MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Ngại” đầu tư vào nông nghiệp, vì sao?

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là con đường ngắn nhất giúp thu hẹp khoảng cách về công nghệ và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp giữa Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) đến năm 2020 quy định rõ: Đưa tỷ trọng giá trị sản xuất NNƯDCNC chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước; hình thành và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp (DN) NNƯDCNC tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm...

Ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng ban BQL Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết, sản xuất ở các Khu nông nghiệp công nghệ cao đạt năng suất cao kỷ lục như: Tại Israel, năng suất cà chua đạt 500-600 tấn/ha, bưởi 150-200 tấn/ha, hoa cắt cành 3 triệu cành/ha. Năng suất bò sữa bình quân 115 ngàn lít/chu kỳ/con. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã tạo ra 1 giá trị sản lượng và thu nhập bình quân 180.000-200.000 USD/ha/năm. Trung Quốc đạt giá trị sản lượng và thu nhập bình quân 50-60.000 USD/ha/năm, tăng 50-60 lần so với các mô hình trước đó.

“Chính vì vậy sản xuất nông nghiệp theo hướng ƯDCNC và sự phát triển Khu Nông nghiệp ƯDCNC đã và đang trở thành mẫu hình cho nền nông nghiệp tri thức thế kỷ XXI”, ông Thiện nói.


Trái cây Việt phong phú nhưng chưa xuất khẩu nhiều do giá trị chưa cao.

Trái cây Việt phong phú nhưng chưa xuất khẩu nhiều do giá trị chưa cao.

Hiện cả nước có 4.500 DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có đến 97,5% là DN nhỏ và vừa (DNNVV) tạo ra 45-50% khối lượng hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Thực tế cho thấy, DNNVV ngày càng tham gia sâu rộng vào qui trình phát triển kinh tế.

Cụ thể, năm 2011, DNNVV đóng góp 20% GDP thì đến 2014 con số này là 40% và 30% thu nộp Ngân sách, 30% kim ngạch xuất khẩu. DNNVV giải quyết được việc làm mới hàng năm cho 51% lực lượng lao động. Số lượng lao động ngành này tương đối cao, chiếm 47% tổng số lao động cả nước. Tuy nhiên năng suất lao động thấp, doanh thu bình quân 262 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 1/5 so với các lĩnh vực khác (doanh thu bình quân 1 tỷ đồng/người), ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn thấp, tỷ lệ máy móc đạt trình độ cao còn khiêm tốn. Chính những rào cản này khiến các DN chưa mặn mà tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.

Đã vậy, nếu quyết định đầu tư thì DN sẽ đối mặt tiếp với những khó khăn khác như: Không có quỹ đất lớn để sản xuất. Hợp tác với nông dân còn nhiều rủi ro vì tính tuân thủ hợp đồng còn yếu. Hệ thống cung cấp vốn cho DN chưa phát triển. Thị trường tiêu thụ nông sản còn bấp bênh. Tiếp cận các chính sách ưu đãi còn nhiều trở ngại...

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, hiện có 14 DN đang đầu tư trong Khu NNCNC và 23 DN ươm tạo hiện đang hoạt động. Theo khảo sát tình hình hoạt động các DN này của Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, trong số 14 DN là nhà đầu tư trong khu NNCNC gồm nhiều lĩnh vực (sản xuất cây giống, hạt giống rau quả, nấm ăn, nấm dược liệu, chế phẩm sinh học, hoa lan và xử lý sau thu hoạch), chỉ có 10 DN đang hoạt động (chiếm 71%), còn 4 DN đang gặp khó khăn về nguồn vốn để triển khai các hạng mục dự án.

Trong hoạt động kết nối giữa Ngân hàng với DN những năm qua, có 6 lượt DN có nhu cầu vay vốn để phát triển và đầu tư cho sản xuất nhưng đều không đáp ứng được yêu cầu và điều kiện cho vay của Ngân hàng. Chỉ có 2 nhà đầu tư vay được từ nguồn vốn ưu đãi lãi suất (theo Quyết định 04 của thành phố) với tổng vốn vay hơn 8 tỷ đồng.

Còn hoạt động ươm tạo DN cũng đã triển khai từ năm 2009 thông qua Trung tâm ươm tạo DN NNCNC. Trung tâm tiếp nhận khoảng 820 cá nhân liên hệ trực tiếp để tìm hiểu về chính sách và điều kiện để tham gia nhưng chỉ 260 trường hợp muốn tham gia chương trình. Số liệu khảo sát cho thấy, tỷ lệ người quan tâm/tổng số người biết đến chương trình là 7,03%, tỷ lệ thu hút DN đầu vào/tổng số người tiếp cận thông tin về chương trình ươm tạo là 5,2%. Như vậy, mức độ quan tâm khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp. Đây là một thử thách rất lớn đối với ngành nông nghiệp, đặc biệt NNƯDCNC.

Các chuyên gia cho rằng, để nâng cao giá trị và cơ hội tiêu thụ nông sản Việt Nam tại thị trường xuất khẩu thì ngành nông nghiệp trong nước phải tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng một số tiêu chuẩn sản xuất nông sản theo yêu cầu của các nước nhập khẩu như GlobalGAP, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và gia tăng hàm lượng chế biến nông sản. Ngoài ra, cần phải giải quyết vấn đề về môi trường và tính bền vững. Đây thường là yêu cầu của các nhà nhập khẩu và cũng là vấn đề được đề cập trong các thỏa thuận như Hiệp định thương mại tự do FTA.

Từ thực tế này, ông Từ Minh Thiện đã đưa ra ba nhóm giải pháp chính để phát triển DNVVN trong lĩnh vực nông nghiệp và NNƯDCNC. Thứ nhất, phải xóa bỏ rào cản trong môi trường kinh doanh (như khả năng tiếp cận thị trường, nguồn lực, thông tin và các chi phí không chính thức...).

Đây được xem là giải pháp tổng thể, liên tục, lâu dài để khuyến khích các DN khởi nghiệp và tạo thuận lợi cho các hoạt động của vườn ươm. Thứ 2, phải có cơ chế chính sách riêng cho từng nhóm đối tượng DN. Thứ 3, nâng cao hiệu quả cung ứng vốn, lưu ý tạo nguồn vốn đầu tư NNƯDCNC. Bởi vì theo khảo sát việc cho vay và đầu tư của các tổ chức tài chính cho thấy, các tổ chức này chỉ hỗ trợ vốn cho DN ở giai đoạn tăng trưởng, phát triển và thuần thục.

Giai đoạn ban đầu của DN thì rất khó khăn để thuyết phục các nhà đầu tư. Vì vậy, trong giai đoạn đầu, Nhà nước cần hỗ trợ DN thông qua các hình thức cho vay ưu đãi, hoặc tài trợ dưới hình thức các giải thưởng khoa học công nghệ. Sau đó, sẽ huy động thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư để hình thành nên một Quỹ đầu tư mạo hiểm.

Theo Thúy Hà

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên