Nga 'vượt mặt' Mỹ trong một lĩnh vực quan trọng, khẳng định vị thế đứng đầu, 'khó có thể thay thế'
Financial Times đưa tin, Nga đã vượt Mỹ trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu sau gần 2 năm, dù khối này đã nỗ lực nhằm loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch của Nga.
Dù việc Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu có nguyên nhân từ một số yếu tố ngẫu nhiên, song vẫn thể hiện rõ những khó khăn của châu lục này trong việc loại bỏ nhiên liệu của Nga. Một số nước Đông Âu vẫn thường xuyên nhập khẩu khí đốt từ Nga.
Tom Marzec-Manser, nhà phân tích lĩnh vực khí đốt tại hãng tư vấn ICIS, cho biết: “Thật bất ngờ khi thấy thị phần LNG của Nga tăng lên ở châu Âu, sau khi châu lục này nỗ lực nhằm tách rời và giảm thiểu rủi ro trong việc nhập khẩu năng lượng.”
Sau khi mâu thuẫn Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Moscow đã cắt giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống đến châu Âu. Sau đó, châu lục này tăng cường nhập khẩu LNG từ Mỹ, được vận chuyển trên các tàu chuyên dụng.
Tháng 9/2022, Mỹ đã vượt Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu và kể từ năm 2023, Mỹ chiếm khoảng 1/5 nguồn cung của khu vực.
Tuy nhiên, tháng trước, các chuyến hàng vận chuyển LNG và khí đốt do Nga cung cấp đã chiếm tới 15% tổng nguồn cung sang EU, Anh, Thuỵ Sĩ, Serbia, Bosnia, Herzegovia và Bắc Macedonia, theo dữ liệu từ ICIS.
Trong khi đó, LNG từ Mỹ chiếm 14% nguồn cung của khu vực, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022.
Việc Nga “vượt mặt” Mỹ trong lĩnh vực này diễn ra trong bối cảnh nhập khẩu LNG của Nga ở châu Âu đã tăng lên dù một số nước trong khối đã nỗ lực áp đặt lệnh trừng phạt với Moscow. Giữa năm 2022, Nga đã ngừng vận chuyển khí đốt thông qua các đường ống nối với tây bắc châu Âu, nhưng vẫn cung cấp qua đường ống chạy qua Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.
Lượng khí đốt được vận chuyển trong tháng 5 tăng lên do một số yếu tố nhất thời, bao gồm một cơ sở sản xuất LNG lớn của Mỹ gặp sự cố phải ngừng hoạt động và Nga bơm thêm khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ trước kế hoạch bảo trì vào tháng 6. Nhu cầu khí đốt ở châu Âu hiện vẫn khá yếu, khi lượng dự trữ gần mức cao kỷ lục vào thời điểm này trong năm.
Marzec-Manser cho biết, sự thay đổi này “có thể không kéo dài” vì Nga có thể sẽ vận chuyển LNG đến châu Á vào mùa hè qua tuyến đường biển phía Bắc. Ông nói, điều này có thể khiến lượng LNG đến châu Âu giảm bớt, trong khi sản lượng LNG của Mỹ đã hồi phục.
Ông chỉ ra: “Vị thế của Nga có thể thay đổi trong lĩnh vực này ở châu Âu, khi khu cầu khí đốt tăng lên vào mùa đông tới, trong khi tổng sản lượng LNG của Mỹ chỉ đi lên khi sản lượng xuất khẩu ra thế giới tăng lên vào cuối năm nay.”
Thoả thuận vận chuyển giữa Nga và Ukraine sẽ kết thúc trong năm nay, gây rủi ro cho các chuyến hàng đi qua tuyến đường này.
Trong bối cảnh đó, EC đang thúc đẩy các nỗ lực thiết lập kế hoạch đầu tư nhằm mở rộng công suất của các đường ống tại Hành lang Khí đốt phía Nam giữa EU và Azerbaijan
Ủy viên năng lượng của EU, Kadri Simson, cho biết bà nguồn cung qua tuyến đường này hiện không đủ để thay thế 14 tỷ m3 khí đốt của Nga hiện đang chảy qua Ukraine đến EU mỗi năm. Bà đã đề cập đến mối lo ngại về việc LNG đi đến châu Á thay cho châu Âu trong chuyến thăm Nhật Bản trong tháng này. Bà cho biết, Tokyo và Brussels đã lên tiếng “cảnh báo sớm” để theo dõi tình trạng thiếu LNG và đồng ý cả 2 nên theo đuổi các biện pháp tiết kiệm năng lượng.
Tham khảo FT
Nhịp sống thị trường