MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nga lộ nguồn lợi nhuận chính sau dầu mỏ và khí đốt: Vững vàng vị thế số 1 toàn cầu

23-09-2023 - 23:23 PM | Tài chính quốc tế

Nga lộ nguồn lợi nhuận chính sau dầu mỏ và khí đốt: Vững vàng vị thế số 1 toàn cầu

Thu hoạch ngũ cốc năm 2022 đạt gần 158 triệu tấn khiến Tổng thống Putin phải thốt lên rằng, đó là kỷ lục trong lịch sử nước Nga hiện đại.

Vụ mùa bội thu

Hôm 21/9, tờ Financial Times đưa tin, giá lúa mì thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm do năng suất "đặc biệt cao" ở Nga.

Nga lộ nguồn lợi nhuận chính sau dầu mỏ và khí đốt: Vững vàng khẳng định vị thế số 1! - Ảnh 1.

Nga thu hoạch lúa mì năm 2022. Ảnh: Reuters

Giá lúa mì đã giảm hơn 1/5 kể từ cuối tháng 7, ngay cả khi hoạt động xuất khẩu mặt hàng này của Ukraine bị gián đoạn. Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới.

Michael Magdovitz, nhà phân tích hàng hóa cấp cao tại Rabobank cho biết: "Chúng tôi nhận thấy giá lúa mì giảm đáng kể về cơ bản là do Nga".

Theo ước tính của Công ty S&P Global Commodity Insights có trụ sở tại Mỹ, thị phần của Ukraine trong xuất khẩu lúa mì toàn cầu dự kiến sẽ giảm từ 9,2% trong năm nông nghiệp 2021-2022 xuống còn 6,4% trong năm nông nghiệp 2023-2024.

Trong khi đó, Nga, nước xuất khẩu lùa mì lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ cung cấp 22,5% sản lượng xuất khẩu toàn cầu trong năm nông nghiệp hiện tại, so với 15,9% của năm ngoái.

Theo ước tính từ S&P, Moscow sẽ xuất khẩu 47 triệu tấn lúa mì trong năm nay. Tuy nhiên, ông Paul Hughes, chuyên gia của S&P, cho biết ông sẽ không ngạc nhiên nếu nước này xuất khẩu 50 triệu tấn.

Các thương nhân kỳ vọng nguồn cung dồi dào từ Nga sẽ giúp giá lúa mì thế giới được duy trì ở mức thấp và bù đắp sản lượng đang sụt giảm ở các nước sản xuất lúa mì lớn khác như Argentina, Australia và Canada.

Giá lúa mì toàn cầu đã giảm hơn một nửa kể từ khi đạt mức cao nhất là 13 USD/giạ sau xung đột Ukraine vào năm ngoái. 

Giữa tháng 9 vừa qua, giá lúa mì kỳ hạn ở mức gần 5,9 USD/giạ, dao động gần mức thấp nhất trong gần 3 năm.

Nguồn lợi nhuận chính thứ ba

Người đứng đầu lâm thời Cơ quan hải quan Nga, Ruslan Davydov, cho biết hôm 19/9 rằng, xuất khẩu thực phẩm của Nga đang tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng, trở thành nguồn thu ngân sách lớn thứ ba của nước này sau dầu mỏ và khí đốt

Theo quan chức này, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nông sản tính theo khối lượng hiện đạt khoảng 70% so với năm cùng kỳ.

"Xuất khẩu tổ hợp nông-công nghiệp của chúng tôi đang tăng trưởng tốt. [Tổng thống Vladimir Putin] đã nói về điều này – chúng tôi thực tế đã vượt mục tiêu xuất khẩu so với năm ngoái. 

Hiện nay chúng tôi chủ yếu xuất khẩu ngũ cốc. Ngũ cốc chiếm phần lớn nhất, ngoài ra còn có hạt có dầu, bơ, dầu thực vật, hướng dương. Đây được xem là những sản phẩm xuất khẩu chính của chúng tôi", ông Davydov nói.

Những nhà nhập khẩu thực phẩm lớn nhất của Nga là Trung Quốc, các nước Trung Đông, Ai Cập và Kazakhstan. Những quốc gia này có thể được gọi là "thị trường truyền thống" cho xuất khẩu thực phẩm của Nga.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Nga, nước này cung cấp 60 triệu tấn ngũ cốc cho thị trường quốc tế trị giá 41,6 tỉ USD trong năm nông nghiệp 2022-2023 (từ 1/7/2022 đến 30/6/2023).

Trước đó hồi năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, chỉ số sản xuất nông nghiệp ở mức 110,2%, thu hoạch hoa màu gần 158 triệu tấn là kỷ lục trong lịch sử nước Nga hiện đại.

Giới chuyên gia cho rằng, vụ thu hoạch ngũ cốc bội thu của Nga đã củng cố vị thế xuất khẩu hàng đầu thế giới của nước này.

Theo Vân Phương

Báo giao thông

Trở lên trên