Nga vô tình 'bắn rơi' chương trình tỷ USD của Mỹ
Mỹ quyết định chấm dứt chương trình Máy bay trinh sát tấn công tương lai (FARA) trị giá 7 tỷ USD sau khi chi ít nhất 2 tỷ USD cho dự án.
- 11-02-20248 kho đạn trúng hỏa lực, 488 UAV rơi
- 11-02-2024CIA sử dụng động vật cho các chiến dịch do thám tuyệt mật như thế nào?
- 11-02-2024Bẻ khóa xe Hyundai & KIA bằng USB: Thử thách độc hại trên TikTok châm ngòi làn sóng trộm xe khắp nước Mỹ, “thổi bay” hơn 5 tỷ USD giá trị hai hãng xe Hàn Quốc
Quyết định hủy bỏ
Quyết định được Cơ quan mua sắm của Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra hơn 5 năm sau khi chương trình FARA được phê duyệt như một thiết kế máy bay trực thăng trinh sát vũ trang nhằm lấp đầy khoảng trống về khả năng vận chuyển và tấn công của của Quân đội Mỹ.
Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2018 và được thiết kế để thay thế chiếc trực thăng trinh sát Bell OH-58 Kiowa của những năm 1960, đã ngừng hoạt động hoàn toàn vào năm 2020.
FARA là chương trình mới nhất trong cuộc phiêu lưu trị giá hàng tỷ đô la kéo dài hàng thập kỷ gồm các chương trình bị hủy bỏ hoặc tái sử dụng để tạo ra một chiếc trực thăng thay thế OH-58.
Ví dụ, vào năm 2004, Quân đội đã hủy bỏ trực thăng trinh sát hạng nhẹ Comanche sau khi rót 9 tỷ USD vào dự án. Năm 2008, Trực thăng Trinh sát Vũ trang Bell ARH-70 Arapaho đã bị loại bỏ do bị trì hoãn và chi phí tăng vọt sau khi 4 nguyên mẫu được chế tạo.
Bell Helicopter và công ty con Sikorsky Aircraft của Lockheed được chọn để phát triển nguyên mẫu FARA.
Liên doanh đã cho ra đời Bell 360 Invictus và Sikorsky Raider X dựa trên yêu cầu của Quân đội rằng cánh quạt và chiều rộng thân máy bay trực thăng không dài quá 12 feet và nó có thể kết hợp các thiết bị và vũ khí tiêu chuẩn, trong khi vẫn có giá cả phải chăng để sản xuất hàng loạt.
Quân đội đã cắt giảm FARA, đổ tiền vào biến thể mới nhất của Black Hawk, máy bay vận tải CH-47F Block II Chinook, cũng như các chương trình cải thiện khả năng trinh sát bằng máy bay không người lái của mình.
Tham mưu trưởng Quân đội Randy George nói rằng cuộc cải tổ là kết quả của những quan sát trong lĩnh vực cuộc chiến ủy nhiệm đang diễn ra của NATO chống lại Nga ở Ukraine, điều mà ông ngụ ý đã cho thấy hoạt động trinh sát có người lái đã lỗi thời.
George cho biết: "Các cảm biến và vũ khí gắn trên nhiều hệ thống không người lái và trong không gian ngày càng phổ biến, vươn xa hơn và rẻ hơn bao giờ hết, cho thấy trò chơi trinh sát trên không về cơ bản đã thay đổi".
Trong khi đó, James Rainey, tướng phụ trách chương trình FARA, đảm bảo rằng việc hủy bỏ dự án không bị coi là thất bại và Bộ Tư lệnh Tương lai của Quân đội tiếp tục tận dụng những ưu điểm của dự án cho những chương trình mới.
Máy bay Trinh sát Tấn công Tương lai là dự án mới nhất của Lầu Năm Góc bị hủy bỏ trong một chương trình nổi tiếng vì lãng phí nhưng không phải hiếm thấy.
Tham vọng đánh bại S-400
Ngay khi dự án trực thăng 360 Invictus được công bố, giới lãnh đạo và nhà sản xuất Mỹ không hề giấu giếm tham vọng dùng chương trình này đánh bại hệ thống phòng không của Nga, trong đó có cả S-400.
Theo những thông tin được tiết lộ, 360 Invictus được ứng dụng công nghệ tàng hình giúp nó có thể dễ dàng vượt qua hệ thống radar tinh vi của đối phương, kể cả những 'mắt thần' của S-400 Nga và phá hủy chúng.
Khi làm nhiệm vụ tấn công, 360 Invictus có thể triển khai đạn hành trình tuần tiễu. Loại đạn này còn được gọi là máy bay không người lái tự sát, mang lại phương thức tác chiến tiên tiến cùng với khả năng xử lý nhanh thông tin về chiến trường.
Cùng với đó, 360 Invictus còn được tích hợp pháo 20 mm và khả năng mang vũ khí bên trong được thiết kế để phù hợp với trang bị hiện tại cũng như tương lai. Sự kết hợp giữa các cảm biến tiên tiến giúp nâng cao nhận thức tình huống và tăng mức độ đáng sợ của nó.
Cùng với việc công bố những thông số ấn tượng về 360 Invictus, nhà sản xuất Mỹ cũng đã đăng tải một video mô phỏng màn tấn công phá hủy tổ hợp phòng không S-400 của Nga.
Đánh giá về những thông tin của dòng trực thăng tàng hình được Mỹ công bố, chuyên gia quân sự cao cấp Nga Iuri Kuzelev cho rằng, đó là những tuyên bố sai lầm.
"Không có bất kỳ vật thể bay nào có thể tàng hình hoàn toàn được trước những hệ thống radar tối tân ngày nay, đặc biệt là với trực thăng bởi chúng không thể giấu cánh quạt đi đâu được. Chính bộ phận này khiến trực thăng tàng hình sẽ bộc lộ rõ trên màn hình radar như máy bay cỡ lớn", chuyên gia Nga nói.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Lầu Năm Góc phải từ bỏ chương trình trực thăng tàng hình khác là RAH-66 Comanche dù những chiếc đầu tiên đã được đưa vào trang bị cho một số đơn vị đặc biệt.
Comanche được thiết kế khí động học nhằm giảm tối đa diện tích phản hồi radar. Thân trực thăng được phủ thêm lớp sơn đặc biệt có khả năng hấp thu sóng radar. Các tính toán cho thấy diện tích phản hồi radar của RAH-66 nhỏ hơn nhiều lần so với AH-64D Apache.
Ngoài ra, thân máy bay được làm hoàn toàn bằng vật liệu composite nhằm giảm trọng lượng và tăng độ bền cơ học. Cánh quạt chính 5 lá được thiết kế độc đáo cùng hệ thống động cơ mới giúp trực thăng hoạt động rất êm.
Hệ thống rotor đuôi được thiết kế liền với thân nằm trong một khung hình tròn phía trên có các cánh ổn định. Với những thông số này, giới quân sự Mỹ cho rằng, Comanche chính là trực thăng tàng hình đầu tiên trên thế giới đi vào hoạt động.
Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn trang bị, dòng trực thăng này đã gây thất vọng lớn khi vẫn bị những radar phát hiện. Lầu Năm Góc tiếp tục theo đuổi một chương trình trực thăng đầy tham vọng khác là 360 Invictus với mong muốn có thể khắc phục điểm yếu trên RAH-66.
Tuy nhiên, dự án 360 Invictus cuối cùng cũng có cái kết không như mong đợi ngay từ khi chúng chưa thực hiện bất kỳ chuyến bay thử nghiệm nào.
Giáo dục và Thời đại