỡ bỏ thuế quan. Thuế quan được thiết lập sẽ có hơn 85% hàng hóa được nhập khẩu từ Australia sang Ấn Độ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Australia không đủ than để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Ấn Độ.
Theo báo cáo triển vọng năng lượng Ấn Độ của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), than đá chiếm khoảng 70% sản lượng điện của Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này là nhà nhập khẩu và tiêu thụ than lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Trong khi đó, Nga là nước xuất khẩu than lớn thứ 6 thế giới. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, trong năm 2020, 54% lượng than xuất khẩu của Nga là xuất sang các nước châu Á, trong khi 31% được xuất sang các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế châu Âu (OECD).